Tăng trưởng tín dụng tại TP.HCM cán mốc 14%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM ông Nguyễn Đức Lệnh cho hay, huy động vốn trên địa bàn thành phố năm nay ước tăng khoảng 6%, còn dư nợ tín dụng tăng khoảng 14%.
Tăng trưởng tín dụng tại TP.HCM cán mốc 14%

Trong đó, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chiếm 68-70% tổng dư nợ tín dụng tại TP.HCM. Các lĩnh vực ưu tiên bao gồm xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Riêng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khoảng 70% tổng dư nợ của chương trình cho vay ưu tiên này.

Cụ thể, với chương trình cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh ưu tiên vẫn được triển khai xuyên suốt, lãi suất tối đa chỉ 5,5%/năm.

Dư nợ của chương trình cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên trên địa bàn TP.HCM với mức lãi suất tối đa 5,5%/năm đang đạt khoảng 200.000 tỷ đồng.

Cũng theo ông Lệnh, do đây là chương trình cho vay ngắn hạn, với kỳ hạn 3-6 tháng, dư nợ 200.000 tỷ đồng, tương đương với việc các doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên nói trên tại TP.HCM tiếp cận được tổng cộng tối đa 800.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi trong năm nay. Như vậy, mức độ lan tỏa của chương trình này rất lớn.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận được mức lãi suất ưu đãi 5,5%/năm mà phải đáp ứng nhiều tiêu chí như minh bạch về sổ sách, các số liệu tài chính được kiểm toán, kinh doanh có hiệu quả, lợi nhuận trong 3 năm liền kề trước thời điểm vay vốn.

Còn với toàn hệ thống ngân hàng, Phó thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, tính đến ngày 21/12, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,78 triệu tỷ đồng, tăng 12,87% so cuối năm 2021, tăng 13,96% so cùng kỳ năm 2021.Trong đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát. Dư nợ tín dụng đối với 23 chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội đến 30/11/2022 đạt khoảng 279.732 tỷ đồng, tăng 12,81% so với năm 2021 với hơn 6,4 triệu khách hàng còn dư nợ.

Theo Phó thống đốc Tú, căn cứ định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, NHNN đã thực hiện điều hành tín dụng hỗ trợ phục hồi kinh tế, đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát; chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư, kinh doanh chứng khoán, bất động sản (nhất là kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, các dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp...); tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận tín dụng ngân hàng.

Đến tháng 11/2022, tình hình tác động từ bên ngoài dịu bớt, thanh khoản của TCTD cải thiện hơn, NHNN quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các TCTD, lên 15,5% - 16%. Như vậy, trong 10 ngày cuối cùng của năm 2022, toàn hệ thống ngân hàng vẫn còn dư khoảng 2,63% - 3,13% room tín dụng.

Nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng theo hướng, các TCTD có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn.

Bên cạnh việc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng, NHNN cũng yêu cầu các TCTD chủ động cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên (như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao); các động lực tăng trưởng theo đúng chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; xây dựng khu công nghiệp.

Cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân; các dự án bất động sản nhà ở sắp hoàn thành xây dựng và bàn giao, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đảm bảo tính pháp lý, có thanh khoản tốt, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, các dự án nhà ở thương mại với giá phù hợp.

Tin bài liên quan