Thị trường căn hộ Ðà Nẵng đang có diễn biến sôi động. Ảnh: Thành Nguyễn

Thị trường căn hộ Ðà Nẵng đang có diễn biến sôi động. Ảnh: Thành Nguyễn

Thị trường bất động sản Đà Nẵng: Chỗ nóng, chỗ lạnh

(ĐTCK) Thị trường bất động sản Đà Nẵng 2 quý đầu năm 2018 đang ghi nhận những nhịp đập trái chiều ở các phân khúc.

Sôi động thị trường căn hộ

Theo CBRE, diễn biến sôi động nhất trên thị trường bất động sản Đà Nẵng 6 tháng đầu năm thuộc về phân khúc căn hộ để bán cả nguồn cung và thanh khoản. Cụ thể, tổng nguồn cung lũy kế 6 tháng đầu năm 2018 đạt 5.031 căn, đến từ 15 dự án cho các phân khúc.

Trong đó, có hơn 1.200 căn từ 3 dự án được mở bán là The Monarchy (giai đoạn 2), Risemount Apartment và Bạch Đằng Complex. Dự án Bạch Đằng Complex là dự án hạng sang đầu tiên của thị trường này. Đã có tới hơn 50% số căn chào bán mới được giao dịch, mức thanh khoản này tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2017.

Các dự án mới cũng tăng giá từ 3 - 10% qua các giai đoạn mở bán. Theo CBRE, việc tăng giá này một phần do những căn chào bán đợt sau có vị trí đẹp và tầng cao hơn. Mặt khác, với tín hiệu giao dịch tích cực, chủ đầu tư cũng mạnh dạng điều chỉnh giá tăng cho các đợt mở bán sau. Giá bán trung bình cho các phân khúc hạng sang/cao cấp/trung cấp lần lượt là 3.820 USD/m2; 2.250 USD/m2; 1.190 USD/m2.

Những quý tiếp theo, thị trường dự kiến sẽ có thêm hơn 500 căn hộ cao cấp, đến từ các dự án là Sunrise Plaza, Center Point Residency và MLandMark Residences.

Khách sạn ăn theo sức nóng du lịch

Cũng giữ sự sôi động như phân khúc căn hộ để bán, phân khúc khách sạn tại Đà Nẵng lại đang được hưởng lợi từ sự phát triển của ngành du lịch. Việc khách du lịch tiếp tục đổ về Đà Nẵng đã khiến cho thị trường khách sạn có những diễn biến sôi động trong nửa đầu năm 2018.

Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2018, thành phố này chào đón hơn 2,3 triệu lượt khách, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượt khách quốc tế đạt hơn 1,6 triệu lượt, tăng 32% so với cùng kỳ.

Khách sạn đang là phân khúc “ăn nên làm ra” do được hưởng lời từ du lịch. Ảnh: Thành Nguyễn 

Cùng với đà tăng của khách du lịch, thị trường Đà Nẵng cũng có sự hiện diện ngày càng nhiều của các thương hiệu khách sạn lớn. Nửa đầu năm nay, hai thương hiệu Sheraton Grand và FourPoints by Sheraton của Tập đoàn quản lý Marriot đã gia nhập thị trường.

Ngoài ra, Thành phố còn có thêm 3 khách sạn 4 sao mới mở, 1 khách sạn 5 sao mở thêm một số phòng và 3 khách sạn 3 sao, cung cấp cho thị trường tổng cộng 1.812 phòng, hạng từ 3 - 5 sao. Công suất phòng trung bình của các khối khách sạn 5 sao ven biển, 5 sao thành phố, 4 sao ven biển và 4 sao thành phố lần lượt đạt: 66%, 61,0%, 63% và 62%.

Khối khách sạn 5 sao ven biển và 5 sao thành phố có mức tăng giá ấn tượng, đều ở mức hơn 10%, trong khi đó, khối khách sạn 4 sao cũng có mức tăng khá khi đạt mức tăng trung bình 4,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Sự thăng hoa của ngành du lịch đang thực sự mang đến sự sôi động của phân khúc này trong thời gian qua. Đặc biệt, ở những tuyến đường đẹp, nhiều khách sạn đã bắt đầu được đưa vào khai thác hoặc đang trong quá trình xây dựng, hứa hẹn tạo nên bộ mặt mới cho Thành phố trong thời gian tới.

Điển hình như trên đường Võ Nguyên Giáp, khu vực bãi biển Mỹ Khê, bãi tắm Phạm Văn Đồng, theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, đang có sự xuất hiện của rất nhiều khách sạn, khác biệt hoàn toàn so với sự vắng vẻ mấy năm về trước. Từ nay đến cuối năm, dự kiến Đà Nẵng sẽ có thêm 1.800 phòng được khai trương, với sự góp mặt của tập đoàn quản lý khách sạn 5 sao mới mang thương hiệu Hilton.

Condotel, biệt thự nghỉ dưỡng trầm lắng

Khác với sự sôi động của hai phân khúc căn hộ để bán và khách sạn, phân khúc căn hộ khách sạn (condotel) và biệt thự nghỉ dưỡng lại cho thấy sự trầm lắng nhất định.

Theo CBRE, nửa đầu năm 2018, toàn thị trường Đà Nẵng có thêm 866 căn hộ cao cấp, đến từ đợt chào bán tiếp theo của Dự án Wyndham Soleil và Coco Musica, nâng tổng nguồn cung tích lũy lên 8.601 căn. Phân khúc cao cấp chiếm tỷ trọng lớn nhất với 95% tổng nguồn cung. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, số lượng giao dịch giảm tới 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Theo các chuyên gia, đây đang là giai đoạn cả nhà đầu tư và người mua hiểu thêm về thị trường condotel và đưa ra quyết định cẩn thận hơn. Sự giảm tốc trong cả hai xu hướng cung và giao dịch cho thấy, sự thận trọng từ các chủ đầu tư và người mua sau giai đoạn bùng nổ ở phân khúc này vào năm 2016.

Từ nay đến năm 2019, Đà Nẵng sẽ có thêm khoảng hơn 6.500 căn condotel được chào bán. Theo nhận định của các chuyên gia, diễn biến thị trường sôi động hay trầm lắng sẽ phụ thuộc nhiều vào kết quả hoạt động của các dự án đã đi vào vận hành.

So sánh về ưu điểm của căn hộ để bán và condotel, đại diện CBRE cho biết, hiện nay, căn hộ hiện đang cho thấy một số ưu điểm hơn condotel, như quyền sử dụng lâu dài, nhập hộ khẩu và chính sách cam kết cho thuê từ chủ đầu tư. Với những ưu điểm như vậy, sản phẩm căn hộ có thể đáp ứng nhu cầu cho cả người mua đầu tư và người mua để ở.

Cùng diễn biến, trong nửa đầu năm 2018, theo CBRE, cả thị trường biệt thự nghỉ dưỡng không ghi nhận thêm nguồn cung mới. Tổng nguồn cung đạt 841 căn trên tất cả các phân khúc đến từ 15 dự án, tăng nhẹ 9% so với cùng kỳ năm trước.

Giá chào bán trung bình của tất cả các dự án hầu như không thay đổi trong quý này. Giá trung bình vẫn ở mức 4.459 USD/m2, 2.224 USD/m2 và 1.167 USD/m2 cho các dự hạng sang, cao cấp và trung cấp tương ứng. Tính đến quý II/2018, đã có 79,4% biệt thự nghỉ dưỡng được bán.

Theo CBRE, sự tăng trưởng chậm trong hoạt động bán hàng một phần là do nguồn cung hạn chế khi có nhiều dự án đã bán hết và không có nhiều dự án mới chào bán. Nguồn cung biệt thự còn lại đến từ các dự án đang trì hoãn việc xây dựng hoặc các dự án hạng sang hay dự án mới ra mắt.

Trong những tháng sắp tới của năm 2018, thị trường dự kiến chào đón các dự án mở bán như Fusion Resort, Sheraton Grand, Shilla Stay Resort (Quảng Nam) và MGM Hội An, cung cấp thêm cho thị trường khoảng 300 căn biệt thự cao cấp.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan