Tập trung đầu tư hạ tầng liên kết vùng Trung du và miền núi phía Bắc

0:00 / 0:00
0:00
Đầu tư hạ tầng là nội dung được chú trọng trong thời kỳ quy hoạch 2021 - 2030 của vùng Trung du và miền núi phía Bắc để giải quyết một trong 3 “điểm nghẽn” lớn nhất hiện nay.

Vùng Trung du và miền núi phía Bắc là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh; là “phên dậu”, cửa ngõ phía Bắc của quốc gia và có vai trò quyết định đối với nguồn năng lượng, nguồn nước và môi trường sinh thái của cả vùng Bắc bộ.

Để hoạch định chiến lược phát triển dài hạn cho vùng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chính phủ ban hành Nghị quyết số 96/NQ-CP về Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Nhằm tiếp tục hiện thực hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển vùng đề ra tại Nghị quyết của Bộ Chính trị, cụ thể hóa các quy hoạch cấp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong vùng cùng các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức lập Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của Luật Quy hoạch.

Trao đổi tại Hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc hôm 1/12, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc khẳng định, quy hoạch vùng này có ý nghĩa quan trọng, giúp “mở đường”, chủ động kiến tạo phát triển, với tư duy mới, tầm nhìn mới để tạo ra cơ hội mới, động lực phát triển mới và giá trị mới cho vùng, tháo gỡ những “nút thắt”, “điểm nghẽn” trong phát triển thời gian vừa qua và đề ra mục tiêu, phương án phát triển, cũng như giải pháp tổ chức thực hiện trong thời gian tới.

Theo đơn vị tư vấn Quy hoạch vùng là Công ty cổ phần Tư vấn quốc tế EnCity và nhận định của các chuyên gia tại Hội nghị, 3 điểm nghẽn lớn nhất của vùng Trung du và miền núi phía Bắc là liên kết nội vùng và liên vùng còn hạn chế, chênh lệch phát triển nội vùng lớn và chất lượng nguồn nhân lực thấp.

Trên cơ sở đó, EnCity đề xuất một số định hướng tổng thể trong công tác lập quy hoạch Vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Trong đó, định hướng tổ chức không gian phát triển gồm 4 tiểu vùng - 6 hành lang kinh tế (4 hành lang chính, 2 hành lang phụ) - 3 vành đai kinh tế và hệ thống các cực tăng trưởng, các trung tâm gắn với các tiểu vùng và vùng.

Cụ thể, tiểu vùng 1 (tiểu vùng phía Tây gồm Điện Biên, Sơn La và Hòa Bình) là khu vực tăng trưởng xanh gắn với nông nghiệp bền vững, du lịch sinh thái và năng lượng sạch với Hòa Bình là cực tăng trưởng và Sơn La là trung tâm chế biến nông sản, dịch vụ xã hội.

Tiểu vùng 2 (tiểu vùng Tây Bắc gồm Lai Châu, Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang) là vùng du lịch tầm cỡ, đầu mối giao thương kinh tế, văn hóa với Vân Nam và các tỉnh phía Tây Nam Trung Quốc với 2 cực tăng trưởng ở Lào Cai và Phú Thọ.

Tiểu vùng 3 (tiểu vùng Đông Bắc gồm Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng) là nơi có trung tâm công nghiệp, giáo dục và y tế của cả vùng, vừa là nơi gìn giữ lịch sử, cội nguồn với tiềm năng phát triển du lịch về nguồn.

Tiểu vùng 4 (tiểu vùng phía Đông gồm Lạng Sơn, Bắc Giang) là nơi có tăng trưởng lớn, trung tâm công nghiệp của vùng, vừa có cửa khẩu quốc tế quan trọng bậc nhất với vai trò kết nối giao thương kinh tế, văn hóa với Quảng Tây và các tỉnh phía Nam Trung Quốc.

Về định hướng quy hoạch phát triển hạ tầng, đơn vị tư vấn cho biết, trước năm 2030, ưu tiên đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam, mở thêm lối ra biển. Theo đó, đầu tư cao tốc Bắc - Nam đoạn nối Hòa Bình - Thanh Hóa; tuyến Quốc lộ 16 kết nối với Thanh Hóa, Bắc Trung bộ.

Bên cạnh đó, ưu tiên nâng cấp, kết nối đường Vành đai 1 (Quốc lộ 4) và đường Vành đai 3 (Quốc lộ 37) để đẩy nhanh tốc độ kết nối Đông Tây; nâng cấp và đầu tư các sân bay Điện Biên, Lai Châu, Nà Sản, và Sa Pa. Đơn vị tư vấn quy hoạch cũng đề xuất đầu tư bổ sung tuyến đường tốc độ cao (80 km/giờ) kết nối Hòa Bình đến Ninh Bình với chỉ hơn 40 km, để tăng khả năng kết nối với các tuyến đường Bắc - Nam.

Sau năm 2030, sẽ tăng cường kết nối Đông - Tây, cụ thể là nghiên cứu đầu tư bổ sung đường cao tốc Sơn La - Yên Bái, thực hiện cao tốc Lạng Sơn - Tiên Yên để mở thêm lối ra biển. Đồng thời, nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt Hà Nội - Điện Biên, qua đó nâng cao liên kết nội vùng và quốc tế, tạo cơ hội phát triển trong tương lai.

Tin bài liên quan