Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 2-7/9: Kim loại bật tăng đồng loạt

Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 2-7/9: Kim loại bật tăng đồng loạt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Kết thúc tuần giao dịch từ 2-7/9, việc đồng USD suy yếu và tâm lý lo ngại về cung - cầu từ những nước lớn đã thúc đẩy hầu hết các loại hàng hóa trên thế giới tăng giá trong tuần qua, đáng chú ý là việc cùng bật tăng của nhóm kim loại.

Kim loại: Tăng giá đồng loạt

Ở nhóm kim loại quý, giá vàng tăng do USD giảm, làm lu mờ triển vọng tăng lãi suất.Cụ thể, vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 0,5% lên 1.716,3 USD/ounce, sau khi tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 30/8/2022 trong đầu phiên giao dịch. Vàng kỳ hạn tháng 12/2022 trên sàn New York tăng 0,5% lên 1.728,6 USD/ounce. Tính chung cả tuần, giá vàng tăng 0,3% - tuần tăng đầu tiên trong 4 tuần qua.

Ngoài ra, một số kim loại quý khác cũng tăng giá trong tuần qua. Cụ thể, giá palađi tăng 2% lên 2.182,18 USD/ounce và có tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/2022. Giá bạch kim tăng 0,1% lên 879,83 USD/ounce và có tuần tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 6/2022. Giá bạc tăng 4,95% lên 18,76 USD/ounce, qua đó chấm dứt chuỗi giảm 3 tuần liên tiếp.

Việc USD giảm xuống mức thấp nhất hơn 1 tuần so với các đồng tiền chủ chốt khiến vàng nói riêng, các kim loại quý nói chung, được định giá bằng “đồng bạc xanh” trở nên rẻ hơn khi mua bằng tiền tệ khác.

Ở nhóm kim loại công nghiệp, giá đồng loạt tăng được thúc đẩy bởi USD suy yếu, lạc quan về nước tiêu thụ kim loại hàng đầu Trung Quốc và sự thiếu hụt nguồn cung khi các nhà máy luyện kim đóng cửa kéo dài.

Cụ thể, giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 0,7% lên 7.865 USD/tấn, sau khi tăng 2,5% trong phiên trước đó. Tính chung cả tuần, giá đồng tăng 3%. Giá nickel trên sàn London tăng 5,7% lên 22.995 USD/tấn - cao nhất trong gần 1 tháng qua.

Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên và Singapore cũng tăng lên mức cao nhất 2 tuần và có tuần tăng mạnh nhất trong 6 tuần, sau khi nước sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc công bố thêm các chính sách hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Cụ thể, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn Đại Liên tăng 3,7% lên 720,5 CNY (103,92 USD)/tấn, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 29/8/2022 (724,5 CNY/tấn) trong đầu phiên giao dịch. Tính chung cả tuần, giá quặng sắt tăng 7,4%.

Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 10/2022 trên sàn Singapore tăng 3,2% lên 103,25 USD/tấn.

Giá quặng sắt 62% Fe giao ngay sang Trung Quốc có tuần tăng hơn 3% lên 100,5 USD/tấn, Công ty Tư vấn SteelHome cho biết.

Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 2,1%, thép cuộn cán nóng tăng 1,2% và thép không gỉ tăng 3%.

Năng lượng: Giá dầu thu hẹp đà giảm, giá khí tại Mỹ vẫn giảm mạnh

Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu bật tăng trong phiên cuối tuần qua 7/9 do được hỗ trợ bởi nguồn cung thực tế và việc đe dọa cắt giảm sản lượng, song vẫn có tuần giảm thứ 2 liên tiếp bởi việc tăng lãi suất tích cực và các hạn chế Covid-19 của Trung Quốc gây áp lực đối với triển vọng nhu cầu.

Cụ thể, đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/9, giá dầu thô Brent tăng 3,69 USD (+4,1%) lên 92,84 USD/thùng, dầu thô Tây Texas (WTI) tăng 3,25 USD (+3,9%) lên 86,79 USD/thùng.

Tuy nhiên, tính chung cả tuần, hai loại dầu tiếp tục ghi nhận giá giảm tuần thứ 2 liên tiếp, với dầu Brent giảm 0,2% sau khi chạm mức thấp nhất kể từ tháng 1/2022 và dầu WTI giảm 0,1%.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đe dọa sẽ ngừng xuất khẩu dầu và khí đốt sang châu Âu nếu giới hạn giá được áp đặt và OPEC+ có kế hoạch cắt giảm một lượng nhỏ sản lượng dự kiến được công bố trong tuần này đã hỗ trợ giá dầu.

Chịu áp lực bởi mối lo ngại về suy thoái và nhu cầu, giá dầu Brent giảm mạnh từ mức đỉnh 147 USD/thùng trong tháng 3/2022 sau khi xung đột Nga – Ukraine chính thức nổ ra.

Ngoài ra, Công ty Dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết, số giàn khoan dầu của Mỹ trong tuần qua giảm 5 giàn xuống mức 591 giàn - thấp nhất kể từ giữa tháng 6/2022.

Tương tự, trên thị trường khí đốt, giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng trong phiên 7/9 do dự báo thời tiết ấm hơn và nhu cầu khí đốt tăng dần, nhưng kết tuần vẫn giảm mạnh.

Cụ thể, giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 10/2022 trên sàn New York tăng 8,1 US cent (+1%) lên 7,996 USD/mmBTU. Tính chung cả tuần, giá khí tự nhiên giảm 9% - tuần giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 6/2022 và là tuần giảm đầu tiên trong 3 tuần kể từ đầu tháng 7/2022.

Tính từ đầu năm đến nay, giá khí tự nhiên tăng 115% do giá khí đốt tại châu Âu và châu Á tăng, thúc đẩy nhu cầu xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Mỹ tăng mạnh. Giá khí đốt toàn cầu tăng do gián đoạn nguồn cung do cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Tại châu Âu và châu Á, giá khí đốt lần lượt đạt khoảng 60 USD/mmBTU và 54 USD/mmBTU khi kết thúc tuần qua.

Nông sản: Giá ngô và lúa mì tăng, đi ngược với đậu tương

Giá các mặt hàng nông sản chính như ngô, đậu tương và lúa mì tại Mỹ cùng tăng trong phiên cuối tuần qua 7/9, được hỗ trợ bởi hoạt động mua bù thiếu, cùng với thị trường chứng khoán và năng lượng tăng cao.

Cụ thể, trên sàn Chicago, giá ngô kỳ hạn tháng 12/2022 tăng 16-1/2 US cent lên 6,85 USD/bushel. Giá lúa mì cùng kỳ hạn tăng 40-1/2 US cent lên 8,69-1/2 USD/bushel và cả tuần tăng 7,2% - tuần tăng thứ 3 liên tiếp. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 11/2022 tăng 26-1/4 US cent lên 14,12-1/4 USD/bushel, sau khi giảm xuống mức thấp nhất 1 tháng trong phiên trước đó, nhưng cả tuần giảm 0,6% - tuần giảm thứ 2 liên tiếp.

Nguyên liệu công nghiệp: Giá đường và cao su tăng, dầu cọ giảm, cao su diễn biến trái chiều

Giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2022 trên sàn ICE tăng 0,29 US cent (+1,6%) lên 18,22 US cent/lb. Đồng thời, giá đường trắng cùng kỳ hạn trên sàn London tăng 7,8 USD (+1,3%) lên 588 USD/tấn.

Giá cà phê arabica trên sàn ICE tăng khi USD suy yếu. Cụ thể, cà phê arabica kỳ hạn tháng 12/2022 trên sàn ICE tăng 6,3 US cent (+2,8%) lên 2,285 USD/lb, song vẫn thấp hơn mức cao đỉnh điểm 6 tháng (2,4295 USD/lb) xác lập ngày 25/8/2022.

Ngược lại, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 11/2022 trên sàn London giảm 12 USD (-0,5%) xuống 2.264 USD/tấn. Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 8/2022 giảm 1,2% so với tháng 7/2022 xuống 112.531 tấn.

Giá cao su tại Nhật Bản tăng do số liệu doanh số bán ô tô từ nước mua hàng đầu Trung Quốc tăng mạnh, thúc đẩy nhu cầu trong bối cảnh lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu. Cụ thể, giá cao su kỳ hạn tháng 2/2023 trên sàn Osaka tăng 1,5 JPY (+0,7%) lên 217,7 JPY (1,53 USD)/kg. Tính chung cả tuần, giá cao su tăng 0,5%.

Trên sàn Thượng Hải, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2023 tăng 5 CNY lên 12.380 CNY (1.786 USD)/tấn. Trên sàn Singapore, giá cao su kỳ hạn tháng 10/2022 tăng 0,1% lên 130,8 US cent/kg.

Giá dầu cọ tại Malaysia tăng trở lại trong phiên 7/9 sau khi giảm xuống mức thấp nhất 14 tháng trong phiên trước đó, song có tuần giảm thứ 2 liên tiếp.

Cụ thể, giá dầu cọ kỳ hạn tháng 11/2022 trên sàn Bursa Malaysia tăng 54 ringgit (+1,52%) lên 3.595 ringgit (799,6 USD)/tấn, nhưng cả tuần giá giảm 8,2% do các nhà đầu tư lo ngại các hạn chế Covid-19 tại một số khu vực chủ chốt của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu trong bối cảnh nguồn cung tăng.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)

(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

Tin bài liên quan