Tập trung ruộng đất bằng cách cởi mở chuyển quyền sử dụng đất chỉ nên áp dụng ở mức độ nhất định

Tập trung ruộng đất bằng cách cởi mở chuyển quyền sử dụng đất chỉ nên áp dụng ở mức độ nhất định

Để bứt phá, ngành nông nghiệp không còn cách nào khác là phải tổ chức lại sản xuất, trong đó tập trung ruộng đất là đòi hỏi bức thiết. Tuy nhiên, muốn quá trình này thực sự hiệu quả, cần một cách làm thận trọng, hài hòa lợi ích và đảm bảo quyền lợi của nông dân.

Gỡ khó cho nhà đầu tư

Là doanh nghiệp chuyên cung cấp các giải pháp nông nghiệp công nghệ cao bằng sinh học cho nông dân các tỉnh miền Bắc, song Công ty TNHH Nâng tầm giá trị Việt đang “mắc kẹt” đầu tư ở các khu trang trại.

Tại Hội thảo “Giao thương Việt - Úc” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức mới đây, ông Nghiêm Xuân Toàn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty chia sẻ, do thói quen sản xuất cũ, nhiều nông dân có đất nằm ở khu quy hoạch dự án của Công ty vẫn tách ra làm riêng, dù trước đó doanh nghiệp đã đến từng hộ cung cấp thông tin, giải thích và đưa ra các quy trình để doanh nghiệp và nông dân cùng làm.  

Kinh nghiệm của một số địa phương cho thấy, dồn điền, đổi thửa là giải pháp hiệu quả để giải quyết thực trạng trên. Theo đó, Hà Nam đã quy hoạch 4 khu nông nghiệp ứng dụng mô hình này với tổng diện tích 500 ha.

Vì vậy, trong mấy năm qua, tỉnh đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đến đầu tư dự án sản xuất nông nghiệp tiên tiến như: Công ty cổ phần An Phú Hưng (liên doanh với đối tác Nhật Bản), Công ty Vineco, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam… 

Cùng với sự nỗ lực của các địa phương, Chính phủ cũng đưa ra các quyết sách về tập trung ruộng đất, mở ra thời kỳ bứt phá cho nông nghiệp.

Mới đây, Thủ tướng đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan chuẩn bị hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy tập trung đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp, dự kiến được tổ chức vào đầu tuần tới.

Tuy nhiên, việc tập trung ruộng đất cũng đặt ra một số vấn đề. Theo ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, nếu mở rộng quy mô sản xuất đơn thuần chỉ để tăng sản lượng nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, thì có thể dẫn đến hệ quả là cung vượt cầu và lời nguyền "được mùa, mất giá" sẽ lại tiếp diễn.

Ngoài ra, có thể xuất hiện những vấn đề xã hội với một bộ phận nông dân không còn đất sản xuất, mà không thể chuyển đổi nghề nghiệp hoặc đến các đô thị lớn làm công nhân công nghiệp.

Đảm bảo hài hòa lợi ích của nông dân

Cùng chung quyết tâm với Chính phủ và các địa phương, người đứng đầu ngành nông nghiệp nêu quan điểm, để phát triển nền nông nghiệp bền vững, cần tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn.

“Nếu không tháo gỡ được rào cản về đất đai, không có một quy mô tập trung nhất định thì chúng ta không thể tổ chức sản xuất một cách hiệu quả theo chuỗi giá trị”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định.    

Một hệ thống chính sách đồng bộ về lao động, chuyển quyền sử dụng đất mới giải quyết triệt để vấn đề.
GS-TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, mô hình tập trung ruộng đất bằng cách cởi mở chuyển quyền sử dụng đất chỉ nên áp dụng ở mức độ nhất định. Để hợp tác hiệu quả và lâu dài, cần khuyến khích doanh nghiệp hợp tác với nông dân, thuê đất của nông dân.

Cùng với đó, cơ quan quản lý nhà nước cần theo dõi quá trình chuyển quyền sử dụng đất xem có chuyện nông dân bị ép buộc hay không. Một hệ thống chính sách đồng bộ về lao động, chuyển quyền sử dụng đất mới giải quyết triệt để vấn đề.  

Còn theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, việc lựa chọn giải pháp tập trung đất nông nghiệp phải gắn với tầm nhìn và mục tiêu trong phát triển nông nghiệp (tối thiểu phải từ 10-15 năm).

Bên cạnh các hình thức phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích của các đối tượng tham gia, phải xây dựng trung tâm hỗ trợ giao dịch đất nông nghiệp, thực hiện chức năng cung cấp thông tin, hỗ trợ định giá, thiết kế hợp đồng và giải quyết tranh chấp trong quá trình giao dịch đất đai giữa các cá nhân và tổ chức kinh tế. 

Ông Tuấn cho rằng, đây là nền tảng để xây dựng thị trường chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp và phát huy quyền tài sản với đất nông nghiệp trong tương lai.

Ngoài ra, phải có cơ chế ưu đãi đặc biệt cho doanh nghiệp xây dựng cánh đồng lớn; khuyến khích nông dân mua cổ phần trong các doanh nghiệp có hợp đồng với nông dân trên cánh đồng lớn hoặc có hợp đồng thuê đất.

Hệ quả dễ thấy nhất của tích tụ và tập trung đất nông nghiệp là tình trạng lao động dôi dư, do vậy ông Tuấn cũng đề xuất, phải có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động dôi dư; tạo điều kiện vốn hóa đất đai, tài sản và phát triển bảo hiểm xã hội cho những nông dân rời bỏ nông nghiệp tham gia lĩnh vực phi nông nghiệp tại nông thôn và đô thị. 

Cùng với đó, các chương trình đào tạo nghề nông thôn phải gắn với lộ trình phát triển của doanh nghiệp thuê lao động, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp sử dụng lao động.

Có như thế, tập trung ruộng đất mới đạt hiệu quả và tránh được thực trạng “nông dân không ruộng nhàn cư vi bất thiện”.

Tin bài liên quan