Covid-19 “vô tình” trở thành động lực lớn và thiết thực cho chuyển đổi số, bao gồm cả thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: Dũng Minh.

Covid-19 “vô tình” trở thành động lực lớn và thiết thực cho chuyển đổi số, bao gồm cả thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: Dũng Minh.

Thanh toán không dùng tiền mặt: Cơ hội vượt lên

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2020 là một năm thật “đặc biệt”, khi mà đại dịch Covid-19 đã khiến cả thế giới lâm vào khủng hoảng, thì cùng lúc tạo ra cơ hội vươn lên cho thanh toán không dùng tiền mặt...

Định hướng của Chính phủ và sự chủ động đón đầu của ngành bán lẻ

Trong thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển thần tốc của các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Nếu cách đây khoảng 4-5 năm, người dân mới quen thuộc với thanh toán bằng thẻ ngân hàng, Internet Banking và phần đông còn chưa biết đến ví điện tử, thì nay hình thức thanh toán này đã trở nên then thuộc, đặc biệt là những người có thói quen sử dụng tài khoản ngân hàng cho các nhu cầu trong cuộc sống hàng ngày (chuyển khoản, mua sắm, thanh toán hóa đơn…).

Những năm qua, Chính phủ đã ban hành một số chủ trương và chính sách để hỗ trợ, triển khai thanh toán không dùng tiền mặt và giảm tỷ lệ tiền mặt lưu thông trên tổng phương tiện thanh toán tại Việt Nam như Quyết định số 2545/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020, đưa ra các giải pháp nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế; Quyết định số 241/QĐ-TTg năm 2018 phê duyệt đề án Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng với dịch vụ công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội; Nghị định 87/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2013/NĐ-CP về phòng chống rửa tiền bắt đầu mở đường pháp lý cho định danh điện tử (e-KYC)…

Theo đó, cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho thanh toán dịch vụ công cũng được rốt ráo nâng cấp, mở rộng.

Đến nay, đã có 45/63 địa phương, 7 bộ - ngành và Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoàn thành tích hợp, sử dụng hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng dịch vụ chung quốc gia. Thanh toán dịch vụ công cũng đang nỗ lực để trở thành một “thói quen mới”.

Chẳng hạn, tại các bệnh viện lớn và bệnh viên tư, người dân đã dần quen với sự thuận tiện của thanh toán viện phí bằng các phương tiện như thẻ ngân hàng…, thay vì phải chờ đợi lâu để nộp tiền như trước đây, mà lại giảm nguy cơ mất tiền tại nơi đông người.

Các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đang nỗ lực đề ra những mục tiêu riêng, xây dựng những chương trình khuyến khích khách hàng thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt.

Trong thanh toán trực tiếp tại cửa hàng, mã QR đã hiện diện tại các chuỗi siêu thị, nhà hàng và thậm chí là tại các quán cà phê… cho thấy sự nỗ lực lớn của các doanh nghiệp trong thúc đẩy hình thức thanh toán này, đặc biệt là các công ty Fintech.

Đối với thanh toán online, các nền tảng thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki… tung ra nhiều gói khuyến mãi dành riêng cho các hình thức thanh toán trực tuyến, thu hút khách hàng thanh toán bằng thẻ hoặc ví điện tử thay cho hình thức trả tiền mặt.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng góp phần tham gia thúc đẩy hình thức mua sắm và thanh toán trực tuyến thông qua các chương trình giảm, miễn phí chuyển khoản, hoàn tiền mặt khi sử dụng thẻ tín dụng/ghi nợ, đặc biệt đối với các giao dịch thanh toán trực tuyến; liên kết với các bên đối tác để triển khai các chương trình khuyến mãi đa dạng khi khách hàng dùng thẻ để mua sắm, chi tiêu…

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm 2020, số lượng giao dịch thanh toán qua kênh điện thoại di động đạt hơn 472 triệu giao dịch với giá trị khoảng 4,9 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng 178% và 177% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, số lượng giao dịch thanh toán qua kênh internet là hơn 200 triệu giao dịch với giá trị khoảng 12,9 triệu tỷ đồng, tăng 36% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Covid-19, “đòn bẩy” cho các hình thức thanh toán điện tử

Đại dịch Covid-19 đã thay đổi gần như toàn diện cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân, bao gồm cả hành vi chi tiêu. Việc cách ly xã hội khiến cho tiêu dùng các mặt hàng không phải thiết yếu sụt giảm, từ đó tác động tiêu cực tới nền kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, Covid-19 lại có một “tác dụng phụ” tích cực, đó là góp phần đẩy mạnh mức độ sử dụng các kênh trực tuyến và mua sắm hàng hóa trực tuyến.

Ảnh tác giả

Bà Nguyễn Thùy Dương ngoài giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT CTCP Tư vấn EY Việt Nam (EY Consulting Việt Nam) còn là lãnh đạo phụ trách Chiến lược Dịch vụ tài chính - ngân hàng của EY Asean, lãnh đạo Dịch vụ tài chính EY Việt Nam, EY Lào và EY Campuchia, Phó tổng giám đốc Kiểm toán chính tại Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY Việt Nam), Phó chủ tịch Hiệp hội Fintech Việt Nam và là thành viên tích cực của Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC). Bên cạnh đó, bà còn là 1 trong 15 người có ảnh hưởng lớn nhất đến lĩnh vực Fintech Việt Nam vì đã giúp các tổ chức chuyển đổi để thành công trong kỷ nguyên công nghệ số.

Theo khảo sát mới nhất về hành vi khách hàng của EY trên toàn cầu (báo cáo Future Consumer Index), 76% người được khảo sát khẳng định sẽ thay đổi hành vi mua sắm vì Covid-19, trong đó 44% sẽ mua đồ tiêu dùng online nhiều hơn.

Liên quan đến thanh toán không tiền mặt, 62% khách hàng được khảo sát cho biết đang sử dụng tiền mặt ngày càng ít hơn. Thực tế này cho thấy Covid-19 “vô tình” trở thành động lực lớn và thiết thực cho chuyển đổi số, bao gồm cả thúc đẩythanh toán không dùng tiền mặt.

Trong bối cảnh giãn cách xã hội và hạn chế tiếp xúc trực tiếp, một cách rất tự nhiên, người tiêu dùng tương tác qua các nền tảng số hóa để phục vụ nhu cầu mua sắm, đặt đồ ăn, giao hàng, giao dịch ngân hàng, làm việc và giải trí nhiều hơn.

Trong mùa dịch, dịch vụ “đi chợ hộ” thật sự lên ngôi vì tính thực tế: Chỉ cần ngồi nhà và chọn mặt hàng mình muốn mua trên các ứng dụng của Vinmart, BigC, Co.opmart… đặt hàng và chờ hàng được mang đến tận cửa nhà.

Vì nhu cầu tuân thủ giãn cách xã hội, khách hàng nghe nói đến và thử dịch vụ “đi chợ hộ” nhiều hơn.

Nhưng ngay cả khi dịch bệnh qua đi, thói quen sử dụng dịch vụ “đi chợ hộ” được dự báo vẫn sẽ phát triển vì sự tiện lợi. Để chi trả cho các hoạt động này, các hình thức thanh toán trực tuyến như Internet Banking, Mobile Banking, ví điện tử... cũng được sử dụng nhiều hơn.

Dịch vụ thanh toán điện tử đã tăng cường cơ hội kết nối người mua và người bán, góp phần không nhỏ vào việc ổn định kinh tế - xã hội trong thời kỳ dịch bệnh.

Theo đó, thanh toán không tiếp xúc trong tương lai cũng sẽ là một phần của trạng thái “bình thường mới”, chứ không chỉ đơn thuần là xu hướng trong một giai đoạn gắn với những chương trình “khuyến mại” nhất thời, hay những sự kiện bất ngờ như dịch bệnh.

Trong thách thức luôn có cơ hội. Đại dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam cũng như nhiều nền kinh tế khác đều chịu ảnh hưởng rất lớn trên nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, với sự vào cuộc chống dịch quyết liệt của cả đất nước, Việt Nam đã và đang kiểm soát tốt dịch bệnh, đồng thời lại được đón nhận động lực cho tăng trưởng thanh toán không tiền mặt - một điều mà nếu không có dịch bệnh thì sẽ tốn nhiều công sức hơn để “thuyết phục” người dùng sử dụng, mua sắm qua kênh điện tử và thanh toán điện tử.

Khi việc sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đã trở nên quen thuộc, hành vi của người tiêu dùng thường sẽ khó thay đổi.

Tận dụng bối cảnh này, Chính phủ và các doanh nghiệp cần nhanh chóng đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng và hệ thống quốc gia; tích cực ứng dụng công nghệ vào các giải pháp thanh toán… giúp tăng cường sự thuận tiện trong trải nghiệm của người dùng, từ đó khiến thanh toán không dùng tiền mặt trở thành một thói quen trong sinh hoạt hàng ngày.

Đặc biệt, Chính phủ cần ưu tiên mở rộng cơ sở hạ tầng tới vùng sâu, vùng xa để tiếp cận, cải thiện những khó khăn còn tồn đọng trong việc thanh toán phi tiền mặt của những đối tượng chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa đạt điều kiện sử dụng dịch vụ của ngân hàng, đáp ứng nhu cầu phát triển tài chính toàn diện trên toàn xã hội.

Tin bài liên quan