Thận trọng với lạm phát, nhưng không quá lo ngại

Thận trọng với lạm phát, nhưng không quá lo ngại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khép lại năm 2022, Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát lạm phát, bất chấp sức ép lớn từ “cơn bão” giá cả thế giới. Bước sang năm 2023, môi trường quốc tế được dự báo thuận lợi hơn, nhưng áp lực lạm phát trong nước dự kiến chưa sớm hạ nhiệt.

Áp lực quốc tế được kỳ vọng dịu dần…

Năm 2022 có sức ép lạm phát rất lớn đến từ môi trường quốc tế thông qua 2 kênh truyền dẫn chính. Một là, giá hàng hóa thế giới tăng vọt do xung đột Nga - Ukraine làm phức tạp thêm vấn đề gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, cộng hưởng với nhu cầu tiêu dùng phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Hai là, đồng nội tệ nhiều nước đồng loạt giảm giá mạnh khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đẩy nhanh thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất điều hành thêm 4,25%/năm, từ 0 - 0,25%/năm lên 4,25 - 4,5%/năm.

Tuy nhiên, giá dầu thô trong nửa cuối năm 2022 có diễn biến điều chỉnh, từ 120 USD/thùng xuống 75 - 85 USD/thùng. Giá khí đốt thế giới cũng giảm mạnh, xuống mức trước thời điểm bùng nổ xung đột Nga - Ukraine.

Mặt bằng giá hàng hóa thế giới trong năm 2023 nhiều khả năng giảm so với năm 2022, trong bối cảnh nhu cầu suy yếu khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ chậm lại, từ mức 2,9% của năm 2022 xuống 1,7%.

Theo dự báo của một số tổ chức quốc tế, giá dầu thô Brent bình quân năm 2023 sẽ ở mức 80 - 90 USD/thùng, giảm khoảng 10 - 20% so với năm 2022. Theo đó, giá nhiên liệu và nguyên vật liệu như vật liệu xây dựng, thức ăn chăn nuôi, phân bón… sẽ hạ nhiệt và tác động tích cực đến lạm phát trong nước.

Bên cạnh đó, áp lực tỷ giá cũng giảm bớt do kỳ vọng quá trình tăng lãi suất của Fed sẽ chậm lại trong năm 2023, trong bối cảnh lạm phát Mỹ đã cho thấy tín hiệu hạ nhiệt đáng kể. Chỉ số CPI của Mỹ giảm từ mức đỉnh 9% vào tháng 6/2022 về mức 6,5% vào cuối năm 2022 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm dần xuống còn 3 - 4% trong năm 2023.

Tỷ giá USD/VND sau khi tăng khoảng 9% trong 10 tháng đầu năm 2022 đã giảm khoảng 6% trong 2 tháng cuối năm 2022. Sang năm 2023, áp lực đối với tỷ giá USD/VND dự kiến không quá lớn, tăng dưới 2%.

Đây cũng là yếu tố quan trọng để kiểm soát giá cả, bởi đồng nội tệ bị mất giá mạnh sẽ khiến giá cả nhập khẩu tăng lên, làm phát sinh thêm áp lực chi phí đẩy đối với nền kinh tế. Người viết ước tính, tỷ giá USD/VND tăng thêm 1% thì lạm phát của Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 0,16%.

… Nhưng lạm phát trong nước nhiều khả năng chưa sớm hạ nhiệt

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu rơi vào vòng xoáy lạm phát trong năm 2022, Việt Nam vẫn thành công trong việc kiểm soát lạm phát. Lạm phát bình quân cả năm 2022 ở mức 3,15% và tại thời điểm cuối năm là 4,55%, thấp so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, chẳng hạn Mỹ (6,5%), EU (10,1%), Anh (10,7%), Ấn Độ (5,7%), Thái Lan (5,9%), Philippines (8,1%).

Lạm phát năm 2022 được kiểm soát ở mức 3,15%, nhưng xu hướng tăng rõ nét, đặc biệt là lạm phát cơ bản (Nguồn: Tổng cục Thống kê).

Lạm phát năm 2022 được kiểm soát ở mức 3,15%, nhưng xu hướng tăng rõ nét, đặc biệt là lạm phát cơ bản (Nguồn: Tổng cục Thống kê).

Tuy nhiên, nếu như mặt bằng lạm phát thế giới có xu hướng gia tăng từ đầu năm 2021, bắt đầu tạo đỉnh trong giai đoạn từ giữa đến cuối năm 2022, thì lạm phát ở Việt Nam duy trì mức thấp trong suốt năm 2021, phải tới đầu năm 2022 mới bắt đầu đi lên.

Diễn biến lạm phát cơ bản cho thấy Việt Nam có độ trễ khoảng 1 năm so với các nước như Mỹ, EU, Anh... (Nguồn: Refinitiv).

Diễn biến lạm phát cơ bản cho thấy Việt Nam có độ trễ khoảng 1 năm so với các nước như Mỹ, EU, Anh... (Nguồn: Refinitiv).

Sở dĩ như vậy là bởi trong khi các khu vực như Mỹ, châu Âu đã dỡ bỏ các biện pháp chống Covid-19 và mở cửa trở lại ngay từ đầu năm 2021, thì Việt Nam thuộc nhóm các nước mở cửa muộn hơn và chỉ hoàn toàn trở lại trạng thái bình thường từ quý I/2022. Như vậy, nhịp phục hồi sau đại dịch của kinh tế Việt Nam có độ trễ khoảng 9 - 12 tháng so với kinh tế thế giới, từ đó dẫn tới độ trễ về lạm phát.

Trong khi các nền kinh tế Mỹ, EU… đã đi đến cuối giai đoạn phục hồi và chuyển sang giảm tốc, thậm chí suy thoái, thì tiêu dùng nội địa của Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn phục hồi, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ, tiêu dùng đạt hơn 17% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 12/2022. Nhu cầu thuê nhà có xu hướng tăng cao, khiến giá thuê nhà ước tính tăng hơn 20% trong vòng 4 tháng cuối năm 2022.

Lạm phát cơ bản đã tăng lên 5%, mức cao kỷ lục tính từ khi chỉ số này bắt đầu được công bố vào năm 2015. Ngoài ra, Quốc hội đã quyết nghị tăng lương cơ sở thêm 20% từ ngày 1/7/2023. Đây đều là những dấu hiệu cho thấy áp lực do cầu kéo đối với lạm phát có thể duy trì dai dẳng trong năm 2023.

Mặt bằng giá nguyên vật liệu đang ở mức cao sẽ tiếp tục tạo áp lực lên giá tiêu dùng. (Nguồn: Tổng cục Thống kê).

Mặt bằng giá nguyên vật liệu đang ở mức cao sẽ tiếp tục tạo áp lực lên giá tiêu dùng. (Nguồn: Tổng cục Thống kê).

Về phía áp lực chi phí đẩy, giá nguyên vật liệu đầu vào đã tăng 6,8% trong năm 2022, tổng cộng tăng 12,7% trong giai đoạn 2021 - 2022. Trong khi đó, đầu ra là chỉ số CPI bình quân mới chỉ tăng hơn 5% trong vòng 2 năm qua. Như vậy, ngay cả khi xu hướng hạ nhiệt của giá cả hàng hóa có giúp giá nguyên vật liệu trong thời gian tới giảm thì mặt bằng chi phí đầu vào vẫn ở mức cao. Thêm vào đó, các doanh nghiệp trong nước đang phải đối mặt với chi phí vốn cao hơn do mặt bằng lãi suất tăng.

Ngoài ra, việc lạm phát được kiểm soát tốt trong giai đoạn vừa qua có đóng góp đáng kể đến từ các biện pháp hỗ trợ của Nhà nước, có thể kể đến như giảm một số loại thuế đối với xăng dầu; miễn, giảm học phí năm học 2020/2021 và 2021/2022; chưa tăng theo lộ trình đối với giá dịch vụ y tế, giáo dục. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là dư địa chính sách cho việc hỗ trợ giảm lạm phát trong năm 2023 không còn nhiều.

Giá dịch vụ giáo dục đã kết thúc giai đoạn miễn giảm và tăng trở lại khoảng 10,5% trong nửa cuối năm 2022. Đối với giá điện và dịch vụ y tế, việc điều chỉnh tăng giá cũng khó có thể trì hoãn quá lâu sau khi đã giữ nguyên kể từ năm 2020, trong khi chi phí đầu vào liên tục tăng mạnh khiến cho hai ngành này đều gặp không ít khó khăn. Với giả định Chính phủ quyết định tăng giá bán lẻ điện thêm 5%, tác động trực tiếp sẽ khiến CPI tăng thêm khoảng 0,16%, chưa bao gồm tác động vòng 2 đối với chi phí sinh hoạt, sản xuất.

Dự kiến lạm phát bình quân 2023 ở mức 4,0 - 4,5%

Qua đánh giá cả ba yếu tố là lực cầu, chi phí đầu vào và chính sách về giá cả dịch vụ công, có thể thấy áp lực lạm phát trong năm 2023 lớn hơn so với năm trước. Việc Chính phủ điều chỉnh mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2023 lên 4,5% - lần đầu tiên kể từ năm 2016 cao hơn mức 4,0% - phần nào phản ánh những thách thức lớn về lạm phát đối với kinh tế Việt Nam.

Ước tính lạm phát năm 2022 cao hơn 4% nếu không có tác động từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. (Nguồn: Tác giả tự ước tính).

Ước tính lạm phát năm 2022 cao hơn 4% nếu không có tác động từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. (Nguồn: Tác giả tự ước tính).

Tuy nhiên, với việc các yếu tố quốc tế như giá hàng hóa và tỷ giá nhiều khả năng sẽ diễn biến thuận lợi hơn so với năm trước, người viết kỳ vọng mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2023 ở mức 4,5% hoặc thấp hơn vẫn khả thi. Dự kiến, lạm phát sẽ tạo đỉnh ở quanh mức 5% trong nửa đầu năm 2023, sau đó giảm trong nửa cuối năm, bình quân cả năm trong khoảng 4,0 - 4,5%.

Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn phải cẩn trọng trước những ẩn số từ môi trường quốc tế. Thứ nhất, bất ổn địa chính trị tại một số khu vực trên thế giới là mối đe dọa đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến giá cả có thể biến động khó lường. Thứ hai, tác động của việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế trở lại sau 3 năm “đóng cửa” chống dịch Covid-19 cần được đánh giá kỹ lưỡng.

Một mặt, tác động đối với phía cung có thể tích cực khi việc luân chuyển hàng hóa từ Trung Quốc thông suốt hơn, trong đó Việt Nam được hưởng lợi từ việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu đầu vào. Mặt khác, tác động làm tăng nhu cầu và giá hàng hóa, tăng áp lực lạm phát sẽ lớn hơn do tiêu dùng nội địa của Trung Quốc phục hồi sau khi bị nén mạnh bởi chính sách zero-Covid.

Tin bài liên quan