Thêm vốn mồi để kích hoạt thị trường mua bán nợ

0:00 / 0:00
0:00
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm nhanh, trong khi thị trường mua bán nợ khởi động chậm chạp khiến quá trình xử lý nợ xấu chậm lại, tiềm ẩn nhiều rủi ro an toàn hệ thống. Cần có thêm giải pháp để kích hoạt thị trường mua bán nợ.
Đến ngày 31/7/2023, VAMC mới mua được khoảng 13.000 tỷ đồng nợ xấu theo giá thị trường và xử lý trên 11.000 tỷ đồng.

Đến ngày 31/7/2023, VAMC mới mua được khoảng 13.000 tỷ đồng nợ xấu theo giá thị trường và xử lý trên 11.000 tỷ đồng.

Thị trường mua bán nợ èo uột

Báo cáo tài chính quý II/2023 của các ngân hàng cho thấy, tỷ lệ nợ xấu tăng nhanh trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu lại giảm đáng lo ngại. Cụ thể, nợ xấu của 29 ngân hàng niêm yết tăng gần 34% so với đầu năm, trong khi bao phủ nợ xấu giảm từ mức 143% còn 99,4% cuối tháng 6/2023.

Theo thống kê của Báo Đầu tư, hiện có hơn 20 ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu dưới 100%. Nhiều ngân hàng nhỏ ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu chỉ ở mức dưới 50% như OCB, Saigonbank, VietABank, NamABank, PGBank, ABBank, VietBank… Thậm chí, có ngân hàng chỉ bao phủ nợ xấu đạt 8%.

Trong khi nợ xấu tăng nhanh và bao phủ nợ xấu giảm mạnh, thì thị trường mua bán nợ vẫn chưa có nhiều tiến triển. Theo ông Lê Văn Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), sau gần 2 năm thành lập, Sàn giao dịch nợ VAMC đã có 194 khách hàng đăng ký thành viên. Đến nay, 20 tổ chức tín dụng và chi nhánh tổ chức tín dụng đã ký hợp đồng nguyên tắc với sàn.

Đến ngày 31/7/2023, có 17 tổ chức tín dụng và chi nhánh tổ chức tín dụng phối hợp với VAMC đăng thông tin khoản nợ xấu, tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu lên website của sàn, với số lượng 605 khoản nợ xấu, giá trị 42.408 tỷ đồng; 466 tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu, giá trị 1.589 tỷ đồng.

“Ngoài ra, sàn đã thực hiện 16 hợp đồng tư vấn, trong đó 10 hợp đồng tư vấn khoản nợ xấu với giá trị 376 tỷ đồng, 6 hợp đồng tư vấn tài sản đảm bảo với giá trị 408 tỷ đồng, thu phí dịch vụ 527 triệu đồng. Thêm vào đó, sàn giao dịch nợ xấu đang phối hợp với tổ chức tín dụng và các nhà đầu tư thực hiện môi giới mua bán khoản nợ xấu tại một số tổ chức tín dụng như NamABank, NCB”, ông Hùng cho biết.

Mặc dù sàn mua bán nợ bước đầu được khởi động, song con số giao dịch thành công quá nhỏ bé so với quy mô nợ xấu ước khoảng 25 tỷ USD. Việc mua nợ theo giá trị thị trường đạt kết quả rất thấp. Lũy kế từ năm 2017 đến ngày 31/7/2023, VAMC mới mua được khoảng 13.000 tỷ đồng nợ xấu theo giá thị trường và đã xử lý trên 11.000 tỷ đồng.

Thị trường mua bán nợ vẫn chưa có nhiều tiến triển, trong khi nợ xấu tăng nhanh, bao phủ nợ xấu giảm mạnh. Ảnh: Đức Thanh; Đồ họa: Thanh Huyền.
Thị trường mua bán nợ vẫn chưa có nhiều tiến triển, trong khi nợ xấu tăng nhanh, bao phủ nợ xấu giảm mạnh. Ảnh: Đức Thanh; Đồ họa: Thanh Huyền.

Cần tạo thêm cơ chế và vốn mồi kích hoạt thị trường mua bán nợ

Hoạt động mua bán nợ theo giá thị trường của VAMC từng được kỳ vọng là tâm điểm để kích thích sự phát triển thị trường mua bán nợ, đồng thời góp phần khơi thông dòng tín dụng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động này không diễn ra sôi động như kỳ vọng.

Theo lý giải của VAMC, nguyên nhân là vốn điều lệ của Công ty quá nhỏ bé (5.000 tỷ đồng) so với quy mô tổng nợ xấu thị trường lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng. Điều đó khiến tổ chức này đề nghị được tăng vốn và tạo thêm cơ chế vốn để có thể tham gia nhiều hơn thị trường mua bán nợ.

Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy, mở cửa thị trường mua bán nợ là giải pháp nhanh và hữu hiệu nhất trong xử lý nợ xấu.

Vừa qua, VAMC đề xuất với Ngân hàng Nhà nước một số giải pháp tạo điều kiện đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ xấu theo giá trị thị trường. Cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi để VAMC tăng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng theo lộ trình tại Quyết định 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án Tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.

“Ngoài ra, cho phép VAMC được phát hành trái phiếu có lãi suất để mua nợ theo giá thị trường. VAMC cũng đề xuất với các cơ quan chức năng nhiều giải pháp để phát triển thị trường mua bán nợ”, ông Đỗ Giang Nam, Thành viên HĐTV VAMC chia sẻ.

Theo ông Nam, nếu thị trường bán nợ phát triển, sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm. Theo hướng này, VAMC mong muốn được giữ vai trò trung gian. Hiện Sàn giao dịch nợ VAMC thực hiện chức năng tư vấn, môi giới và quan trọng nhất là mong muốn trở thành định chế trung gian kết nối tổ chức tài chính với các nhà đầu tư.

Chỉ vốn thôi là chưa đủ. Theo ông Darryl Dong, Cán bộ quốc gia cao cấp IFC Việt Nam, ngành ngân hàng Việt Nam cần mở cửa cho nhà đầu tư ngoại thì mới có thể giải quyết được vấn đề nợ xấu. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia như Philippines, Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc… đều cho thấy, mở cửa thị trường mua bán nợ là giải pháp nhanh và hữu hiệu nhất trong xử lý nợ xấu.

Tại Việt Nam, chưa có cơ chế nào để nhà đầu tư ngoại có thể tham gia thị trường mua bán nợ, nên hàng chục nhà đầu tư ngoại sau khi nhảy vào tìm hiểu lại âm thầm thoái lui. Theo các quy định hiện hành và Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), việc xử lý nợ chủ yếu vẫn nằm tại các ngân hàng và VAMC. Ngay cả với ngân hàng, việc thành lập một công ty mua bán nợ trực thuộc (AMC) cũng rất khó khăn.

“Hiện quy định mới cho phép các ngân hàng và VAMC tham gia thị trường, nợ xấu thực chất chỉ chuyển dịch từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, mà chưa có giải pháp thị trường đúng nghĩa. Việt Nam nên cho phép tổ chức phi ngân hàng tham gia mua bán nợ xấu ngân hàng và cho họ kế thừa đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn với các khoản nợ xấu được mua”, ông Darryl Dong khuyến nghị.

Dù vậy, về giải pháp trước mắt, các chuyên gia tán thành việc tạo cơ chế để VAMC có thể phát hành trái phiếu với lãi suất thích hợp. Để khuyến khích các tổ chức tín dụng có thể bán nợ theo thị giá cho VAMC, nhất là trong điều kiện giới hạn nguồn lực vốn, việc VAMC phát hành trái phiếu thay vì trả bằng tiền để mua bán nợ theo thị trường là hợp lý. Nếu được thông qua, đây sẽ là công cụ hữu hiệu để góp phần tăng nguồn lực của VAMC trong mua bán nợ xấu theo giá thị trường.

Tin bài liên quan