Các tiêu chí ESG tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong quá trình ra quyết định của nhà đầu tư. Ảnh: Shutterstock.

Các tiêu chí ESG tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong quá trình ra quyết định của nhà đầu tư. Ảnh: Shutterstock.

Thị trường bất động sản toàn cầu dần ổn định trở lại ở mức hợp lý tương đối

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thông tin trên được Colliers đưa ra trong báo cáo Triển vọng Đầu tư Toàn cầu 2023 vừa phát hành mới đây.

Bất chấp tình hình biến động do căng thẳng địa chính trị, các cú sốc kinh tế và chính sách tiền tệ không đồng đều trong năm qua, giá bất động sản đã nhanh chóng tái lập tại Anh và Hoa Kỳ, tuy nhiên điều này không diễn ra tương tự ở các nơi khác. Do đó, giới đầu tư kỳ vọng thị trường bất động sản toàn cầu sẽ ổn định vào giữa năm 2023 và việc tái lập mặt bằng giá mới sẽ còn có nhiều khác biệt giữa các thị trường và phân khúc.

Trên toàn cầu, châu Á - Thái Bình Dương là khu vực lạc quan nhất về tăng trưởng kinh tế. Hơn một nửa số nhà đầu tư châu Á - Thái Bình Dương (53%) kỳ vọng kết quả tích cực từ tăng trưởng kinh tế trong khu vực, so với 41% ở khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi (EMEA) và 38% ở châu Mỹ. Tương tự, 43% nhà đầu tư ở châu Á - Thái Bình Dương mong đợi tác động tích cực từ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cao hơn khu vực EMEA (38%) và châu Mỹ (28%).

Theo Colliers, châu Á - Thái Bình Dương có thể sẽ vượt qua các thị trường khác trong năm 2023. 12 tháng tới vẫn sẽ khó khăn, đặc biệt là đối với các thị trường chính như Úc, Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc và Singapore. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đa quốc gia tập trung nhiều ở các thị trường châu Âu và Bắc Mỹ sẽ nhận thấy rằng các khoản đầu tư ở châu Á ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và môi trường lãi suất hiện tại. Khi thị trường nợ ổn định và không còn biến động, các quỹ đầu tư tư nhân đẩy mạnh hoạt động mua bán – sáp nhập (M&A) trong năm 2023.

Báo cáo của Colliers cho thấy, lạm phát và lãi suất hiện tại làm tăng chi phí vận hành và xây dựng, vốn đã trở nên trầm trọng hơn do các vấn đề về chuỗi cung ứng và giá năng lượng tăng cao. Các nhà đầu tư châu Á - Thái Bình Dương cho rằng lãi suất (88%), chi phí xây dựng tăng (87%) và chi phí vận hành tài sản cao hơn (77%) là những thách thức vĩ mô chính trong năm tới. Trên toàn cầu, lãi suất cũng là mối quan tâm hàng đầu (88%), tiếp theo là lạm phát (74%) và gián đoạn chuỗi cung ứng (68%).

Thị trường biến động khiến các nhà đầu tư tập trung vào các nguyên tắc cơ bản và chiến lược phòng thủ. Nhìn chung, trong năm 2023, các nhà đầu tư châu Á - Thái Bình Dương cũng như toàn cầu sẽ ưu tiên ba phân khúc là văn phòng (68%), công nghiệp và hậu cần (I&L) (65%) và nhà ở đa gia đình/nhà xây sẵn cho thuê (42%). Trong khi nhóm tài sản cốt lõi ở các đô thị lớn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư châu Á - Thái Bình Dương, các loại tài sản liên quan đến sự thay đổi hình thái kinh tế và nhân khẩu học như nhà ở đa gia đình, nhà cho người cao tuổi tại các thành phố nhỏ và đang phát triển được lưu tâm. Các nhà đầu tư cũng ngày càng quan tâm đến phân khúc bán lẻ với 52% nhà đầu tư ở châu Á - Thái Bình Dương có ý định đầu tư vào các trung tâm thương mại ở ngoại ô và 48% vào tài sản bán lẻ ở khu trung tâm (CBD) và các trục đường chính.

Theo Colliers, các tiêu chí về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong quá trình ra quyết định của nhà đầu tư tại châu Á - Thái Bình Dương. Lý do chủ yếu là tâm lý tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro cao ở các thị trường văn phòng trọng điểm trong khu vực, cùng với việc đáp ứng các yêu cầu của khách thuê và cân bằng chi phí vận hành tài sản trong dài hạn.

Tại châu Á - Thái Bình Dương, hai phần ba (66%) nhà đầu tư bắt đầu hoặc đã lồng ghép các hành động liên quan đến tiêu chí môi trường đối với tài sản của họ (ví dụ: chiến lược cải thiện vốn, thanh lý hoặc mua lại có kết hợp các tiêu chí ESG), so với 75% nhà đầu tư trên toàn cầu. 40% nhà đầu tư châu Á - Thái Bình Dương cũng đang tìm cách bán tới 50% danh mục đầu tư hiện tại của họ trong năm năm tới do không còn phù hợp với chiến lược đầu tư ESG của họ, so với 53% nhà đầu tư trên toàn cầu.

Tại các thị trường mới nổi ở châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam tiếp tục là một trong những điểm thu hút đầu tư hàng đầu, với vốn đầu tư nước ngoài trong 11 tháng đầu năm 2022 đạt 25.1 tỷ USD, tăng 0,5% so với tháng trước. Vốn đầu tư nước ngoài điều chỉnh tăng 23,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế và môi trường đầu tư Việt Nam.

Colliers nhận định, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nới room tín dụng thêm 1,5 - 2% hồi đầu tháng 12/2022 đã giúp cải thiện tâm lý thị trường. Đang có ngày càng nhiều yêu cầu từ các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… nhắm đến nhiều phân khúc bất động sản tại Việt Nam, từ khu công nghiệp, văn phòng, nhà ở, cho đến bán lẻ và khách sạn. Dù tâm lý chung vẫn rất thận trọng, các nhà đầu tư vẫn đang tận dụng giai đoạn thị trường giảm tốc để củng cố danh mục đầu tư. Với các chủ đầu tư trong nước, các hoạt động tái cấu trúc và M&A sẽ còn tiếp diễn trong những tháng tới, chủ yếu nhằm chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng ổn định hơn trong dài hạn.

Tin bài liên quan