Thêm chỉ dẫn cho đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam

0:00 / 0:00
0:00
Theo Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), tuyến đường sắt mới tốc độ cao chạy trên trục Bắc - Nam sẽ mang tính xương sống, giữ vai trò chủ đạo (chở khách kết hợp chở hàng), thực hiện kết nối các đầu mối vận tải và hội nhập quốc tế.
Thêm chỉ dẫn cho đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam

Trục vận tải xương sống

Bộ GTVT vừa có thêm những chỉ dẫn quan trọng để tiến hành hiệu chỉnh kịch bản phát triển tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam trên cơ sở Thông báo số 2956/TB - BKHĐT ngày 18/4/2023 về kết luận phiên họp của Hội đồng Thẩm định nhà nước, thẩm định Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (Dự án).

“Chúng tôi đã nhận được Thông báo của Hội đồng Thẩm định và sẽ chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường sắt, liên danh tư vấn cập nhật Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án theo những nội dung mà Hội đồng khuyến nghị”, một lãnh đạo Bộ GTVT thông tin.

Được biết, trong bản thông báo, Hội đồng Thẩm định nhà nước một lần nữa khẳng định, Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đi qua 20 tỉnh/thành phố, từ Hà Nội đến TP.HCM, là một trong những dự án rất quan trọng, mang tầm chiến lược của đất nước. Đây là công trình được kỳ vọng sẽ hình thành trục vận tải khối lượng lớn trên đất liền, kết nối các trung tâm kinh tế, các đầu mối vận tải để tạo thành trục động lực phát triển mới cho đất nước và các địa phương trên Hành lang kinh tế Bắc - Nam, giúp tăng trưởng đồng đều giữa các vùng miền, gắn với đảm bảo an ninh - quốc phòng và hội nhập kinh tế.

“Kinh nghiệm của các nước phát triển cho thấy, chúng ta khó có thể tiến hành công nghiệp hóa - hiện đại hóa thành công nếu không sở hữu một kết cấu hạ tầng đường sắt đồng bộ, có năng lực chuyên chở cao với xương sống là tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam”, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Thẩm định nhà nước Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam phát biểu tại phiên họp của Hội đồng.

Trước đó, vào cuối tháng 2/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 49-KL/TW về định hướng phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tại Kết luận số 49, Bộ Chính trị đã xác định, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là trục “xương sống”. Đến năm 2025, phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án; khởi công các đoạn ưu tiên trong giai đoạn 2026 - 2030 (Hà Nội - Vinh; TP.HCM - Nha Trang).

Trong số 9 nội dung mà Hội đồng Thẩm định nhà nước lưu ý, Bộ GTVT cần bám sát các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Cán sự đảng Chính phủ để bổ sung, làm rõ sự cần thiết đầu tư Dự án với vai trò khắc phục sự mất cân đối của hệ thống GTVT trên trục Bắc - Nam; tạo một tuyến đường sắt mới tốc độ cao chạy trên trục Bắc - Nam mang tính xương sống giữ vai trò chủ đạo (chở khách kết hợp hàng hóa).

Về phương án đầu tư, Hội đồng Thẩm định nhà nước đề nghị Bộ GTVT tiếp thu chỉ đạo của Ban Cán sự đảng Chính phủ tại Thông báo số 1209-TB/BCSĐCP ngày 6/10/2022, hoàn thiện phương án “với kịch bản đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đường đôi khổ 1.435 mm để vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ thiết kế khoảng 200 - 250 km/h, tốc độ khai thác khoảng 200 km/h”.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng cần tiếp thu ý kiến của Tư vấn thẩm tra về cấp tốc độ thiết kế, phương án khai thác, hướng tuyến, vị trí nhà ga, khung tiêu chuẩn, công nghệ áp dụng để hoàn thiện phương án đầu tư đảm bảo khả thi, tiết kiệm, hiệu quả.

Cần phải nói thêm rằng, tại Tờ trình số 1281/TTr - BGTVT ngày 14/2/2019 về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, Bộ GTVT đề xuất nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại đạt tốc độ 70 km/h cho tàu khách địa phương và tàu hàng; đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao trên Hành lang Bắc - Nam dài 1.559 km, đường đôi, khổ tiêu chuẩn 1.435 mm, điện khí hóa, vận chuyển hành khách, có tốc độ thiết kế 350 km/h, tốc độ khai thác 320 km/h. Tổng mức đầu tư Dự án ước khoảng 58,71 tỷ USD, trong đó vốn nhà nước chiếm khoảng 80%, vốn tư nhân khoảng 20%.

Bộ GTVT đề xuất thực hiện phân kỳ đầu tư, trong đó giai đoạn I (từ năm 2020 đến năm 2032) sẽ nghiên cứu, đầu tư xây dựng đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP.HCM với chi phí khoảng 24,71 tỷ USD; giai đoạn II (dự kiến từ năm 2032 đến năm 2050) đầu tư đoạn Vinh - Đà Nẵng, hoàn thành năm 2040, đoạn Đà Nẵng - Nha Trang hoàn thành năm 2050.

Tuy nhiên, theo Liên danh tư vấn thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Đại học Giao thông vận tải, Công ty TNHH Evo mc, Công ty Ove Arup & Partners Hong Kong Limited, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng và Thương mại Hưng Phú), với mục tiêu chỉ vận tải hành khách, không chở hàng thì Dự án không đảm bảo tính khả thi và hiệu quả đầu tư. Đồng thời, Dự án cũng khó có khả năng góp phần kéo giảm chi phí logistics, không phát huy hết vai trò của tuyến đường sắt tốc độ cao là trục xương sống của Hành lang kinh tế Bắc - Nam.

Đơn vị tư vấn thẩm tra cho rằng, Dự án khả thi với phương án khai thác hỗn hợp tàu khách và tàu hàng tốc độ cao với vận tốc 225 km/h và 160 km/h cho tàu khách liên vùng, tàu hàng container. Cấp tốc độ này cho phép vận hành hỗn hợp tàu khách và tàu hàng, mở ra cơ hội các doanh nghiệp trong nước có thể tiếp cận làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao.

Nếu thực hiện theo phương án này, mỗi ngày trên Hành lang Bắc - Nam sẽ có 270 đôi tàu khách và tàu hàng được thông qua, thay vì chỉ có 116 đôi tàu như phương án đề xuất của Bộ GTVT vào năm 2019; đáp ứng với mục tiêu đề ra trong Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 9/10/2021.

Tư vấn thẩm tra đề nghị thực hiện phân kỳ đầu tư Dự án theo 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn I (2025 - 2035) có tổng mức đầu tư 27,246 tỷ USD sẽ triển khai giải phóng mặt bằng, xây dựng 2 dự án thành phần là Ngọc Hồi - Vinh dài 260 km và Nha Trang - Thủ Thiêm dài 361 km; giai đoạn II (2035 - 2041) có tổng mức đầu tư 33,781 tỷ USD sẽ tập trung xây dựng đoạn Vinh - Nha Trang dài 886,75 km.

Rút ngắn lộ trình đầu tư

Liên quan đến hướng tuyến, số lượng nhà ga và vị trí nhà ga, Hội đồng Thẩm định nhấn mạnh, đây là yếu tố quan trọng nhằm đảm bảo tính khả thi và hiệu quả, cũng như phát huy vai trò của Dự án. Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá của Tư vấn thẩm tra, Cơ quan thường trực của Hội đồng Thẩm định nhà nước đã xin ý kiến của 20 tỉnh/thành phố về hướng tuyến, số lượng nhà ga và vị trí nhà ga.

Theo đó, tất cả 20 tỉnh/thành phố đồng thuận với phương án số lượng nhà ga; có 8 tỉnh/thành phố nhất trí với phương án tuyến và vị trí nhà ga; 12 tỉnh chưa đồng thuận với phương án tuyến và vị trí nhà ga do Tư vấn thẩm tra đề xuất.

“Hội đồng Thẩm định nhà nước đề nghị Bộ GTVT phối hợp với tư vấn thẩm tra, Tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi làm việc cụ thể với 12 tỉnh, thành phố để rà soát, nghiên cứu và thống nhất hướng tuyến, vị trí nhà ga Dự án với phương án tối ưu, đảm bảo phù hợp, khả thi, hiệu quả”, Thông báo số 2956/TB - BKHĐT nêu.

Một vấn đề còn gây nhiều cấn cá trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án do Bộ GTVT đề xuất là tiến độ thực hiện công trình.

Theo Hội đồng Thẩm định nhà nước, kết quả phân tích độc lập của tư vấn thẩm tra cho thấy, Dự án phải thông toàn tuyến thì mới đạt hiệu quả. Tuy nhiên, thời gian thực hiện Dự án tại Tờ trình số 1281/TTr - BGTVT (đến năm 2050 mới đưa vào khai thác toàn tuyến) là quá dài, sẽ dẫn đến rủi ro về tăng tổng mức đầu tư, bỏ lỡ cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho Việt Nam. Đồng thời, lộ trình này sẽ khó hiện thực hóa mục tiêu chỉ đạo của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là đến năm 2045 đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Vì vậy, Hội đồng Thẩm định nhà nước đề nghị Bộ GTVT tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 49, Ban Cán sự đảng Chính phủ tại Thông báo số 1209 và ý kiến của tư vấn thẩm tra để hoàn thiện phương án phân kỳ đầu tư hợp lý, đảm bảo tính khả thi, hoàn thành Dự án trước năm 2045.

Về phương án huy động vốn, Hội đồng Thẩm định nhà nước đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu phương án đề xuất của tư vấn thẩm tra để hoàn thiện phương án huy động vốn cho Dự án, đảm bảo tính khả thi.

Được biết, đơn vị tư vấn thẩm tra đề xuất huy động từ đấu giá bất động sản tại 50 khu đô thị nhà ga có quy mô từ 200 ha đến 500 ha/khu (theo mô hình TOD) là 39 tỷ USD, chiếm 63,15% tổng mức đầu tư.

Đơn vị tư vấn cũng kiến nghị triển khai Dự án theo phương thức PPP, trong đó đối tác công sẽ huy động vốn nhà nước và quản lý xây dựng, bảo trì và bảo dưỡng kết cấu hạ tầng; đối tác tư có trách nhiệm huy động vốn đầu tư phương tiện vận tải và nhà ga cao tầng. Đối tác tư sẽ thành lập bộ máy vận hành khai thác và trả phí khấu hao hạ tầng đã đầu tư (dự kiến khấu hao trong vòng 75 năm) và trả phí bảo dưỡng hạ tầng cho đối tác công. Mô hình triển khai Dự án theo hình thức chìa khóa trao tay.

Cũng tại Thông báo số 1209, Hội đồng Thẩm định nhà nước lưu ý Bộ GTVT nghiên cứu đề xuất của Tư vấn thẩm tra để hoàn thiện giải pháp xây dựng các chính sách phát triển nguồn nhân lực, sản xuất thiết bị, công nghiệp phụ trợ làm cơ sở xây dựng, phát triển ngành công nghiệp đường sắt trong nước.

“Dự án sẽ là cơ hội và yếu tố quan trọng để phát triển ngành đường sắt trở thành một trong những ngành kinh tế trọng điểm của quốc gia”, Hội đồng Thẩm định nhà nước đánh giá.

Theo GS-TSKH. Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, với hình thái đất nước kéo dài từ Bắc xuống Nam, mọi dòng chảy vật chất đều có xu thế hợp lưu và vận hành theo trục dọc, mặc nhiên đặt ra đòi hỏi khách quan cho việc phải kiến tạo nên một chủ lưu có tổng năng lực thông qua lớn, có tốc độ vận hành cao, an toàn, tin cậy, qua đó phát huy vai trò là trục xương sống của toàn hệ thống hạ tầng GTVT. Trục xương sống đó không gì khác, chính là tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, như đã được khẳng định tại Kết luận số 49 - KL/TW của Bộ Chính trị.

Tin bài liên quan