Có thể thị trường sẽ test điểm 480 một lần nữa.

Có thể thị trường sẽ test điểm 480 một lần nữa.

Tăng hay giảm là do chúng ta

(ĐTCK-online) Xu huớng đi xuống của TTCK trong mấy ngày qua làm cho rất nhiều NĐT lo ngại. Ông Lâm Minh Chánh, Tổng giám đốc CTCK Đại Việt, thành viên Hội đồng chỉ số VIR 50 Index thuộc Báo ĐTCK đã có những kiến giải và bình luận về tình hình thị trường hiện nay.

Có một câu chuyện đã được nhiều người biết, đó là chuyện về Ông già thông thái. "Ngày xưa, ở làng nọ, có một ông già rất thông thái, biết hầu hết mọi việc. Mọi người trong vùng, khi có gì thắc mắc, cần hỗ trợ đều được ông giải đáp và tư vấn. Cho đến ngày nọ, có một thằng bé thông minh và láu lỉnh, muốn chứng minh với mọi người rằng, nó sẽ thắng Ông già thông thái. Thằng bé đến gặp ông với một con chim sẻ còn sống trong lòng hai bàn tay đã khép lại. Nó hỏi ông già: “Thưa Ông già thông thái, ông cho con biết con chim trong tay con còn sống hay đã chết?”. Nó định rằng, nếu ông nói chết, thì nó sẽ thả chim ra; nếu ông nói sống, thì nó sẽ dùng hai tay bóp chết con chim. Đằng nào thì ông cũng nói sai. Ông già mỉm cười độ lượng và nói với nó rằng: “Con chim trong tay con, con muốn nó sống thì nó sống, con muốn nó chết thì nó chết. Con là người quyết định, không ai khác, có thể quyết định sự sống còn của con chim trong tay con". Câu chuyện này được người viết cũng như nhiều nhà quản lý khác dùng để "răn" bản thân mình cũng như khuyên nhủ đồng nghiệp, nhân viên: "Tự mỗi chúng ta phải là người quyết định cho chính cuộc sống, cho tương lai, cho mình".

Mấy ngày vừa qua, khi thị trường đi xuống, nhiều khách hàng thắc mắc: tại sao thị trường xuống hoài vậy? Người viết xin "mượn tạm" ý của câu chuyện trên và trả lời rằng: "Lên hay xuống là do anh/chị đó." Có nhiều người trợn mắt, nhưng cũng không ít người hiểu và chia sẻ.  Điều mà tôi muốn nói ở đây: NĐT là chính là người quyết định xu hướng của TTCK.

Chứng khoán Việt Nam bắt đầu khởi sắc một cách rõ rệt vào cuối tháng 7 khi VN-Index đang ở mức 429 điểm. Có nhiều tin tốt đẹp đến với thị trường: lạm phát tăng chậm lại, giá xăng giảm, lãi suất ngân hàng giảm dần, tình hình kinh doanh của các công ty không quá thấp như dự đoán trước đây..., cộng vào đó là các kênh đầu tư khác không được hiệu quả lắm. Những tin này tạo ra một tâm lý lạc quan của NĐT và thị trường bước vào xu hướng tăng. Đây là sự tăng trưởng hợp lý. Sự tăng trưởng bắt đầu trở nên bất hợp lý vào nửa cuối tháng 8. Khi đó thị trường tăng với tỷ trọng phần trăm cao, có khi  3 - 4%/ngày, tăng mà ít có phiên điều chỉnh và bất kỳ cổ phiếu nào cũng tăng (đâu phải công ty nào cũng có kết quả kinh doanh tốt). Đây là sự tăng do chúng ta - những NĐT - tạo ra. Chúng ta quá lạc quan, quá kỳ vọng. Trong đợt tăng nóng đó, nếu không có những NĐT tổ chức tranh thủ sự lạc quan của thị trường để bán ra cổ phiếu lấy tiền mặt, cơ cấu lại danh mục, cũng như không có sự bán ra chốt lời của các nhà kinh doanh (trader) chuyên nghiệp, thì độ lớn của sự "tăng do chúng ta" đó hẳn còn kéo dài nữa.

Đến đầu tháng 9 thì thị trường bắt đầu giảm. Phần đầu của sự giảm này là hợp lý. Thị trường đã tăng quá mức thì phải điều chỉnh trả nợ. Nói theo trường phái cơ bản, thị trường không còn tin tốt để hỗ trợ nên phải giảm; hay nói theo trường phái kỹ thuật, thị trường đã chạm ngưỡng kháng cự mạnh và hình thành xu thế giảm. Tuy vậy, khúc phía sau này, kể từ ngày 8/9 đến nay, sự suy giảm này trở nên bất hợp lý khi việc giảm đã xóa đi hết thành quả của mọi thông tin tích cực. Về mặt hiện tượng thì thị trường giảm với phần trăm cao, có khi 3 - 4%/ngày, giảm liên tục mà không có phiên điều chỉnh (chỉ điều chỉnh giữa phiên) và bất kỳ cổ phiếu nào cũng giảm (đâu phải công ty nào cũng có kết quả kinh doanh xấu).

Nói gọn lại, thị trường có những giai đoạn tăng trưởng, suy giảm hợp lý theo tình hình vĩ mô, vi mô; có những giai đoạn tăng và giảm do chúng ta. Điểm đặc biệt nhất của thị trường Việt Nam là tâm lý đám đông còn chi phối mạnh. Chúng ta thường hay suy nghĩ một chiều: tham thì cùng tham, sợ thì cùng sợ. Do đó, những giai đoạn "tăng và giảm do chúng ta" thường hay xảy ra hơn so với thị trường khác. Hậu quả là thị trường Việt Nam có tính rủi ro cao và tính thanh khoản thấp. Đó cũng là lý do các nhà tài chính thế giới xếp TTCK Việt Nam vào nhóm "Thị trường cận biên" - Frontier Market, chứ không phải nhóm "Thị trường đang lên" - Emerging Market (tác giả sẽ trở lại với chủ đề này trong một dịp khác).

Trở lại với sự suy giảm hiện tại của TTCK Việt Nam, phần đông chuyên gia thị trường, những nhà phân tích kỹ thuật lão luyện mà người viết tham khảo ý kiến đều nhận định rằng, có thể thị trường sẽ test điểm 480 một lần nữa rồi phải tiếp tục giảm và sẽ "test" điểm hỗ trợ 450 điểm. Có một số chuyên gia còn nói đến 430 hay 420 điểm. Riêng tôi, ngoài những suy nghĩ thông thường như trên còn có một ý nghĩ khác. Đó là, chính "chúng ta" sẽ quyết định xu hướng thị trường. Hiện tại, chỉ có ít người đã thoát ra (có nhiều tiền mặt) thì mong muốn thị trường xuống tiếp để mua vào với giá hời, còn lại hầu hết đều mong muốn thị trường lên. Vậy tại sao không cùng hy vọng - dù rằng rất nhỏ -  và hành động - ngừng bán và mua dần vào từ từ - để ngừng sự suy giảm do chính chúng ta gây ra?