Thị trường tài chính 24h: Thanh khoản chứng khoán tăng vọt

Thị trường tài chính 24h: Thanh khoản chứng khoán tăng vọt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index thu hẹp đáng kể đà lao dốc; Loay hoay giải ngân gói hỗ trợ; Cổ phiếu thép: Sóng hồi mong manh; T+2 kích dòng tiền; Chuyên gia SSI: muốn VN-index đi lên 1.500 điểm, nhất định phải là ngành ngân hàng dẫn dắt; EU sẽ phải chịu “suy thoái kỹ thuật”… là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay 29/8 giảm 150.000 đồng/lượng so với ngày cuối tuần trước, giá vàng SJC tại Hà Nội vào cuối ngày hôm nay đã giảm thêm 100.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 65,75 – 66,57 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần tại Mỹ giảm 19,8 USD xuống mức 1.739,1 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm tiếp về 1.720 USD và hồi phục lên gần 1.730 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 108,87 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 29/8 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.211 đồng/USD, giảm 1 đồng so với cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.270 – 23.550 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm về 19.600 USD, thì sang phiên hôm nay đã nhích nhẹ lên 19.800 USD/BTC và giằng co nhẹ quanh ngưỡng này cho đến cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,55 USD (+0,59%), lên 93,61 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,43 USD (+0,43%), lên 101,25 USD/thùng.

VN-Index hãm đà rơi, thanh khoản tăng vọt

Chịu ảnh hưởng từ bên ngoài, thị trường chìm trong sắc đỏ ngay khi mở cửa, áp lực bán gia tăng có thời điểm khiến VN-Index có thời điểm thủng mốc 1.250 điểm và bốc hơi hơn 30 điểm.

Bước sang phiên chiều, VN-Index một lần nữa test lại vùng giá 1.250 điểm nhưng diễn biến nhanh chóng đảo ngược sau đó nhờ lực cầu bắt đáy hoạt động mạnh giúp VN-Index bật hồi hơn 20 điểm và giành lại mốc 1.270 điểm khi đóng cửa.

Thị trường có thêm tín hiệu tích cực nữa là thanh khoản lần đầu tiên vượt mức 20.000 tỷ đồng trong hơn 3 tháng qua. Đây là tín hiệu khả quan giúp nhà đầu tư kỳ vọng phiên điều chỉnh hôm nay chỉ là mang tính chất kỹ thuật do ảnh hưởng tâm lý từ bên ngoài.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 19,11 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 375,23 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 29/8: VN-Index giảm 11,77 điểm (-0,92%), xuống 1.270,8 điểm; HNX-Index giảm 3,96 điểm (-1,32%), xuống 295,54 điểm; UPCoM-Index giảm 1,31 điểm (-1,41%), xuống 91,57 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall bị bán tháo trong phiên ngày thứ Sáu (26/8), khi mà Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell phát tín hiệu rằng ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Tại hội nghị thường niên tại Jackson Hole, Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell đã có bài phát biểu quan trọng và nhấn mạnh rằng, nền kinh tế Mỹ sẽ cần chính sách thắt chặt tiền tệ "trong một thời gian" trước khi lạm phát được kiểm soát. Điều đó có nghĩa là tăng trưởng kinh tế chậm lại, thị trường việc làm yếu đi và là "một nỗi đau" đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Trong tuần, Dow Jones mất 4,2%, S&P 500 giảm 4% và Nasdaq Composite giảm 4,4%.

Kết thúc phiên 25/8, chỉ số Dow Jones giảm 1.008,38 điểm (-3,03%), xuống 32.283,40 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 141,46 điểm (-3,37%), xuống 4.057,66 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 497,56 điểm (-3,94%), xuống 12.141,71 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản lao dốc, do chịu tác động của phiên cuối tuần qua trên phố Wall, sau khi Chủ tịch Fed cho biết chính sách tiền tệ thắt chặt của Mỹ sẽ cần thiết trong một thời gian để chế ngự lạm phát.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 2,66% xuống 27.878,96 điểm. Chỉ số Topix giảm 1,79% xuống 1.944.10 điểm.

Phiên này, cổ phiếu của Fast Retailing là lực cản lớn nhất đối với Nikkei 225 khi giảm 2,8%.

Các cổ phiếu lớn khác như Tokyo Electron giảm 5,1%, Peer Adgantest mất 4,19%, Softbank Group giảm 3,66%.

Một số cổ phiếu ô tô nằm trong số những mã tăng điểm, khi đồng yên trượt xuống mức thấp hơn một tháng so với đồng USD, với ISUZU tăng 2,24%, Mazda tăng thêm 0,99%và Subaru tăng 0,78%.

Chỉ số bluechip của Trung Quốc sụt giảm, theo chân đà sự sụt giảm trên thị trường toàn cầu, sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell báo hiệu tiếp tục một lộ trình tăng lãi suất mạnh mẽ, trong khi những lo ngại về kinh tế trong nước cũng đè nặng lên tâm lý thị trường.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,14% lên 3.240,73 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,44% xuống 4.089,52 điểm.

Dữ liệu mới cho thấy, lợi nhuận tại các công ty công nghiệp của Trung Quốc sụt giảm trong tháng 7, đảo ngược mức tăng trong tháng trước đó, khi dịch Covid-19 làm sụt giảm nhu cầu, trong khi tình trạng thiếu điện do sóng nhiệt đe dọa lĩnh vực sản xuất.

Phiên này cổ phiếu các nhà phát triển bất động sản giảm 0,8%, hàng tiêu dùng giảm 1% và ngân hàng giảm 1,2%.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, cũng bởi ảnh hưởng từ phát biểu của Chủ tịch Fed và giới đầu tư thận trọng về thỏa thuận kiểm toán giữa Đại lục và Mỹ.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,73% xuống 20.023,22 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,7% xuống 6.872,26 điểm.

Bắc Kinh và Washington đã thực hiện một bước quan trọng vào thứ Sáu nhằm chấm dứt một cuộc tranh chấp có nguy cơ khiến các công ty Trung Quốc rời khỏi sàn chứng khoán Mỹ.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cảnh báo đây chỉ là bước đầu tiên và quan điểm của họ về sự tuân thủ của Trung Quốc sẽ được quyết định, sau khi có thể tiến hành các cuộc thanh tra của mình mà không bị cản trở như thỏa thuận hứa hẹn hay không.

Chứng khoán Hàn Quốc đã giảm hơn 2%, cũng ảnh hưởng sau những phát biểu của Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell về việc tiếp tục thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 54,14 điểm, tương đương 2,18% xuống 2.426,89 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 27/7.

Trong số các cổ phiếu lớn, gã khổng lồ Samsung Electronics giảm 2,33%, SK Hynix mất 2,73% và nhà sản xuất pin của LG giảm 1,29%. Các cổ phiếu Internet như Naver và Kakao giảm lần lượt 3,31% và 5%.

Kết thúc phiên 29/8: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 762,42 điểm (-2,66%), xuống 27.878,96 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 4,50 điểm (+0,14%), lên 3.240,73 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 146,82 điểm (-0,73%), xuống 20.023,22 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 54,14 điểm (-2,18%), xuống 2.426,89 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Loay hoay giải ngân gói hỗ trợ

Nhiều ngân hàng đăng ký khối lượng cho vay theo chương trình hỗ trợ lãi suất 2% rất lớn, vượt cả kỳ vọng của Ngân hàng Nhà nước, nhưng lại đang loay hoay không biết triển khai ra sao..>> Chi tiết

- Cổ phiếu thép: Sóng hồi mong manh

Nhiều cổ phiếu thép có mức tăng giá vượt trội so với thị trường chung trong đợt hồi phục 2 tháng qua, dù giá thép liên tục giảm và kết quả kinh doanh dự kiến tiếp tục lao dốc..>> Chi tiết

- T+2 kích dòng tiền

Về mặt thanh toán, cơ chế giao dịch T+2 mà thị trường chứng khoán Việt Nam áp dụng từ ngày 29/8/2022 tương đương mô hình thanh toán của các thị trường tiên tiến trên thế giới..>> Chi tiết

- Chuyên gia SSI: muốn VN-index đi lên 1.500 điểm, nhất định phải là ngành ngân hàng dẫn dắt

Các nhà đầu tư nước ngoài, sau khi tin vào câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam, thì chỉ nhìn vào đúng 2 ngành đó là tiêu dùng và tài chính, và họ hành động đúng như vậy trong suốt nhiều năm qua..>> Chi tiết

- EU sẽ phải chịu “suy thoái kỹ thuật” do nguồn cung năng lượng bị siết chặt

Theo UBS, châu Âu đang đối mặt với một cuộc suy thoái kinh tế nông khi giá năng lượng leo thang, nhưng mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn trong trường hợp bắt buộc phải phân bổ khí đốt tự nhiên..>> Chi tiết

Tin bài liên quan