Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán có dấu hiệu tích lũy để tạo nền tảng hồi phục

Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán có dấu hiệu tích lũy để tạo nền tảng hồi phục

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index đảo chiều tăng; Tín dụng gần đây tăng nhanh, nhưng khó đạt mục tiêu; Chứng khoán năm 2023: Những điều đọng lại; Thị trường tích lũy; Deutsche Bank: Suy thoái kinh tế ở Mỹ sẽ thúc đẩy Fed cắt giảm lãi suất…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 28/11 tăng 1,1 triệu đồng/lượng ở chiều mua và tăng 1,2 triệu đồng/lượng ở chiều bán so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 72,50 – 72,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 24,3 USD lên 2.013,6 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng chững lại và giằng co nhẹ quanh 2.015 USD USD/ounce cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 103,23 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 28/11 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.930 đồng/USD, giảm 17 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.080 – 24.420 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm về gần 37.000 USD thì sang phiên hôm nay đã gần như chỉ đi ngang quanh ngưỡng này cho đến cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,95 USD (+1,27%), lên 75,81 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,94 USD (+1,18%), lên 80,92 USD/thùng.

VN-Index đảo chiều tăng

Sau phiên sáng khá ảm đạm, thị trường bước vào phiên chiều diễn biến tích cực hơn, khi lực cầu dần nhập cuộc vào thị trường, dù không quá mạnh, nhưng cũng đã giúp bảng điện tử khởi sắc hơn với số mã tăng dần chiếm ưu thế và VN-Index theo đó nhích dần, vượt tham chiếu lên trên 1.090 điểm trước khi rung lắc nhẹ và nhích thêm đôi chút ở những phút cuối.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 2,3 triệu đơn vị, giá trị mua ròng tương ứng đạt 48,04 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 28/11: VN-Index tăng 7,37 điểm (+0,68%), lên 1.095,43 điểm; HNX-Index tăng 0,5 điểm (+0,22%), lên 224,39 điểm; UpCoM-Index tăng 0,16 điểm (+0,19%), lên 84,66 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ giảm nhẹ trong phiên thứ Hai (27/11), khi giới đầu tư thận trọng chờ đợi dữ liệu chi tiêu tiêu dùng và những nhận định về lạm phát từ các nhà hoạch định chính sách của Fed vào cuối tuần.

Các nhà đầu tư đang chờ đợi việc phát hành báo cáo "Beige Book", bản tóm tắt của Fed về nền kinh tế và dữ liệu chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) cho tháng 10, những điều này sẽ giúp đưa ra manh mối về quyết định lãi suất tiếp theo của Fed.

Kết thúc phiên 27/11: Chỉ số Dow Jones giảm 56,68 điểm (-0,16%), xuống 35.333,47 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 8,91 điểm (-0,20%), xuống 4.550,43 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 9,83 điểm (-0,07%), xuống 14.241,02 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm nhẹ, khi các nhà đầu tư chốt lời, cùng sự phục hồi của đồng yên so với đồng USD cũng khiến tâm lý thị trường thận trọng hơn.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,12% xuống 33.408,39 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,21% xuống 2.376,71 điểm

Đồng yên đã tăng giá khi đồng USD giảm xuống mức thấp nhất trong ba tháng vào thứ Ba sau khi dữ liệu doanh số bán nhà mới tại Mỹ yếu hơn dự kiến.

Cổ phiếu đáng chú ý là Taisho Pharmaceutical tăng 15,28%, sau khi tuần trước đã công bố mua lại cổ phiếu với giá 8.620 yên mỗi cổ phiếu, để đưa công ty trở thành tư nhân.

Công ty thương mại Sojitz tăng 8,46% để trở thành cổ phiếu tăng tốt nhất trên Nikkei 225, trong khi nhà sản xuất truyền hình Sharp giảm 9,49% và là cổ phiếu hoạt động kém nhất.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, trong bối cảnh nền kinh tế nước này phục hồi chậm chạp và tâm lý nhà đầu tư vẫn còn yếu.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,23% lên 3.038,55 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,19% lên 3.518,52 điểm.

"Dữ liệu kinh tế Trung Quốc gần đây vẫn tương đối chậm chạp và không cộng hưởng với kỳ vọng Fed ngừng tăng lãi suất. "Vì vậy, thị trường gặp khó khăn, các cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn còn yếu trong khi cổ phiếu nhỏ vượt trội”, Li Yanzheng, nhà quản lý quỹ tại Fortune &; Royal Asset, cho biết.

Cổ phiếu các công ty nhỏ của Trung Quốc, giảm 4,2% sau khi tăng mạnh 11,4% vào thứ Hai.

Chứng khoán Hồng Kông giảm xuống gần mức thấp nhất trong ba tuần, do lo ngại kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp yếu kém sẽ khiến các nhà đầu tư thất vọng, trong bối cảnh Trung Quốc suy thoái và thị trường bất động sản sụt giảm.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,98% xuống 17.354,14 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,13% xuống 5.957,08 điểm.

Các gã khổng lồ công nghệ giảm 0,8%, với gã khổng lồ giao đồ ăn Meituan giảm 5,2% trước khi công bố kết quả kinh doanh vào cuối ngày.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng lên mức cao nhất trong hơn hai tháng, được hỗ trợ bởi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 26,10 điểm, tương đương 1,05% lên 2.521,76 điểm, mức cao nhất kể từ ngày 20/9.

"Sự chậm lại ở giá nhà mới cũng như sản xuất của Mỹ đã làm tăng khả năng Fed sẽ sớm cắt giảm lãi suất vào năm tới", Kim Seok-hwan, nhà phân tích tại Mirae Asset Securities, cho biết.

Thông tin đáng chú ý khác là Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) có thể sẽ giữ lãi suất chính sách ở mức 3,5% khi nhóm họp vào thứ Năm, do lạm phát vẫn ở mức cao. Một cuộc thăm dò của Reuters cũng dự báo đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của BOK sẽ phải đến quý III/2024.

Kết thúc phiên 28/11: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 39,28 điểm (-0,12%), xuống 33.408,39 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 6,85 điểm (+0,23%), lên 3.03855 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 170,92 điểm (-0,98%), xuống 17.354,14 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 26,10 điểm (+1,05%), lên 2.52176 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Tín dụng gần đây tăng nhanh, nhưng khó đạt mục tiêu

Cuối tháng 10/2023, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 7,39% so với cuối năm 2022, cải thiện đáng kể so với mức 7,1% tính đến ngày 27/10..>> Chi tiết

- Chứng khoán năm 2023: Những điều đọng lại

Thị trường chứng khoán đang bước vào tháng cuối cùng của năm 2023. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhận diện những điểm nhấn ấn tượng nhất của năm này trong mắt các nhà đầu tư..>> Chi tiết

- Tích lũy

Thị trường gần đây biến động mạnh, nhưng có dấu hiệu tích lũy để tạo nền tảng hồi phục, sau khi gần như liên tục giảm trong tháng 9 và 10..>> Chi tiết

- Deutsche Bank: Suy thoái kinh tế ở Mỹ sẽ thúc đẩy Fed cắt giảm lãi suất 175 điểm cơ bản vào năm tới

Trong báo cáo được công bố hôm thứ Hai (27/11), các nhà kinh tế tại Deutsche Bank dự đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất mạnh mẽ hơn mức mà thị trường đang dự đoán, khi một cuộc suy thoái nhẹ ở Mỹ sẽ xảy ra trong nửa đầu năm tới..>> Chi tiết

Tin bài liên quan