Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì phiên họp (Ảnh: Đức Trung)

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì phiên họp (Ảnh: Đức Trung)

Tạo cú hích đưa vùng Đông Nam Bộ phát triển hiện đại, hài hòa, bền vững

0:00 / 0:00
0:00
Khung định hướng phát triển và tổ chức không gian vùng Đông Nam Bộ sẽ là định hướng quan trọng để xây dựng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đưa vùng Đông Nam Bộ trở thành trung tâm phát triển kinh tế năng động.

Ngày 16/8, phiên họp báo cáo Khung định hướng phát triển và tổ chức không gian vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Cần có tầm nhìn, tư duy đột phá hơn, táo bạo hơn

Vùng Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có diện tích 23.551,5 km2, là vùng có diện tích nhỏ thứ hai cả nước (chiếm 7,1%), nhưng là đầu tàu kinh tế của cả nước, có đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm của cả nước. Đến năm 2022, GRDP của vùng đạt 2,95 triệu tỷ đồng, chiếm 31,04% GDP cả nước, đứng thứ 1/6 vùng.

Về mặt địa lý, vùng Đông Nam Bộ là trung tâm của khu vực ASEAN, nhưng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại. Tốc độ tăng trưởng giảm sút trong những năm gần đây, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu, sức hấp dẫn của vùng giảm xuống; động lực tăng trưởng của toàn vùng đang chậm lại, nhất là khu vực công nghiệp và dịch vụ, thiếu sự đột phá, đổi mới.

Vì vậy, nhận diện rõ những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức của vùng là nhiệm vụ hết sức quan trọng, để từ đó xây dựng khung định hướng phát triển và tổ chức không gian cho vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, đưa vùng Đông Nam Bộ phát triển như mục tiêu trong Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là vấn đề hết sức quan trọng.

Theo đó, vùng Đông Nam Bộ được định hướng trở thành trung tâm dịch vụ của khu vực Đông Nam Á về tài chính, thương mại, du lịch, giao lưu quốc tế, trong đó TP Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính quốc tế; Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia và có vị trí quan trọng trong tuyến hàng hải quốc tế. Năng lực cạnh tranh của Vùng được cải thiện mạnh mẽ, trở thành một trung tâm phát triển kinh tế năng động của khu vực ASEAN.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, mặc dù khung định hướng thảo luận hôm nay mới là dự thảo lần đầu nhưng có ý nghĩa rất quan trọng, có tính chất dẫn dắt. Với tính chất quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, Bộ trưởng yêu cầu khung định hướng và bản quy hoạch vùng cần tạo được cú hích đưa vùng Đông Nam Bộ phát triển văn minh hiện đại, khai thác hết tiềm năng nhưng phải bảo đảm hài hòa, bền vững.

"Để vùng phát triển xứng đáng là trung tâm kinh tế lớn nhất của đất nước, cần có tầm nhìn, tư duy đột phá hơn, táo bạo hơn trong việc phác thảo tổ chức không gian phát triển vùng Đông Nam Bộ", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Phiên họp báo cáo Khung định hướng phát triển và tổ chức không gian vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Ảnh: Đức Trung)

Phiên họp báo cáo Khung định hướng phát triển và tổ chức không gian vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Ảnh: Đức Trung)

Xây dựng 3 tiểu vùng, 3 vùng động lực phát triển

Theo đơn vị tư vấn là Viện Chiến lược phát triển, trong thời kỳ quy hoạch, Vùng được định hướng phát triển theo 3 tiểu vùng.

Thứ nhất, tiểu vùng trung tâm (gồm TP. Hồ Chí Minh, khu vực phía Nam tỉnh Bình Dương và Tây Nam tỉnh Đồng Nai): Dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ tài chính quốc tế, giáo dục - đào tạo, y tế, công nghiệp công nghệ cao và chuyên sâu, đầu mối giao thương quốc tế.

Thứ hai, tiểu vùng ven biển (gồm khu vực Cần Giờ của TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu): Kinh tế biển: Cảng biển, logistics, dịch vụ hậu cần cảng biển, dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải; công nghiệp khai thác, chế biến dầu khí, hoá dầu; du lịch biển, đảo; khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản. Hình thành khu thương mại tự do tại khu vực Cái Mép Hạ. Phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, TP. Vũng Tàu là trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế.

Thứ ba, tiểu vùng phía Bắc (gồm Tây Ninh, Bình Phước và khu vực phía Bắc của Đồng Nai, Bình Dương): Kinh tế cửa khẩu, kho vận, công nghiệp chế biến nông, lâm sản; khu vực mở rộng không gian phát triển công nghiệp của vùng; trồng cây công nghiệp; bảo vệ nguồn nước, hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học.

Các vùng động lực của Đông Nam Bộ được xác định gồm:

(i) Vùng động lực TP. Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa-Vũng Tàu (Vùng động lực quốc gia) bao gồm TP. Hồ Chí Minh và các địa bàn cấp huyện dọc theo Quốc lộ 22, 13, 1, 51 qua các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó TP. Hồ Chí Minh là cực tăng trưởng. Tập trung phát triển mạnh khoa học, công nghệ và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đi đầu trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng kinh tế số, xã hội số. Phát triển mạnh các dịch vụ tài chính, ngân hàng, khoa học công nghệ, logistics. Thu hút đầu tư các ngành công nghiệp công nghệ cao; phát triển các công viên phần mềm, trí tuệ nhân tạo.

(ii) Các khu kinh tế, khu thương mại tự do, đô thị đặc thù... Nâng cao hiệu quả hoạt động các khu kinh tế cửa khẩu tại Tây Ninh, Bình Phước. Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo hướng công nghiệp - đô thị - thương mại - dịch vụ. Khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại Cái Mép Hạ. Thành phố sân bay cửa ngõ quốc tế Long Thành. Trung tâm tài chính quốc tế TP. Hồ Chí Minh. Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, trí tuệ nhân tạo tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai.

(iii) Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, vùng. Khu công nghệ cao; các khu công nghệ thông tin, công nghệ số; Trung tâm công nghệ sinh học quốc gia TP. Hồ Chí Minh… Thu hút các cơ sở R&D của các tập đoàn lớn trên thế giới…

Không gian phát triển vùng Đông Nam Bộ (Nguồn: Viện Chiến lược phát triển)

Không gian phát triển vùng Đông Nam Bộ (Nguồn: Viện Chiến lược phát triển)

Cơ quan tư vấn cũng đề xuất các hành lang phát triển. Trong đó, có Hành lang kinh tế Bắc - Nam trên địa bàn vùng Đông Nam Bộ (từ Đồng Nai đến TP. Hồ Chí Minh); Hành lang kinh tế Mộc Bài - TP. Hồ Chí Minh - Biên Hòa - Vũng Tàu; hình thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang vành đai 3, vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh; hình thành hành lang kinh tế Quốc lộ 13 (TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành - Cửa khẩu Hoa Lư); từng bước hình thành Hành lang kinh tế Tây Nguyên - Đông Nam Bộ gắn với đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc - Nam phía Tây.

Về định hướng phát triển hệ thống đô thị, đơn vị tư vấn cho rằng, cần hạn chế mở rộng phát triển đô thị trên diện rộng, đặc biệt là tại các khu vực chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Xây dựng và phát triển đô thị tại các vùng có địa hình cao trên các hành lang kinh tế trọng điểm, các tuyến đường vành đai quan trọng.

Đồng thời, hình thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang vành đai 3, vành đai 4 và các tuyến cao tốc của vùng. Phát triển chuỗi công nghiệp - đô thị Mộc Bài – TP. Hồ Chí Minh - Cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế Xuyên Á. Phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị tại thành phố mới Phú Mỹ, thành phố sân bay cửa ngõ quốc tế Long Thành và Khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ Bình Dương.

Cần những đột phá về thể chế, chính sách

Nhận định về các kịch bản tăng trưởng của Vùng trong thời kỳ quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, 3 kịch bản vẫn mang tính “an toàn quá”. Bộ trưởng cho rằng, nếu đặt ra các kịch bản, định hướng an toàn quá, thì không thể tạo ra những sự đột phá.

Góp ý cho khung định hướng, TS. Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao bản báo cáo và cho rằng, để “khát vọng, đột phá”, cần đánh giá chi tiết hơn nữa đối với các yếu tố kinh tế, điều kiện tự nhiên của từng tiểu vùng.

TS. Cao Viết Sinh cũng lưu ý về một số điểm nghẽn về hạ tầng kết nối vùng, việc đầu tư cảng biển, sân bay còn chậm. Ông cho rằng, cần quan tâm đến kết nối ngầm, kết nối trên cao. Đối với không gian kết nối, phát triển, cần chú ý đến việc kết nối giữa Cảng Cần Giờ với đường bộ, đường sắt, kết nối giữa sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành.

“Vùng Đông Nam Bộ có trình độ quản lý cao, nhưng tính phân cấp, phân quyền quá thấp, không tương xứng với tiềm lực của vùng. Trung ương mạnh dạn phân cấp tối đa thì họ sẽ có nhiều sáng tạo, đi đầu trong cải cách”, TS. Cao Viết Sinh phân tích.

TS. Cao Viết Sinh góp ý cho khung định hướng (Ảnh: Đức Trung)

TS. Cao Viết Sinh góp ý cho khung định hướng (Ảnh: Đức Trung)

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, cần xây dựng kịch bản dựa trên cải cách thể chế. “Vùng không thay đổi thể chế, không thể thu hút được FDI có chất lượng, không thể thu hút hút được nguồn lực, không thể biến TP. Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính quốc tế, không thể phát triển được các ngành công nghệ cao, không thể có được lượng start-up…”, ông nói.

Đồng ý với quan điểm của TS. Nguyễn Đình Cung, TS. Nguyễn Bá Ân, nguyên Tổng thư ký Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh cho rằng, nên xác định rõ kịch bản tổ chức không gian; yêu cầu đột phá về thể chế chính sách để thu hút đầu tư, sử dụng hiệu quả nguồn lực; nhu cầu về phát triển kết cấu hạ tầng… theo 3 tiểu vùng để thực hiện mục tiêu đưa ra mà Nghị quyết số 24-NQ/TW đề ra.

Vị chuyên gia này cũng đặc biệt lưu ý tới giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng hiện đại, lấy kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm và động lực phát triển của vùng Đông Nam Bộ.

Đánh giá cao sự chuẩn bị của Viện Chiến lược phát triển cũng như ý kiến đóng góp của các chuyên gia, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị Viện Chiến lược phát triển tiếp thu các ý kiến, phân tích để hoàn thiện báo cáo lần 1 để trình Chính phủ trong tháng 8 này.

3 kịch bản tăng trưởng thời kỳ 2021 - 2030

Đơn vị tư vấn cũng đề xuất kịch bản tăng trưởng thời kỳ 2021 - 2030. Theo đó, ở Kịch bản 1 - Kịch bản thấp có tốc độ tăng trưởng GRDP dự báo đạt bình quân 4,92%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025; đạt bình quân 7,18%/năm trong giai đoạn 2026 - 2030. Tính chung cả giai đoạn 2021 - 2030 đạt bình quân 6,04%/năm. Giai đoạn 2031-2050, tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt khoảng 6,85%/năm.

Kịch bản 2 - Kịch bản trung bình, tốc độ tăng trưởng GRDP dự báo đạt bình quân 5,48%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025; đạt bình quân 8,66%/năm trong giai đoạn 2026 - 2030. Tính chung cả giai đoạn 2021 - 2030 đạt bình quân 7,06%/năm. Giai đoạn 2031-2050, tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt khoảng 7,2%/năm.

Kịch bản 3 - Kịch bản phấn đấu, tốc độ tăng trưởng GRDP dự báo đạt bình quân 5,97%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025 (trong đó ba năm 2021-2023: 3,88%/năm; hai năm 2024-2025: 9,18%/năm); đạt bình quân 10,2%/năm trong giai đoạn 2026 - 2030. Tính chung cả giai đoạn 2021 - 2030 đạt bình quân 8,07%/năm. Giai đoạn 2031-2050, tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt khoảng 7,6%/năm.

Tin bài liên quan