Tháng 3/2024, chỉ có 1 trái phiếu chậm trả lãi phát sinh mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có nhiều diễn biến tích cực trong tháng 3/2024 và chỉ có 1 trái phiếu chậm trả lãi phát sinh mới.

Tháng 3/2024, chỉ có một trái phiếu chậm trả phát sinh mới với giá trị 97 tỷ đồng thuộc về Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Thủ Thiêm. Trái phiếu này được phát hành từ năm 2021 với giá trị phát hành là 1.000 tỷ đồng và tài sản đảm bảo. Trước đó, tổ chức phát hành này vẫn thanh toán lãi đúng hạn và từng mua lại trước hạn 90% dư nợ gốc vào tháng 10/2023.

Tính chung trong quý I/2024, tổng lượng trái phiếu chậm trả phát sinh mới là 7.700 tỷ đồng, thấp hơn so với quý I/2023 và quý IV/2023.

Tỷ lệ trái phiếu chậm trả toàn thị trường cuối tháng 3/2024 ở mức 15%, không thay đổi so với tháng 2/2024. Hơn một nửa lượng trái phiếu chậm trả gốc/lãi đến từ nhóm ngành bất động sản, với tỷ lệ chậm trả gốc lãi của ngành này là 30,7%.

Trái phiếu chậm trả gốc/lãi phát sinh mới theo tháng
Trái phiếu chậm trả gốc/lãi phát sinh mới theo tháng

Một tín hiệu tích cực khác là tỷ lệ thu hồi đối với trái phiếu chậm trả trong tháng 3/2024 tăng lên. Cụ thể, tháng 3/2024, có 3 tổ chức phát hành thanh toán tiền gốc của trái phiếu chậm trả cho trái chủ với tổng giá trị là 2.200 tỷ đồng.

Trong số đó, hai tổ chức phát hành chậm trả gốc/lãi thuộc nhóm ngành bất động sản là Sông Hồng Hoàng Gia và Bất động sản S-Homes đã trả nợ một phần gốc và sẽ trả phần còn lại theo từng đợt.

Nhờ diễn biến này, tỷ lệ thu hồi đối với trái phiếu chậm trả toàn thị trường tăng lên 13% tính đến cuối tháng 3/2024 so với mức 12% cuối tháng trước đó.

Theo số liệu của VIS Rating, ước tính lượng trái phiếu có rủi ro cao trong tháng 4/2024 là 3.000 tỷ đồng. Cụ thể, có 31 mã trái phiếu đáo hạn có giá trị 23.500 tỷ đồng sẽ đáo hạn trong tháng 4/2024, trong đó 60% thuộc nhóm ngành ngân hàng.

“Chúng tôi ước tính khoảng 10% giá trị trái phiếu đáo hạn, tương đương trị giá 3.000 tỷ đồng, có rủi ro cao chậm trả gốc/lãi. Những trái phiếu này được phát hành bởi các tổ chức phát hành có biên lợi nhuận EBITDA ở mức thấp trong 3 năm gần đây (<10%) và có nguồn tiền mặt để trả nợ đến hạn thấp (<0,5 lần). Trong số đó, CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam đã nhiều lần chậm trả lãi trái phiếu trong năm 2023”, VIS Rating cho biết.

Nhìn xa hơn, trong 12 tháng tới, khoảng 20% lượng trái phiếu đang lưu hành sẽ đáo hạn với tổng giá trị là 235.000 tỷ đồng. VIS Rating ước tính 15% trong số này là trái phiếu có rủi ro cao, tập trung chính ở các ngành bất động sản và xây dựng.

VIS Rating ước tính 15% trái phiếu đáo hạn có rủi ro cao trong 12 tháng tới

VIS Rating ước tính 15% trái phiếu đáo hạn có rủi ro cao trong 12 tháng tới

Tin bài liên quan