Loay hoay giải ngân gói hỗ trợ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều ngân hàng đăng ký khối lượng cho vay theo chương trình hỗ trợ lãi suất 2% rất lớn, vượt cả kỳ vọng của Ngân hàng Nhà nước, nhưng lại đang loay hoay không biết triển khai ra sao.
Nhiều ngân hàng sử dụng gần hết hạn mức tăng trưởng tín dụng nên chậm giải ngân gói hỗ trợ lãi suất.

Nhiều ngân hàng sử dụng gần hết hạn mức tăng trưởng tín dụng nên chậm giải ngân gói hỗ trợ lãi suất.

Giải ngân rất chậm

Về giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, theo báo cáo nhanh từ các ngân hàng thương mại, doanh số cho vay đến thời điểm này mới chỉ đạt gần 4.100 tỷ đồng cho gần 550 khách hàng, số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng hơn 1 tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất là 3.966 tỷ đồng. Các ngân hàng đã và đang rà soát danh mục khách hàng đáp ứng đủ điều kiện, đẩy mạnh công tác hướng dẫn khách hàng hoàn thiện thủ tục hỗ trợ lãi suất.

Sau gần 3 tháng triển khai, kết quả cho vay hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng thương mại như trên là rất thấp. Ghi nhận sơ bộ từ báo cáo của các ngân hàng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới chính sách này chậm được triển khai.

Liên quan đến khách hàng vay, một số ngân hàng đã chủ động liên hệ, hướng dẫn khách hàng làm thủ tục, hồ sơ hỗ trợ, song không ít khách hàng (nhất là doanh nghiệp) có tâm lý e ngại trong trường hợp tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất sẽ phải làm việc với đoàn thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình sản xuất - kinh doanh vay vốn tại các ngân hàng thương mại, nhưng không có đăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất. Với các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ, Bộ Xây dựng đã công bố 4 dự án đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất 2%, với tổng nhu cầu 1.751 tỷ đồng, nhưng hiện chưa phát sinh dư nợ đối với chủ đầu tư các dự án này, do số lượng dự án còn ít và mới được công bố.

Về phía ngân hàng thương mại, một số nhà băng cũng có tâm lý e ngại khi giải ngân do một số chương trình hỗ trợ lãi suất trước đây chưa được quyết toán số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng. Bên cạnh đó, các ngân hàng phải mất nhiều thời gian chuẩn bị, xây dựng hệ thống tự động để theo dõi, hạch toán, quản lý dữ liệu báo cáo nhằm đảm bảo tính chính xác của dữ liệu trong công tác thanh, quyết toán, kiểm toán khi tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước. Ngoài ra, nhiều ngân hàng đã sử dụng hết hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng nên khó có thể đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói hỗ trợ lãi suất.

Gói hỗ trợ lãi suất 2% được ngành ngân hàng triển khai từ 3 tháng trước, nhưng việc giải ngân rất nhỏ giọt vì nhiều nguyên nhân.

Trước tình trạng trên, ông Tú cho hay, Ngân hàng Nhà nước căn cứ thực tế triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục đôn đốc các ngân hàng thương mại triển khai; rà soát, phối hợp xử lý các vướng mắc phát sinh để tăng tiến độ giải ngân.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM chia sẻ, cơ quan này đã có văn bản gửi tổng giám đốc các ngân hàng thương mại trên địa bàn về việc tăng cường cho vay hỗ trợ lãi suất 2%. Trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tập trung triển khai các chương trình tín dụng, chương trình hỗ trợ lãi suất 2% cho các doanh nghiệp.

Trước đó, tại hội nghị “Kết nối các ngân hàng thương mại với doanh nghiệp du lịch trên địa bàn TP.HCM năm 2022” tổ chức ngày 18/8/2022, có 10 ngân hàng tham gia ký kết cho vay hỗ trợ lãi suất 2% cho 10 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng, lữ hành..., với tổng dư nợ 634,6 tỷ đồng.

Không dễ đẩy nhanh

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM, kể từ cuối tháng 6/2022 đến nay, việc tiếp cận các khoản vay ngân hàng gặp khó khăn, do hầu hết ngân hàng đều thông báo không còn room tín dụng, phải chờ tới khi được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm. Việc tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% còn khó khăn hơn, dù doanh nghiệp thuộc đối tượng hỗ trợ, bởi không đủ điều kiện về dòng tiền, tài sản thế chấp…

Theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần, hiện nay, room tín dụng hạn chế buộc các ngân hàng phải “co kéo” trong cho vay. Thậm chí, có nhà băng áp dụng hình thức đấu giá lãi suất giữa các chi nhánh và nơi nào cho vay với lãi suất cao hơn sẽ được ưu tiên sử dụng dư địa còn lại. Do đó, kỳ vọng đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% trong bối cảnh room tín dụng cạn kiệt và chưa được cấp mới là không khả thi.

Đó là chưa kể, điều kiện tín dụng để cho vay được đánh giá là khắt khe, bao gồm phải có tài sản thế chấp, nhằm kiểm soát rủi ro nợ xấu, nhưng sau dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng có nợ xấu, hoặc hết tài sản đảm bảo, hoặc khả năng trả nợ bấp bênh, tức không đáp ứng được điều kiện vay vốn.

Ngày 16/8/2022, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN.

Trong đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng triển khai cho vay, giải ngân kịp thời, hiệu quả nguồn kinh phí được giao từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các khách hàng vay thuộc đối tượng theo các điều kiện được hỗ trợ lãi suất theo quy định.

Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều ngân hàng cho rằng, phải đợi đến khi được cấp thêm room tín dụng thì mới có thêm dư địa cho vay và đẩy mạnh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính, nếu tiến hành nhanh ngay từ đầu năm 2022 thì hiệu ứng của việc giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% sẽ tốt hơn, bởi thời điểm đó, room tín dụng còn nhiều. Hiện tại, chỉ còn hơn một quý nữa là hết năm, mà room tín dụng còn lại rất ít, nên các ngân hàng gần như loay hoay không biết thực thi ra sao, dù trước đó đăng ký khối lượng cho vay theo chương trình này rất lớn, vượt mong đợi của Ngân hàng Nhà nước.

TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM nhận xét, các gói cho vay hỗ trợ lãi suất từ trước đến nay có quy mô lớn, song tỷ lệ giải ngân thấp là do các nhà băng không mặn mà với những gói cho vay này, mà thường ưu tiên cho vay thương mại. Với gói hỗ trợ lãi suất 2% hiện nay, dư nợ và lãi suất được hỗ trợ sau 3 tháng triển khai ở mức rất thấp. Đặc biệt, nếu ngân hàng không chặt chẽ trong khâu lựa chọn đối tượng khách hàng thì sẽ để lại hệ quả xấu và khó có thể nhận lại được số tiền hỗ trợ từ ngân sách. Rút kinh nghiệm từ lần triển khai năm 2009, gói hỗ trợ lần này được các ngân hàng triển khai trên nền tảng kiểm soát chặt chẽ các điều kiện cho vay và không tạo ra một khoảng chênh lệch lớn giữa lãi suất chính thức với lãi suất được hỗ trợ trực tiếp.

Tin bài liên quan