Năm 2013, lực lượng thanh tra phát hiện 117,5 tỷ đồng liên quan đến tham nhũng

Năm 2013, lực lượng thanh tra phát hiện 117,5 tỷ đồng liên quan đến tham nhũng

Tham nhũng giảm hay khó phát hiện hơn?

(ĐTCK) Sáng 12/6, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trả lời chất vấn Quốc hội về các vấn đề liên quan đến tham nhũng.

Tham nhũng chưa được đẩy lùi

Theo số liệu của Thanh tra Chính phủ, năm 2011, lực lượng thanh tra phát hiện 150 vụ việc, 320 người có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tài sản 267,4 tỷ đồng; 9,4 héc-ta đất. Đã thu 79,5 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính đối với 11 tập thể, 134  cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 76 vụ việc, 159 người; xử lý trách nhiệm 32 người đứng đầu.

Năm 2012, lực lượng thanh tra phát hiện 89 vụ việc, 107 người có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tài sản là 104,59 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính 2 tập thể, 56 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 24 vụ việc, 42 người, xử lý trách nhiệm 44 người đứng đầu. Năm 2013, lực lượng thanh tra phát hiện 80 vụ việc, 90 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 117,5 tỷ đồng. Kiến nghị thu hồi 117,5 tỷ đồng; đã thu 59 tỷ đồng…

Trước số liệu này, đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) đặt vấn đề với Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh: “Tham nhũng đã bị đẩy lùi hay thực sự kết quả thanh tra phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng ngày càng hạn chế?”

Giải trình trước đại biểu, Tổng Thanh tra thừa nhận công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng.

“Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và gây bức xúc trong xã hội. Nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng thực hiện còn hình thức, hiệu quả thấp, việc phát hiện xử lý chưa đạt yêu cầu như mong muốn”, Tổng Thanh tra nói và cho biết, thiệt hại do tham nhũng gây ra cao, nhưng thu hồi tài sản, xử lý các vụ án tham nhũng còn thấp. Tỷ lệ tài sản thu hồi chiếm khoảng 12 - 15% trong tổng số tài sản phát hiện do tham nhũng. Do đó, cần phải tiếp tục đấu tranh phòng, chống tham nhũng mạnh mẽ hơn.

Hiệu quả kê khai tài sản?

Trong suốt phiên chất vấn, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi cho Tổng Thanh tra ở nhiều góc độ đối với vấn đề kê khai tài sản, kết quả và tác dụng đối với việc phòng, chống tham nhũng như thế nào? Đồng thời, các đại biểu cũng đề cập đến việc một Phó tổng Thanh tra đương nhiệm có quá nhiều tài sản, trong đó có nhiều cổ phiếu ở những doanh nghiệp mà cơ quan thanh tra đã từng thanh tra.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, việc kê khai tài sản được thực hiện hàng năm từ năm 2008 đến nay, gồm kê khai lần đầu và kê khai bổ sung cho những người có phát sinh, những người có biến động tài sản cần kê khai bổ sung. Từ năm 2013 đến nay, sau khi Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi năm 2012 có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78 về hướng dẫn thi hành Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, việc kê khai tài sản có tiến bộ hơn. Cụ thể, đến nay có hơn 919.000/935.000 người đã kê khai tài sản, đạt 98% (con số này đầu năm 2013 là 642.000 người). Trong đó, có hơn 200.000 bản kê khai thuộc cấp ủy quản lý.

Ông Tranh cho biết, trong quá trình kê khai tài sản thu nhập, khoảng 3.000 người có dấu hiệu kê khai không trung thực, không rõ ràng và đã được xác minh làm rõ; 88 cán bộ đã bị xử lý bằng các hình thức do kê khai không trung thực, chậm kê khai và vi phạm các quy định về kê khai tài sản.

“Đối với việc tài sản của Phó tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh, sau khi có thông tin của báo chí, với trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ, chúng tôi chủ động yêu cầu đồng chí Ngô Văn Khánh báo cáo trước Ban cán sự về nguồn gốc và quá trình kê khai tài sản của đồng chí từ năm 2007 đến nay”, Tổng Thanh tra nói và cho biết, qua nhiều lần kê khai tài sản của nhiều năm, đối chiếu lại, đồng chí Ngô Văn Khánh kê khai tài sản đúng theo quy định của pháp luật.

Tổng thanh tra cho biết, ông Ngô Văn Khánh thuộc diện Ban Bí thư quản lý, cho nên Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã vào nắm tình hình, phối hợp với Ban cán sự Thanh tra Chính phủ. Hiện đang đối chiếu tài sản với bản kê khai, xem mức độ chính xác như thế nào, sẽ có kết luận sau.

Trong 3 năm (2011 - 2013), ngành thanh tra đã tiến hành xử lý kỷ luật 82 cán bộ, công chức, chiếm 0,3% trên tổng số 28.200 cán bộ, công chức (trong đó: xử lý hành chính 71 người, xử lý hình sự 11 người có dấu hiệu và hành vi tham nhũng).

Riêng Thanh tra Chính phủ đã xử lý kỷ luật 12 công chức, trong đó buộc thôi việc 1 công chức do vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước, cách chức 1 công chức do vi phạm pháp luật về giao thông và chống người thi hành công vụ, khiển trách 10 công chức do vi phạm về quy trình nghiệp vụ...

Tin bài liên quan