Tăng tốc chuyển đổi số, đa dạng hóa chuỗi cung ứng

Tăng tốc chuyển đổi số, đa dạng hóa chuỗi cung ứng

0:00 / 0:00
0:00
Tăng tốc chuyển đổi số, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, xác định rõ các bước có tác động trọng yếu đến chuỗi cung ứng và nâng cao khả năng phục hồi kinh tế vô cùng quan trọng.

Đây là các vấn đề các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo chuyên đề 3 với chủ đề “Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng” tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4, do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Ban Cán sự Đảng Chính phủ và UBND TPHCM tổ chức vào ngày 5/6/2022.

Tiến sỹ Elisabetta Gentile, Chuyên gia kinh tế cao cấp, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, ngay từ việc Việt Nam đã bắt đầu nói về đa dạng hóa chuỗi cung ứng đã là một trong những tín hiệu quan trọng đáng chú ý trong quá trình phục hồi sau đại dịch của Việt Nam.

“Đa dạng hóa giúp cho Việt Nam tránh đổ vỡ ở quy mô lớn, có thể dẫn đến những hiệu ứng đổ vỡ cho toàn bộ chuỗi cung ứng. Hơn nữa, Việt Nam cũng cần phải hiểu rõ hơn về chuỗi cung ứng, về phát triển toàn cầu, bao gồm các tài sản vô hình (như thương hiệu, R&D, chiến lược marketing…), và hoạt động của tập đoàn đa quốc gia hiện nay,” bà cho biết.

Việt Nam cũng được chuyên gia ADB khuyến nghị nên khu vực hóa chuỗi cung ứng, tận dụng mọi mối quan hệ với các đối tác khác trong khu vực để tạo ra sự ổn định, đủ điều kiện chống lại các đứt gãy và giảm thiểu tác hại domino tới các ngành liên quan.

Bà Gentile cũng cho rằng, đối với cơ sở hạ tầng số hóa mà Việt Nam hiện đang có, cần phải đảm bảo rằng hệ thống cơ sở hạ tầng số hóa này có tính toàn diện và bao hàm, có thể tạo điều kiện cho tất cả các doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới bất kể quy mô lớn hay nhỏ.

Chia sẻ kinh nghiệm của Australia về ổn định và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, thay mặt cho Cơ quan chuyên trách về duy trì chuỗi cung ứng (thuộc Văn phòng Thủ tướng và Nội các Australia), bà Sarah Hooper, tổng Lãnh sự Australia tại TP. Hồ Chí Minh cho rằng các chính phủ cần phải xây dựng cho mình khả năng phục hồi chuỗi cung ứng sau các biến cố xảy ra.

“Kinh nghiệm của chúng tôi là đề cao và tăng cường hợp tác đối với thành phần kinh tế tư nhân. Trong đại dịch covid-19, chúng tôi nỗ lực tiếp cận đầy đủ và đáng tin cậy đối với các doanh nghiệp cung cấp thiết bị y tế, vắc xin..,” bà Hooper nói.

Để đa dạng nguồn cung cho chuỗi cung ứng, chính phủ Úc đã triển khai nhiều nghiên cứu để xác định nguồn cung cơ bản và tăng cường khả năng phục hồi, đánh giá các lỗ hổng và xây dựng các giải pháp phục hồi.

Ở trong nước, chính phủ Úc xác định các thành phần của chuỗi có tác động chính đến chuỗi cung ứng như thành phần y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, cải thiện khả năng phục hồi của khối doanh nghiệp tư nhân, đảm bảo an ninh quốc gia và hài hòa với lợi ích chung của quốc tế.

Chính phủ Úc cũng đánh giá cao và làm việc chặt chẽ với các tổ chức quốc tế, các diễn đàn đa phương có uy tín, xây dựng chuỗi cung ứng an toàn, minh bạch và kiên cường, hỗ trợ cho các lĩnh vực như y tế, năng lượng sạch, điện tử vv

Các giải pháp khác được thực hiện là xác định phương án thay thế, lập bản đồ quốc gia, làm việc với Ủy ban cạnh tranh và Người tiêu dùng để cân bằng giá cả, hỗ trợ năng lực sản xuất tại chỗ, tìm nguyên liệu thay thế.

Hơn thế nữa, Úc cũng như Việt Nam, đang đẩy mạnh các hiệp định quốc tế để mở rộng thêm danh mục hàng hóa được áp dụng thuế ưu đãi đồng thời doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn, giảm thiểu tác động khi chuỗi cung ứng quốc tế bị gián đoạn.

“Chuỗi cung ứng của chúng ta hiện đang tiềm ẩn nhiều rủi ro do đó, chúng ta phải sẵn sàng cân bằng và tiến tới mô hình linh động để có thể đảm bảo khả năng tiếp cận hàng hóa dịch vụ thiết yếu khi có sự cố xảy ra,” bà nhấn mạnh.

“Hơn bao giờ hết, các chính phủ cần lập kế hoạch ứng phó càng sớm càng tốt để tránh đứt gãy và các tác động lên nền kinh tế trong thời gian tới."

Về chuyển đổi số, các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam cần xây dựng hệ thống cơ sở chuyển đổi số liên thông, đồng bộ, mang lại giá trị gia tăng và đáp ứng nhu cầu của tất cả các thành phần.

“Hoàn thiện chính sách tài chính thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực công và tư, sự vào cuộc nhanh và tích cực hơn của các đơn vị nghiên cứu, liên kết ngành trọng điểm có tiềm năng và lợi thế, xem xét rà soát giảm thiểu rủi ro và đào tạo thu hút nhân lực tại địa phương sẽ giúp cho Việt Nam chủ động trong chuỗi giá trị toàn cầu,” bà cho biết.

Thứ trưởng bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, những thay đổi trong cách thức vận hành của nền kinh tế và thị trường toàn cầu dưới tác động của CMCN 4.0 và đại dịch covid-19 đã mang lại cả thách thức và cơ hội cho ngành công thương Việt Nam.

“Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng đã đẩy quá trình dịch chuyển đầu tư nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng, giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài và đẩy nhanh quá trình đỏi mới, ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số đối với các hoạt động sản xuát và kinh doanh của cả doanh nghiệp nước ngoài và trong nước,” thứ trưởng cho biết.

Chính phủ Việt Nam đã ban hành và đẩy mạnh triển khai chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mói sáng tạo, đồng thời thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số, và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tập trung phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp hỗ trợ nhằm nâng cao nội lực về kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, và sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư mới trong nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các tập đoan đa quốc gia trong giai đoạn hiện nay.

Theo ông Nguyễn Đức Hiển, phó trưởng Ban kinh tế Trung ương, trong bối cảnh Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới, hoạt động đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Việt Nam cũng đã có những chuyển biến tích cực.

Về đổi mới công nghệ, năm 2020, Việt Nam đã cấp 4.319 bằng độc quyền sáng chế; 18.197 công bố quốc tế; tỷ lệ chi cho nghiên cứu triển khai khu vực ngoài nhà nước tăng lên đạt 40,07%, khu vực FDI 12,87%, khu vực Nhà nước 47,05%; Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia đã huy động được gần 800 tỷ đồng từ doanh nghiệp cho các dự án đang thực hiện; Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2021 với mục tiêu số doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 15%-20%/năm.

Về chuyển đổi số, tính đến hết quý I năm 2022, đã có 22/22 bộ, ngành và 63/63 địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo; 55/63 địa phương đã ban hành nghị quyết/chỉ thị/văn bản của tỉnh ủy/thành ủy về chuyển đổi số; 59/63 địa phương và 19/22 bộ, ngành ban hành chương trình/kế hoạch/đề án về chuyển đổi số giai đoạn 05 năm. Về đa dạng chuỗi cung ứng, Việt Nam đã tham gia và ký kết 17 hiệp định FTAs với các đối tác quan trọng hàng đầu trên thế giới, trong đó có nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP, RCEP, EVFTA.

“Một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đang ngày càng tham gia có hiệu quả hơn vào các chuỗi cung ứng, sản xuất khu vực và toàn cầu và liên tục mở rộng thị trường đầu ra và đầu vào cho các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam,” ông Hiển cho biết.

Tuy nhiên, đánh giá khách quan cho thấy, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.

“Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa xây dựng được hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với sự đồng bộ của các khâu: nguồn cung khoa học – công nghệ của khối đại học và viện nghiên cứu, khả năng áp dụng và năng lực đầu tư cho khoa học – công nghệ của khối doanh nghiệp và hệ thống quản lý, chính sách của Nhà nước,” ông Hiển nhấn mạnh.

Chuyển đổi số trong các ngành sản xuất còn chậm; còn thiếu các cơ chế, chính chính sách hỗ trợ hiệu quả về chuyển đổi số, cơ chế đột phá đa dạng hóa chuỗi cung ứng để doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ, ưu đãi đối với sản phẩm tạo ra từ đổi mới công nghệ, chuyển đổi số chưa nhiều. Nền kinh tế có độ mở lớn, hội nhập cao nhưng lại chỉ tập trung vào một số ít thị trường dẫn đến thiếu bền vững.

Tin bài liên quan