Thị trường tài chính 24h: Đi tìm kênh đầu tư năm 2023

Thị trường tài chính 24h: Đi tìm kênh đầu tư năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index nhích nhẹ; Áp lực thanh khoản, ngân hàng “phòng thủ”; Hồi hộp sóng chốt NAV; “Dò sóng” kênh đầu tư lên ngôi trong năm 2023; ADB: Kinh tế châu Á đang phát triển…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 14/12 tăng 200.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày đã giảm trở lại 100.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 66,20 – 67,22 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng vọt 28,7 USD lên mức 1.810,5 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng chững lại và gần như chỉ đi ngang quanh ngưỡng này cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 103,76 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 14/12 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.654 đồng/USD, giảm 1 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.370 – 23.650 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên 17.700 USD, thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục nhích lên nhưng với biên độ không lớn và đạt mức trên 17.800 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,45 USD (+0,60%), lên 75,54 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,36 USD (+0,46%), lên 81,11 USD/thùng.

VN-Index hạ độ cao

Sau khi tăng mạnh lúc mở cửa lên sát ngưỡng 1.060 điểm nhờ đà quán tính của phiên chiều qua khi nhận các thông tin hỗ trợ tích cực, lực cầu chốt lời ngắn hạn đã gia tăng, đã đẩy VN-Index quay đầu lùi về gần tham chiếu.

Giao dịch trở nên nhàm chán trong phiên chiều, khi VN-Index gần như chỉ giằng co ngay ở trên vùng tham chiếu với biên độ hẹp cho đến khi đóng cửa.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 1,42 triệu đơn vị, nhưng tổng giá trị là mua ròng 23,83 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 14/12: VN-Index tăng 2,98 điểm (+0,28%), lên 1.050,43 điểm; HNX-Index giảm 0,38 điểm (-0,18%), xuống 213,21 điểm; UPCoM-Index tăng 0,27 điểm (+0,37%), lên 72,11 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall tăng vào phiên ngày thứ Ba (13/12), dẫn đầu là các cổ phiếu vốn hóa lớn nhạy cảm với lãi suất, sau khi giá tiêu dùng của Mỹ tăng thấp hơn dự kiến ​​làm dấy lên hy vọng rằng Fed có thể chậm lại trong việc tăng lãi suất.

Các chỉ số chính đã tăng vọt vào đầu phiên, sau khi Bộ lao động Mỹ thông báo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 của nước này tăng 0,1% và tăng 7,1% so với cùng kỳ. Trước đó, các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones dự báo CPI tăng 0,3% so với tháng trước và 7,3% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, thị trường dần hạ nhiệt và chỉ còn tăng nhẹ do nhà đầu tư quyết định hạn chế đặt cược lớn và chờ đợi quyết định chính sách từ Fed trong cuộc họp tới đây.

Kết thúc phiên 13/12, chỉ số Dow Jones tăng 103,60 điểm (+0,30%), lên 34.108,64 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 29,09 điểm (+0,73%), lên 4.019,65 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 113,08 điểm (+1,01%), lên 11.256,81 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng theo chân Phố Wall đêm qua, khi dữ liệu lạm phát của Mỹ thấp hơn dự kiến ​​làm tăng kỳ vọng Fed có thể bớt diều hâu trong lập trường tăng lãi suất.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,72% lên 28.156,21 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,6% lên 1.977,42 điểm.

Shoichi Arisawa, Tổng giám đốc bộ phận nghiên cứu đầu tư tại IwaiCosmo Securities, cho biết: “Các nhà đầu tư cảm thấy nhẹ nhõm sau khi tốc độ lạm phát của Mỹ chậm lại. Nhưng họ vẫn thận trọng trước kết quả cuộc họp của FOMC (Ủy ban Thị trường Mở Liên bang) trong ít ngày tới, điều này có thể làm thay đổi hướng đi của thị trường”.

Các cổ phiếu lớn ngành công nghệ đã dẫn dắt chỉ số Nikkei 225, trong đó, nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip Tokyo Electron tăng 1,9% và đóng góp lớn nhất cho chỉ số. Nhà sản xuất tấm wafer Shin-Esu Chemical tăng 3,01%, trong khi nhà sản xuất máy điều hòa không khí Daikin Industries tăng 1,18%.

Toray Industries, nhà sản xuất vật liệu sợi carbon hàng đầu cho máy bay, đã tăng 6,95% khi United Airlines đặt một đơn hàng lớn với Boeing, bao gồm 100 chiếc Dreamliners.

Chứng khoán Trung Quốc tăng không đáng kể, khi giới đầu tư thận trọng trước những lo ngại tiềm ẩn về số ca nhiễm Covid-19 mới tăng cao, sau khi nước này nới lỏng các biện pháp chống dịch gắt gao.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng không đáng kể lên 3.176,53 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,23% lên 3.954,89 điểm.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm thứ Tư cho biết họ sẽ triển khai mũi tiêm nhắc lại vắc-xin COVID thứ hai cho các nhóm có nguy cơ cao và người già trên 60 tuổi. Cổ phiếu của hãng dược CanSino Biologics theo đó đã tăng tới 8,5% sau tin tức này trong khi cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông cũng tăng 7,4%.

Trung Quốc cũng thông báo, sẽ ngừng đưa báo cáo các ca nhiễm COVID không triệu chứng mới kể từ thứ Tư. Cơ quan y tế đã báo cáo 2.291 ca nhiễm COVID có triệu chứng mới vào ngày 13/12.

Các nhà phân tích của Morgan Stanley cho rằng, các ca lây nhiễm tiềm ẩn sẽ đạt đỉnh vào khoảng Tết Nguyên đán, nhưng Trung Quốc sẽ không quay trở lại các biện pháp phong tỏa.

Cổ phiếu của các nhà sản xuất chip Trung Quốc đã tăng vọt trong phiên giao dịch buổi sáng, sau khi Reuters đưa tin rằng Bắc Kinh đang thực hiện gói hỗ trợ trị giá 143 tỷ USD để hỗ trợ lĩnh vực bán dẫn của nước này, nhưng động lực giảm dần vào buổi chiều.

Chỉ số chip SSE STAR của Trung Quốc mở cửa cao hơn gần 4% nhưng kết thúc giảm 0,4%, với SMIC tăng 1,8%, trong khi Advanced Micro-Fabrication Equipment Inc China tăng 2,7%.

Chứng khoán Hồng Kông nhích lên, với tâm điểm vẫn là nhóm cổ phiếu công nghệ, nhờ trợ lực từ phố Wall đêm qua.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,39% lên 19.673,45 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,71% lên 6.702,36 điểm.

Các gã khổng lồ công nghệ niêm yết tại Hồng Kông tăng 0,3%, với Meituan và Tencent cùng tăng 2,1%.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng hơn 1%, tham gia vào đợt tăng giá toàn cầu của khi dữ liệu lạm phát của Mỹ thấp hơn dự báo, giúp tăng khả năng Fed sẽ chậm lại trong con đường tăng lãi suất.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 26,85 điểm, tương đương 1,13% lên 2.399,25 điểm.

Phiên này, cổ phiếu của gã khổng lồ công nghệ Samsung Electronics tăng 1,34%, nhưng SK Hynix mất 0,61%. Nhà sản xuất pin LG Energy Solution nâng cao 0,40%.

Các nhà sản xuất ô tô Hyundai Motor và Kia Corp đều tăng hơn 2%. Cổ phiếu nền tảng Naver và Kakao lần lượt tăng 0,26% và 0,86%.

Kết thúc phiên 14/12: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 201,36 điểm (+0,72%), lên 28.156,21 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 0,2 điểm (+0,00%), lên 3.176,53 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 77,25 điểm (+0,39%), lên 19.673,45 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 26,85 điểm (+1,13%), lên 2.399,25 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Áp lực thanh khoản, ngân hàng “phòng thủ”

Trái ngược với tăng trưởng tín dụng cao, tăng trưởng tiền gửi vẫn ở mức thấp từ đầu năm trong bối cảnh khan tiền, buộc các ngân hàng phải chuyển sang trạng thái phòng thủ…>> Chi tiết

- Hồi hộp sóng chốt NAV

Cuối năm là thời điểm các tổ chức đầu tư chốt số liệu giá trị tài sản ròng (NAV), nhiều nhà đầu tư kỳ vọng áp lực có số liệu đẹp của các quỹ là lực đẩy cổ phiếu trong tháng 12.>> Chi tiết

- “Dò sóng” kênh đầu tư lên ngôi trong năm 2023

Kênh đầu tư nào sẽ lên ngôi năm 2023 đang là câu hỏi của rất nhiều nhà đầu tư..>> Chi tiết

- ADB: Kinh tế châu Á đang phát triển và Thái Bình Dương tăng trưởng 4,2% trong năm nay và 4,6% vào năm 2023

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế đối với khu vực châu Á đang phát triển và Thái Bình Dương trong bối cảnh triển vọng toàn cầu đang xấu đi..>> Chi tiết

Tin bài liên quan