Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 9-16/12: Giá dầu nhích tăng, vàng tiếp tục đi xuống

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Kết thúc tuần giao dịch từ 9-16/12, trong khi giá dầu quay đầu tăng nhẹ sau chuỗi 8 phiên giảm liên tiếp thì giá vàng tiếp tục đi xuống, cùng với nhiều mặt hàng khác cũng giảm giá như quặng sắt, thép, ngô, lúa mì, đường…
Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 9-16/12: Giá dầu nhích tăng, vàng tiếp tục đi xuống

Năng lượng: Giá dầu nhích tăng

Giá dầu thô Brent và dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) phiên cuối tuần qua 15/12 gần như không thay đổi so với một tuần trước đó, mặc dù có biến động.

Cụ thể, dầu Brent giảm 6 US cent (-0,08%) về 76,55 USD/thùng; dầu WTI giảm 15 US cent (-0,21%) về 71,43 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá cả 2 loại dầu chỉ tăng vài cent sau 8 tuần giảm liên tục.

Kết quả khảo sát sản xuất của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York cho thấy, số lượng đơn hàng mới trong tháng 11/2023 sụt giảm tháng thứ 3 liên tiếp. Đó có thể là dấu hiệu nhu cầu dầu giảm trong năm 2024.

Phil Flynn, nhà phân tích thuộc Price Futures Group cho biết: “Thị trường có vẻ nhạy cảm hơn một chút với mọi thông tin mới” và “Vẫn chưa chắc chắn rằng giá dầu đã chạm đáy”.

Các nhà giao dịch cũng bị chấn động bởi những bình luận từ Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York John Williams về hy vọng cắt giảm lãi suất trong năm tới.

Hôm thứ Năm (14/12), Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết việc tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát có thể đã kết thúc, nhưng vẫn để ngỏ khả năng tăng thêm nữa.

Theo báo cáo hàng tháng của IEA, sản lượng dầu thế giới sẽ tăng 1,1 triệu thùng/ngày trong năm 2024, cao hơn 130.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó, nhưng ước tính này chưa bằng một nửa so với dự báo của OPEC – là nhu cầu tăng 2,25 triệu thùng/ngày. OPEC+ hồi cuối tháng 11/2023 đã tình nguyện cắt giảm khoảng 2,2 triệu thùng/ngày trong quý đầu tiên của năm 2024.

Kim loại: Giá vàng tiếp tục đi xuống; quặng sắt, thép cũng giảm; đồng, nhôm nhích tăng

Ở nhóm kim loại quý, giá vàng giảm trong ngày thứ Sáu (15/12) do Fed chuyển sang lập trường ôn hòa và dự kiến giảm lãi suất vào năm tới.

Cụ thể, giá vàng giao ngay giảm 0,8% xuống 2.019,91 USD/ounce, nhưng tính cả tuần vẫn tăng 0,8%. Vàng giao sau giảm 0,4% xuống 2.035,7 USD/ounce.

Công cụ CME FedWatch cho thấy thị trường đang dự đoán 70% cơ hội Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 3. Lãi suất thấp hơn làm tăng sức hấp dẫn của vàng thỏi không sinh lời. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed New York John Williams đã bác bỏ kỳ vọng ngày càng tăng của thị trường về việc cắt giảm lãi suất.

Đồng đô-la ổn định nhưng có xu hướng giảm hàng tuần, khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với người mua ở nước ngoài, trong khi lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm trải qua tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2023.

Về những kim loại quý khác, giá bạc giảm 1,3% xuống 23,83 USD/ounce; bạch kim giảm 1,8% xuống 940,75 USD/ounce và cả hai đều tăng trong tuần qua. Giá palladium tăng 6,6% lên 1.175,42 USD và có tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2022, giá đã chạm mức thấp nhất trong 5 năm vào đầu tháng 12 này.

Ở nhóm kim loại màu, giá đồng giảm do USD mạnh lên sau bình luận của một quan chức Fed làm dấy lên lo ngại về việc lãi xuất sẽ sớm được cắt giảm.

Cụ thể, đồng giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm xuống mức 8.550 USD/tấn, nhưng cả tuần vẫn tăng giá.

Chủ tịch Fed New York cho bết còn quá sớm để nghĩ đến việc cắt giảm lãi suất hiện nay, đẩy lùi dự đoán của thị trường. Chỉ số USD phục hồi sau bình luận này, khiến các kim loại định giá bằng “đồng bạc xanh” trở nên đắt hơn cho người mua bằng các ngoại tệ khác.

Số liệu công bố hôm 15/12/2023 cho thấy, Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ đồng hàng đầu thế giới - đã ghi nhận mức tăng trưởng nhanh về sản lượng công nghiệp trong tháng 11/2023. Nước này đã tăng cường nhập khẩu nhiều đồng trong nửa cuối năm nay do giá giảm.

Về một số kim loại màu khác, giá nhôm có tuần tăng mạnh nhất trong 5 tháng qua khi kết thúc phiên 15/12 tăng 1,5% lên 2.242,50 USD/tấn, cao hơn 5% so với tuần trước đó; kẽm tăng 1,5% lên 2.531 USD/tấn; chì tăng 0,5% lên 2.078,5 USD/tấn; niken tăng 1% lên 17.135 USD/tấn; thiếc giảm 0,5% xuống 25.235 USD/tấn. Tính cả tuần, giá đồng, nhôm và các kim loại cơ bản khác đều tăng.

Ở nhóm kim loại đen, giá quặng sắt giảm trong phiên 15/12 do nhu cầu giảm và dự đoán Trung Quốc sẽ không đưa ra các biện pháp kích thích mạnh mẽ trong năm 2024.

Cụ thể, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2024 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (Trung Quốc) giảm 1,37% xuống 935 CNY (131,51 USD)/tấn, thấp nhất kể từ ngày 7/12/2023.

Tại Singapore, quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2024 ở mức 134 USD/tấn, gần như không thay đổi so với phiên trước đó.

Trên sàn Thượng Hải, giá thép giảm, trong đó thép thanh giảm 0,97%; thép cuộn cán nóng giảm 0,84%.

Nhu cầu quặng sắt tiếp tục giảm cũng gây áp lực lên giá thành phần sản xuất thép quan trọng này. Sản lượng thép thô của Trung Quốc trong tháng 11 giảm 3,8% so với tháng 10, cũng là tháng giảm thứ 5 liên tiếp.

Dữ liệu từ Công ty Tư vấn Mysteel cho thấy sản lượng kim loại trung bình hàng ngày của các nhà máy thép được khảo sát đã giảm tuần thứ 7 liên tiếp, giảm 1,1% trong trong tuần xuống còn 2,27 triệu tấn tính đến ngày 15/12/2023.

Nông sản: Lúa mì và ngô cùng giảm giá

Giá ngô trên Sàn giao dịch Chicago (CBOT) chốt phiên thứ Sáu (15/12) tăng nhẹ bởi việc mua vào kỹ thuật và sự hỗ trợ từ thị trường giúp lúa mì cũng tăng giá.

Cụ thể, ngô kỳ hạn tháng 3/2024 tăng 3-3/4 US cent lên 4,83 USD/bushel; lúa mì cùng kỳ hạn tăng 13-1/2 US cent lên 6,29-1/4 USD/bushel.

Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá ngô giảm 0,5% và lúa mì giảm 0,4%.

Nguyên liệu công nghiệp: Cao su và cà phê tăng giá, đi ngược với đường

Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2024 đóng cửa phiên thứ Sáu (15/12) giảm 0,19 US cent (-0,9%) xuống 21,99 US cent/lb sau khi giảm xuống mức thấp nhất 8,5 tháng là 21,16 US cent/lb. Hợp đồng này giảm 5,8% trong tuần do chịu áp lực từ sản lượng tại Brazil lớn hơn dự kiến. Đường trắng cùng kỳ hạn giảm 3,8 USD (-0,6%) xuống 626,8 USD/tấn.

Ấn Độ - nước sản xuất đường lớn thứ 2 thế giới có thể sản xuất 32,5 triệu tấn trong niên độ tài chính 2023-2024 bắt đầu từ 1/10/2023. Chính phủ nước này sẽ cho phép một phần ethanol từ nước mía, thay đổi quan điểm trước đây.

Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 3/2024 tăng 28 USD (+1%) lên 2.825 USD/tấn, trong phiên có lúc giá đạt 2.860 USD/tấn - cao nhất kể từ khi những hợp đồng tương lai này bắt đầu giao dịch vào tháng 1/2008. Cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2024 giảm 1,3 US cent (-0,7%) xuống 1,893 USD/lb sau khi lên mức cao nhất 7 tháng là 1,9450 USD/lb, nhưng cả tuần giá tăng 6,8%.

Hợp tác xã cà phê robusta của Brazil cho biết, vụ mùa tới sản lượng có thể giảm ít nhất 15% bởi thời tiết nóng và khô. Theo các đại lý, người trồng mía ở Brazil, nước xuất khẩu robusta lớn thứ 3 thế giới, tiếp tục găm hàng trong bối cảnh dự đoán giá tăng bởi lo lắng tình trạng khô hạn ở các khu vực sản xuất robusta.

Giá cao su tại Nhật Bản tăng do dự đoán lãi suất của Mỹ giảm trong năm tới thúc đẩy hy vọng tăng trưởng kinh tế và nhu cầu nguyên liệu tăng. Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 5/2024 trên Sàn giao dịch Osaka chốt phiên 15/2 tăng 1,9 JPY (+0,8%) lên 238,1 JPY (1,7 USD)/kg, phục hồi từ mức thấp nhất 2 tháng trong phiên liền trước. Tính cả tuần, giá tăng 0,3% và là tuần tăng đầu tiên trong 4 tuần. Tại Thượng Hải, cao su giao tháng 5/2024 tăng 90 CNY lên 13.520 CNY (1.903 USD)/tấn. Hợp đồng cao su giao tháng 1/2024 trên sàn SICOM của Singapore tăng 0,6% lên 144,8 US cent/kg.

Dự trữ cao su tại các kho do Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải theo dõi đã tăng 6,3% so với tuần trước.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

Tin bài liên quan