Ảnh Shutter

Ảnh Shutter

Thị trường hàng hóa tuần từ 12-19/3: Giá nông sản tiếp tục tăng cao, dầu giảm mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Kết thúc tuần giao dịch vừa qua (từ 12-19/3), trong khi giá nông sản và kim loại quý trên thế giới duy trì đà tăng, thì ở chiều ngược lại, các mặt hàng năng lượng, nguyên liệu công nghiệp hay kim loại công nghiệp đồng loạt giảm.

Năng lượng: Giá dầu giảm gần 7%

Kết thúc phiên cuối tuần qua 19/3, giá dầu Brent tăng 1,25 USD/thùng (+2%) lên 64,53 USD/thùng; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 1,42 USD (+2,4%) lên 61,42 USD/thùng.

Việc bật tăng trở lại trong phiên cuối tuần đã giúp hạn chế bớt đà giảm của giá dầu trong cả tuần qua khi ghi nhận mức giảm chung gần 7% với cả 2 loại dầu do những phiên bán tháo mạnh mẽ trước đó.

Theo MXVNews, giá dầu WTI sẽ còn chịu áp lực giảm trong những phiên tới trước áp lực bán kỹ thuật.

Thực tế, đà tăng của USD và lợi suất trái phiếu Hoa Kỳ thời gian qua khiến sức hấp dẫn của dầu thô giảm dần vì đây là mặt hàng không đem lại lãi suất. Tuy vậy, việc tiếp tục cắt giảm sản lượng từ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) được kỳ vọng tiếp tục là yếu tố hỗ trợ giá dầu không giảm quá sâu thời gian tới.

Thông tin nhiều quốc gia tại châu Âu dừng triển khai vaccine Covid-19 sẽ còn gây ra lo ngại về tiêu thụ trong khu vực. Bên cạnh đó, tồn kho tăng theo báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cũng đặt ra câu hỏi về sự phục hồi nhu cầu nhiên liệu tại Mỹ.

Goldman Sachs cho biết những sóng gió của thị trường dầu - liên quan đến nhu cầu của Liên minh châu Âu và nguồn cung Iran - sẽ làm chậm lại quá trình tái cân bằng thị trường trong quý II, mặc dù họ hy vọng hành động của OPEC+ sẽ bù đắp được điều đó.

Kim loại: Vàng tăng tuần thứ 2 liên tiếp

Ở nhóm kim loại quý, kết thúc phiên 19/3, giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.742,14 USD/ounce, tính chung cả tuần giá tăng 0,9%. Tương tự, giá vàng kỳ hạn tháng 4/2021 cũng tăng hơn 1% lên 1.745,07 USD/ounce trong tuần qua, cũng là tuần tăng thứ 2 liên tiếp khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và USD đều giảm.

“Lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm một chút và USD cũng rời khỏi mức cao. Chúng ta có thể thấy vàng sẽ tốt hơn một chút nếu tình hình tỷ giá bắt đầu ổn định”, nhà phân tích Edward Meir của ED&F Man Capital Markets cho biết.

Thực tế, lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm sau khi đạt mức cao nhất hơn 1 năm ở phiên 18/3. Tương tự,USD cũng giảm khỏi mức cao nhất trong 1 tuần.

David Meger, giám đốc phụ trách mảng giao dịch kim loại của High Ridge Futures cho rằng: “Kỳ vọng vào triển vọng tăng trưởng kinh tế và lãi suất được duy trì lâu dài ở mức tương đối thấp sẽ dẫn tới lạm phát, kích thích giá vàng tăng”.

Ngoài ra, một số kim loại quý khác như platin (bạch kim), paladi… cũng duy trì được đà tăng giá trong tuần qua, trong khi bạc giảm giá không đáng kể.

Ở nhóm kim loại công nghiệp, kết thúc tuần giao dịch từ 12-19/3, giá đồng kỳ hạn 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London giảm 0,7% xuống 8.995 USD/tấn. Trên sàn Thượng Hải, giá đồng giao tháng 5/2021 giảm 0,6% xuống 66.740 CNY (tương đương 10.259,17 USD)/tấn.

Giá nikel được giao dịch trên sàn London giảm 1,2% xuống 15.840 USD/tấn, giá nhôm giảm 0,5% xuống 2.206 USD/tấn.

Trên sàn Thượng Hải giá nikel giảm 1,8% xuống 118.570 CNY/tấn, giá nhôm giảm 1,7% xuống 17.390 NDT/tấn.

Dữ liệu hải quan cho thấy, nhập khẩu nhôm của Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2021 tăng 150,7% so với một năm trước đó, do kim loại ở nước ngoài được đặt với giá ưu đãi tiếp tục chảy vào thị trường nhôm lớn nhất thế giới.

Dữ liệu từ International Nickel Study Group cho biết, thặng dư thị trường nikel toàn cầu trong tháng 1 đã giảm xuống còn 8.400 tấn từ mức 14.700 tấn trong tháng trước.

Giá quặng sắt và than cốc - 2 nguyên liệu chính trong sản xuất thép, đã giảm trong phiên 19/3 do giới kinh doanh lo ngại về triển vọng TP. Đường Sơn - thủ phủ sản xuất thép Trung Quốc, sẽ cắt giảm sản lượng thép lâu dài. Đường Sơn chiếm gần 14% tổng sản lượng thép thô của Trung Quốc.

Cụ thể, giá quặng sắt giao tháng 5 trên sàn Đại Liên giảm 3,5% xuống 1.042 CNY (160,16 USD)/tấn trong phiên 19/3 và cả tuần giảm 3,6%.

Giá than luyện cốc trên sàn Đại Liên phiên 19/3 cũng giảm 4,4% xuống 2.231 CNY/tấn, khiến cho mức tăng cả tuần chỉ còn 0,8%.

Nông sản: Tiếp tục tăng giá

Giá ngô và đậu tương tại Mỹ đều hồi phục trong phiên cuối tuần 19/3 nhờ hoạt động mua mang tính kỹ thuật cũng như tranh thủ mua vào sau phiên giá giảm mạnh trước đó.

Theo đó, giá ngô kỳ hạn tháng 5/2021 đã tăng 11-1/4 US cent lên 5,57-3/4 USD/bushel, tính chung cả tuần tăng xấp xỉ 3,5%, là tuần tăng đầu tiên trong vòng 3 tuần qua.

Đậu tương giao cùng kỳ hạn cũng tăng 24 US cent lên 14,16-1/4 USD/bushel trong phiên 19/3 và cả tuần nhích nhẹ - cũng là tuần thứ 5 tăng giá trong 6 tuần gần nhất.

Thị trường ngô đã nhận được thông tin tích cực khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) xác nhận đã bán thêm 800.000 tấn ngô cho khách hàng Trung Quốc trong ngày 19/3, đưa tổng khối lượng ngô Mỹ xuất khẩu trong tuần này lên 3,9 triệu tấn.

Mặt khác, những cơn mưa trên vành đai nông nghiệp Pampas trong tuần qua đã hạn chế thiệt hại tại nhiều cánh đồng ngô và đậu tương, vốn đang trong tình trạng khô hạn. Điều kiện thời tiết khô hạn đã ảnh hưởng tới khu vực này kể từ giữa năm 2020. Đây cũng đã là một yếu tố lý giải cho việc Sở giao dịch Buenos Aires Exchange của Argentina (BAGE) cắt giảm dự báo sản lượng của cả ngô và đậu tương vào tuần trước.

Tuy nhiên, giá dầu toàn cầu đã tăng khoảng 30% trong năm nay, củng cố giá trị của các sản phẩm nông nghiệp.

Hợp đồng lúa mì đang chịu áp lực do kỳ vọng sản lượng của Nga - nước xuất khẩu hàng đầu thế giới. Sovecon - Công ty tư vấn nông nghiệp của Nga đã nâng dự báo cho vụ lúa mỳ năm 2021 của Nga lên 79,3 triệu tấn từ dự kiến 76,2 triệu tấn.

Thực tế, trong tuần vừa qua, giá lúa mì thế giới giảm gần 2%.

Nguyên liệu công nghiệp: Đồng loạt giảm giá

Kết thúc tuần qua 15-19/3, giá đường trắng kỳ hạn tháng 5/2021 có 1 phiên tăng và 3 phiên giảm. Giá đường trắng kỳ hạn này trên sàn London đóng cửa phiên 19/3 giảm 2,6 USD (-0,6%) so với phiên trước đó xuống 453,4 USD/tấn và cả tuần giảm 1,24%.

Giá đường thô giao cùng kỳ hạn trên sàn New York cũng có 1 phiên tăng và 3 phiên giảm, với mức giảm 0,13 Us cent (-0,8%) về mức 15,76 US cent/lb trong phiên 19/3 và cả tuần giảm 2,2% .

Ngân hàng Rabobank dự báo, giá đường thời gian tới vẫn có nhiều yếu tố hỗ trợ và giá sẽ duy trì trong khoảng 15 - 15,5 US cent/lb trong cả năm 2021.

Các quỹ hàng hóa đã tạm ngừng giao dịch bởi số ca nhiễm Covid-19 gia tăng ở châu Âu. Do đó, các đại lý có thể sẽ đánh giá lại triển vọng hàng hóa trong ngắn hạn.

Trong phiên 19/, giá cà phê arabica giảm 0,95 US cent (-0,7%) xuống 1,29 USD/lb, cà phê robusta cũng giảm 0,5% xuống 1.379 USD/tấn. Tính chung cả tuần, cà phê arabica giảm hơn 3%, còn cà phê robusta giảm hơn 1,6%.

Cơ quan Khuyến nông Brazil Emater-MG cho hay, sản lượng cà phê arabia của bang Brazil Minas Gerais năm 2021 sẽ giảm 10 triệu bao, xuống mức 17,9 triệu bao - thấp hơn so với con số chính phủ nước này đưa ra.

Giá cao su cũng giảm trong tuần qua do lo ngại về làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới ở khắp Châu Âu.

Cụ thể, kết thúc phiên 19/3, cao su kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn Osaka giảm 10,2 JPY (-3,8%) xuống 261 JPY/kg, tính chung cả tuần giảm gần 5%; giá cao su kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn Thượng Hải cũng giảm 5,8% xuống 14.365 CNY/tấn.

Tin bài liên quan