Thị trường tài chính 24h: Nhà đầu tư đang chờ đợi sự ổn định của dòng tiền

Thị trường tài chính 24h: Nhà đầu tư đang chờ đợi sự ổn định của dòng tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index đảo chiều tăng điểm; Lãi suất tiền gửi đi lên; Tìm cơ hội trong tháng 6; Trái phiếu địa ốc, chọn mặt gửi vàng; Khơi lại dòng tiền; Nguyên nhân khiến giá dầu trên thị trường thế giới 'neo' ở mức cao…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 7/6 giảm 50.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều này, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tăng 150.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 68,70 – 69,62 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 9,9 USD xuống mức 1.841,4 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hồi phục dần và lên trên 1.845 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 102,68 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 7/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.057 đồng/USD, giảm 5 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.045 – 23.325 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm về 31.200 USD, thì sang phiên hôm nay đã có nhịp giảm khá mạnh về gần 29.300 USD, trước khi nảy nhẹ thêm đôi chút vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,23 USD (-0,23%), xuống 118,23 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,33 USD (-0,28%), xuống 119,18 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index đảo chiều tăng điểm

Mở cửa phiên, sắc đỏ đã mở rộng, VN-Index lao nhanh về đường MA20 (quanh 1.260 điểm). Lúc này, cầu bắt đáy bắt đầu hoạt động, chặn đà rơi của thị trường, kéo VN-Index trở lại trên ngưỡng 1.270 điểm.

Bước vào phiên chiều, lực cầu gia tăng ở nhiều nhóm, đặc biệt là sự khởi sắc của nhóm dầu khí, điện, bảo hiểm, kéo VN-Index quay đầu, đóng cửa tăng điểm dù chỉ là xanh nhạt.

Đáng chú ý nhất phiên này là POW, khi giữ vững sắc tím, thanh khoản tăng đột biến với hơn 38 triệu đơn vị, dẫn đầu toàn thị trường và còn dư mua trần tới gần 17 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu ngành điện và xăng dầu khí đốt nổi lên như là điểm sáng, mà đầu tàu là POW, kế đến là NT2, GEG, GAS, CNG, PPC, PLX…

Ở chiều ngược lại, một loạt mã giảm sàn trong phiên như DXG, FLC, AMD, ROS, DRH, QBS, HAI…

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 9,04 triệu đơn vị, với tổng giá trị mua ròng 250,14 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 7/6: VN-Index tăng 1,34 điểm (+0,1%), lên 1.291,35 điểm; HNX-Index giảm 2,26 điểm (-0,87%), xuống 304,15 điểm;UPCoM-Index giảm 0,2 điểm (-0,22%), xuống 93,69 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ tăng nhẹ trong phiên ngày thứ Hai (6/6), khi đà tăng của cổ phiếu Amazon đã bù đắp cho những lo ngại về lạm phát trên thị trường.

Phiên này, cổ phiếu của Amazon.com tăng 2% và đóng góp tích cực lớn nhất đối với S&P 500 và Nasdaq sau khi nhà bán lẻ trực tuyến này chia cổ tức theo tỷ lệ 20:1.

Dù vậy, thị trường giao dịch vẫn rất thận trọng khi nhà đầu tư đang đối mặt với những lo ngại rằng Fed có thể nâng lãi suất quá nhanh và quá mạnh, gây ra suy thoái nền kinh tế, khi những tuyên bố gần đây từ các thành viên Fed về việc nâng lãi suất thêm 50 điểm (tương đương 0,5% có thể xảy ra tại cuộc họp tháng 6 và tháng 7.

Kết thúc phiên 6/6, chỉ số Dow Jones tăng 16,08 điểm (+0,05%), lên 32.915,78 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 12,89 điểm (+0,31%), lên 4.121,43 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 48,64 điểm (+0,40%), lên 12.061,37 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng nhẹ, khi đà đi lên của nhóm cổ phiếu các nhà sản xuất ô tô đã bù đắp cho nhóm cổ phiếu chip.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,1% lên 27.943,95 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,41% lên 1.947,03 điểm.

Cổ phiếu các nhà sản xuất ô tô tăng sau khi đồng USD tăng so với đồng yên, với Mazda Motor tăng 4,17%, Honda Motor tăng 2,52% và Toyota Motor tăng 1,27%.

Dù vậy, các cổ phiếu liên quan đến chip hạng nặng đã đè nặng lên chỉ số Nikkei 225, với Tokyo Electron mất 2,11% và Advantest trượt 2,51%.

Chứng khoán Trung Quốc tăng nhẹ, nhờ nhóm cổ phiếu tiêu dùng với hy vọng nhu cầu phục hồi khi Bắc Kinh nới lỏng hơn nữa các biện pháp chống dịch Covid-19, trong khi các nhà đầu tư cũng chốt lời ở một số cổ phiếu đã tăng mạnh trong những phiên gần đây.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,17% lên 3.241,76 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip tăng 0,31% lên 4.179,13 điểm.

Trong một dấu hiệu mới nhất về việc nới lỏng các biện pháp phong tỏa ở thủ đô Bắc Kinh, khu nghỉ dưỡng Universal Beijing Resort cho biết sẽ mở cửa trở lại vào ngày 15/6 sau khi đóng cửa hơn một tháng để tuân thủ các biện pháp ngăn chặn Covid-19 của Trung Quốc.

Sự tập trung của các nhà đầu tư sẽ chuyển sang các yếu tố cơ bản và thị trường dự kiến ​​sẽ chứng kiến ​​hiệu suất giới hạn sau một đợt phục hồi gần đây, các nhà phân tích tại Bosera Asset Management Co nhận định.

Cổ phiếu ngành chăm sóc sức khỏe tăng 2,1%, trong khi các mặt hàng tiêu dùng cơ bản và bất động sản đều tăng hơn 1,4%.

Chứng khoán Hồng Kông giảm điểm do lo lắng về lạm phát và lãi suất tăng đã làm lu mờ một báo cáo cho thấy các quy định khắt khe với ngành công nghệ của Trung Quốc có thể sắp kết thúc.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,56% xuống 21.531,67 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,43% xuống 7.467,87 điểm.

Trong một tín hiệu mới nhất cho thấy việc Trung Quốc hứa hẹn giảm bớt áp lực lên lĩnh vực internet, sau khi các nhà quản lý đang kết luận điều tra đối với gã khổng lồ gọi xe Didi và hai công ty khác và đang chuẩn bị cho phép ứng dụng của họ trở lại trên các cửa hàng ứng dụng trong nước như đầu tuần này, Wall Street Journal đã đưa tin vào hôm thứ Hai.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, lo lắng về lạm phát dai dẳng và thắt chặt chính sách đã nâng lợi suất kho bạc nước này lên mức cao nhất trong hơn 8 năm.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 44,31 điểm, tương đương 1,66% xuống 2.626,34 điểm.

Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Hàn Quốc tăng hơn 13 điểm cơ bản lên 3,534%, mức cao nhất kể từ tháng 4/2014.

Phiên này, các cổ phiếu lớn như gã công nghệ khổng lồ Samsung Electronics giảm 1,95%, SK Hynix giảm 2,80% và nhà sản xuất pin LG Energy Solution giảm 1,26%.

Kết thúc phiên 7/6: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 28,06 điểm (+0,10%), lên 27.943,95 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 5,39 điểm (+0,17%), lên 3.241,76 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 122,23 điểm (-0,56%), xuống 21.531,67 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 44,31 điểm (-1,66%), xuống 2.626,34 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Lãi suất tiền gửi đi lên

Trong bối cảnh nhu cầu tín dụng phục hồi, lãi suất huy động có xu hướng đi lên và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới..>> Chi tiết

- Tìm cơ hội trong tháng 6

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc Sở Giao dịch 1, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, cổ phiếu ngành bán lẻ và nhóm cổ phiếu có tính phòng thủ đang có nhiều lợi thế hơn ở thời điểm hiện tại..>> Chi tiết

- Trái phiếu địa ốc, chọn mặt gửi vàng

Thông điệp chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp từ Chính phủ cho thấy, nhà đầu tư cần thận trọng để không bị nhầm lẫn giữa thau và vàng..>> Chi tiết

- Khơi lại dòng tiền

TTCK đang nghe ngóng những tín hiệu từ Ngân hàng Nhà nước trong việc cấp thêm room tín dụng cho các ngân hàng thương mại để có thể vững tâm về sự ổn định của dòng tiền..>> Chi tiết

- Nguyên nhân khiến giá dầu trên thị trường thế giới 'neo' ở mức cao

Theo chuyên gia, nếu nhu cầu của Trung Quốc tăng mạnh sau phong tỏa và sản lượng dầu của Nga tiếp tục giảm, việc giá dầu tăng lên lại mốc 139 USD/thùng ghi nhận được hồi đầu năm nay là có khả năng..>> Chi tiết

Tin bài liên quan