Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 16-23/9: Giá dầu điều chỉnh giảm, kim loại cũng giảm đồng loạt, nông sản đi lên

Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 16-23/9: Giá dầu điều chỉnh giảm, kim loại cũng giảm đồng loạt, nông sản đi lên

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Kết thúc tuần giao dịch tuần từ 16-23/9, thị trường hàng hóa thế giới ghi nhận giá dầu quay đầu giảm sau 3 tuần tăng liên tiếp, giá kim loại cũng chịu sức ép lớn, trong khi nông sản tiếp tục đi lên.

Năng lượng: Giá dầu điều chỉnh giảm sau 3 tuần tăng liên tiếp

Giá dầu thay đổi ít trong phiên, nhưng kết thúc đợt tăng 3 tuần do chốt lời và do các thị trường cân nhắc lo ngại về nguồn cung bắt nguồn từ việc cấm xuất khẩu nhiên liệu của Nga trước những khó khăn về nhu cầu từ việc tăng lãi suất trong tương lai.

Chốt phiên 22/9, dầu Brent giảm 0,03 USD xuống 93,27 USD/thùng và giảm 0,3% trong cả tuần; dầu WTI tăng 0,4 USD (+0,5%) lên 90,03 USD/thùng, song vẫn giảm 0,03% trong tuần, cũng là tuần giảm đầu tiên trong 4 tuần qua.

Giá dầu tăng hơn 10% trong 3 tuần trước do lo ngại về khan hiếm nguồn cung.

Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cảnh báo về việc tiếp tục tăng lãi suất, ngay cả sau khi giữ ổn định lãi suất tại cuộc họp mới đây. Lãi suất tăng làm tăng chi phí vay có thể làm chậm lại tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu mỏ.

Trong khi đó, việc tạm thời cấm xuất khẩu xăng và dầu diesel của Nga tới hầu hết các quốc gia được dự kiến sẽ thắt chặt nguồn cung. Hãng Transneft của Nga đã dừng phân phối dầu diesel tới các cảng quan trọng Baltic và Biển Đen là Primorsk và Novorossiysk.

Các nhà máy lọc dầu của Mỹ thực hiện bảo dưỡng thường xuyên trong mùa thu sau khi hoạt động mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu trong mùa hè. Công suất lọc dầu dự kiến đạt 1,4 triệu thùng/ngày trong tuần này so với 800.000 thùng/ngày trong tuần trước đó.

Theo Công ty Dịch vụ năng lượng Baker Hughes, số giàn khoan dầu của Mỹ giảm 8 giàn xuống 507 giàn trong tuần này, thấp nhất kể từ tháng 2/2022.

Kim loại: Đồng loạt giảm giá

Ở nhóm kim loại quý, trong phiên giao dịch ngày 22/9, giá vàng thế giới giao dịch quanh mức 1.920-1.927 USD/ounce, giảm 2-5 USD/ounce so với phiên trước đó. Giá vàng thế giới sụt giảm sau khi Mỹ phát đi tín hiệu tăng lãi suất vào cuối năm 2023, USD và trái phiếu Mỹ hấp dẫn nhà đầu tư.

Edward Moya - nhà phân tích của Công ty Giao dịch ngoại hối OANDA (Mỹ) cho biết, USD tăng giá dữ dội sau khi Fed giữ nguyên lãi suất, đồng thời phát tín hiệu sẽ có thêm 1 đợt tăng lãi suất vào cuối năm nay, tạo sức ép lên giá vàng.

Cùng với đó, lãi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 2 năm vọt lên 5,2%/năm, kỳ hạn 10 năm tăng lên 4,48%/năm đã kích thích nhà đầu tư dồn vốn vào trái phiếu. Điều này đồng nghĩa tiền chảy vào vàng rất ít, từ đó tác động lên giá.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu tiếp tục đỏ sàn. Nhiều nhà đầu tư cổ phiếu đã chuyển dịch vốn vào USD, giúp đồng tiền này tăng giá nhiều hơn nữa, khiến thị trường vàng rơi vào thế bất lợi.

Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho biết, nhu cầu vàng toàn cầu đã giảm 5% từ đầu năm đến nay cũng đóng góp vào việc giá vàng suy yếu.

Theo Capital Economics, giá vàng có thể giảm xuống 1.800 USD/ounce vào cuối năm nay khi kinh tế Mỹ bắt đầu tăng trưởng trở lại và áp lực lạm phát đã giảm bớt.

Một số kim loại quý khác, giá bạc giảm 0,3% xuống 23,17 USD/ounce; bạch kim giảm 1,2% xuống 917,48 USD/ounce; palladium giảm 2,1% - mức thấp nhất kể từ ngày 30/8/2023.

Ở nhóm kim loại cơ bản, giá đồng chạm mức thấp nhất gần 4 tháng do Fed báo hiệu chính sách sẽ hạn chế lâu hơn, USD tăng lên mức cao nhất 6 tháng. Cụ thể, giá đồng giao sau ba tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm 1,8% xuống 8.193 USD/tấn, sau khi chạm mức 8.071 USD/tấn trong phiên - mức thấp nhất kể từ ngày 31/5/2023.

Dữ liệu kinh tế tháng 8/2023 tại Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới, cho thấy dấu hiệu ổn định vào tuần trước ngay cả khi đầu tư vào lĩnh vực bất động sản bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng làm cho kim loại được định giá bằng USD trở nên kém hấp dẫn hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Tồn kho đồng tại các kho đã đăng ký đã tăng kể từ giữa tháng 7/2023, đạt mức cao nhất kể từ tháng 5/2022. Dữ liệu hàng ngày của sàn LME cho thấy, khối lượng tăng lên 162.900 tấn sau khi giao 7.200 tấn tới các kho ở 3 quốc gia. Mức giảm giá giao hàng ngắn hạn so với hợp đồng đồng giao 3 tháng đóng cửa ở mức 64 USD/tấn - cao nhất trong 4 tháng, cho thấy nguồn cung dồi dào.

Một số kim loại cơ bản khác trên sàn LME, giá nhôm giảm 1,8% xuống 2.214,5 USD/tấn; kẽm giảm 1,6% xuống 2.516 USD/tấn; chì giảm 1,3% xuống 2.184,5 USD/tấn; thiếc giảm 2,3% xuống 25.545 USD/tấn; nikel giảm 2,4% xuống 19.125 USD/tấn - mức thấp nhất kể từ tháng 7/2022 khi nguồn cung dư thừa.

Về nhóm kim loại đen, giá quặng sắt tại Singapore bật trở lại trên mức 120 USD/tấn bởi việc hỗ trợ chính sách của Trung Quốc cho nền kinh tế và sau khi Công ty Rio Tinto tạm dừng hoạt động tại mỏ Pilbara vì tai nạn.

Theo Công ty Tư vấn Mysteel, dự trữ quặng sắt đã nhập khẩu của Trung Quốc tại các cảng lớn ở mức 115,92 triệu tấn, thấp nhất 3 năm trong tuần này. Tuy nhiên, giá nguyên liệu sản xuất thép đã theo xu hướng giảm hàng tuần trong bối cảnh lo ngại dai dẳng về lĩnh vực địa ốc gặp khó khăn

Tại Singapore, quặng sắt kỳ hạn tháng 10/2023 tăng 3,2% lên 121,2 USD/tấn, nhưng vẫn giảm hơn 1% trong tuần sau khi lên mức cao nhất 6 tháng vào tuần trước nữa.

Trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2024 tăng 0,9% lên 871,5 CNY (119,38 USD)/tấn,.

Các nhà đầu tư hào hứng khi truyền thông nhà nước đưa tin rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục phá bỏ các rào cản để tiếp cận thị trường và tăng cường hỗ trợ chính sách cho nền kinh tế tư nhân, trích dẫn 22 biện pháp Cơ quan quản lý thị trường nhà nước ban hành.

Rio Tinto, nhà sản xuất quặng sắt lớn nhất thế giới cho biết họ đã dừng hoạt động tại khu vực Pilbara ở Australia vì một vụ tai nạn. Song, lo lắng về lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đã cản trở đà tăng của quặng sắt.

Tại Thượng Hải, giá thép cây giảm 0,5%; thép cuộn cán nóng giảm 0,4% và thép không gỉ giảm 0,7%.

Nông sản: Lúa mì và ngô cùng tăng giá

Giá lúa mì trên sàn giao dịch Chicago tăng do việc mua vào theo kỹ thuật sau khi hợp đồng kỳ hạn tháng 11 thấp nhất 1,5 tuần và do lo lắng về hạn hán ở nửa nam bán cầu. Cụ thể, lúa mì CBOT mềm đỏ vụ Đông đóng cửa phiên 22/9 tăng 3-3/4 US cent (+0,65%) lên 5,79-1/2 USD/bushel, sau khi giảm xuống mức 5,72-3/4 USD trong phiên - thấp nhất kể từ ngày 12/9/2023.

Giá ngô cũng tăng, củng cố trên mức thấp nhiều năm đã chạm tới trong tuần qua, trong khi nhu cầu xuất khẩu chậm và áp lực theo mùa từ vụ thu hoạch ở Midwest đã hạn chế đà tăng. Cụ thể, ngô CBOT kỳ hạn tháng 12/2023 tăng 2 US cent lên 4,77-1/4 USD/bushel.

Nguyên liệu công nghiệp: Giá đường tăng, đi ngược với cà phê, cao su biến động trái chiều

Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, đường thô kỳ hạn tháng 10/2023 tăng 0,04 US cent hay 0,1% lên 26,97 US cent/lb do thị trường này tiếp tục củng cố quanh mức cao nhất 12 năm thiết lập trong tuần qua.

Công ty Kinh doanh Sucden cho biết, giá đường có khả năng vẫn ở mức cao một phần do sản lượng giảm tại Ấn Độ.

Vụ thu hoạch trong năm 2023 tại Brazil hiện gần như đã hoàn thành, trong khi thị trường đang theo dõi đợt nắng nóng di chuyển khắp quốc gia trồng cà phê hàng đầu thế giới này làm dấy lên lo ngại về vụ mùa năm tới.

Theo đó, cà phê arabica kỳ hạn tháng 12/2023 đóng cửa phiên 22/9 giảm 3,7 US cent (-2,4%) xuống 1,5115 USD/lb và cả tuần giảm 4,4%. Cà phê robusta kỳ hạn tháng 11/2023 thay đổi ít tại mức giá 2.461 USD/tấn, nhưng giảm 7% trong tuần qua.

Giá cao su Nhật Bản nhích tăng trong phiên cuối tuần qua do giá dầu trong xu hướng tăng và các nhà đầu tư thấy khả năng Trung Quốc tung thêm kích thích kinh tế.

Cụ thể, cao su kỳ hạn tháng 2/2024 trên sàn giao dịch Osaka tăng 0,3 JPY (+0,1%) lên 234,6 JPY(1,58 USD)/kg. Tuy nhiên, hợp đồng này vẫn giảm 0,1% trong tuần sau khi tăng 5 tuần liên tiếp trước đó. Tại sàn Thượng Hải, cao su giao tháng 1/2024 tăng 140 CNY (+1%) lên 14.255 CNY (1.952,37 USD)/tấn.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)

(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).
Tin bài liên quan