Thị trường tài chính 24h: Tránh “bỏng tay” khi đầu tư nhóm cổ phiếu nhỏ

Thị trường tài chính 24h: Tránh “bỏng tay” khi đầu tư nhóm cổ phiếu nhỏ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index tăng hơn 10 điểm; "Tại nhiều doanh nghiệp, đứng đằng sau đại gia đều có một ngân hàng"; Cổ phiếu có thị giá dưới mệnh giá hút dòng tiền; Thị trường chứng khoán: Kỳ vọng tháng 6 sôi động; Kinh tế Mỹ vẫn chưa xuất hiện dấu hiệu của suy thoái... là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 6/6 giảm 50.000 đồng/lượng so cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày đã giảm 100.000 đồng/lượng và hiện đứng ở mức 66,40 – 67,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 14,2 USD lên 1.961,7 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng chững lại và giằng co nhẹ quanh ngưỡng này cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 103,13 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 6/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.720 đồng/USD, tăng 27 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.230 – 23.660 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm mạnh về 25.700 USD, thì sang phiên hôm nay đã ngừng rơi và đi ngang quanh ngưỡng trên cho đến cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,24 USD (-1,72%), xuống 70,91 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 1,25 USD (-1,63%), xuống 75,46 USD/thùng.

VN-Index tăng hơn 10 điểm

Sau phiên sáng có phần ảm đạm, thị trường bước vào phiên chiếu với lực bán có phần gia tăng, đẩy VN-Index về gần tham chiếu.

Tuy nhiên, dòng tiền đã nhập cuộc tự tin hơn từ đây giúp bảng điện tử khởi sắc với sắc xanh chiếm ưu thế, trong khi đó, các trụ cột của phiên sáng như cặp đôi VHM-VIC nới đà tăng đôi chút, cộng thêm nhóm cổ phiếu ngân hàng bật dậy, với cổ phiếu lớn VCB đảo chiều tăng đã thúc đẩy VN-Index tiến lên 1.105 điểm và tiếp tục nhích lên đôi chút trong phiên ATC.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 6,04 triệu đơn vị, giá trị mua ròng 24,69 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 6/6: VN-Index tăng 10,49 điểm (+0,96%), lên 1.108,31 điểm; HNX-Index tăng 2,16 điểm (+0,95%), lên 228,72 điểm; UpCoM-Index tăng 0,33 điểm (+0,39%), lên 84,43 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall giảm điểm trong phiên thứ Hai (5/6) do hoạt động chốt lời nhẹ xuất hiện, sau khi các chỉ số thiết lập mức trong tháng trong tuần trước nhờ thỏa thuận về trần nợ giúp nước Mỹ tránh được nguy cơ vỡ nợ.

Củng cố kỳ vọng Fed có thể tạm dừng tăng lãi suất, một cuộc khảo sát từ Viện Quản lý cung ứng cho thấy lĩnh vực dịch vụ của Mỹ hầu như không tăng trưởng trong tháng 5, do các đơn đặt hàng mới chậm lại, giúp chi phí đầu vào mà các doanh nghiệp phải trả xuống mức thấp nhất trong ba năm và điều này có thể hỗ trợ cuộc chiến chống lạm phát của Fed.

Kết thúc phiên 5/6, chỉ số Dow Jones giảm 199,90 điểm (-0,59%), xuống 33.562,86 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 8,58 điểm (-0,20%), xuống 4.237,79 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 11,34 điểm (-0,08%), xuống 13.229,43 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tiếp tục đi lên với cổ phiếu của Fast Retailing dẫn đầu mức tăng.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,9% lên 32.506,78. Chỉ số Topix tăng 0,74% lên 2.236,28 điểm.

Phiên này, cổ phiếu của Fast Retailing tăng 1,73%, đóng góp nhiều nhất vào đà tăng của Nikkei 225, trong khi công ty thương mại Mitsui &Co tăng 3,86%.

Chỉ số Nikkei đã tăng 15% trong ba tháng qua, vượt xa các chỉ số chính trên toàn cầu. Chỉ chỉ báo kỹ thuật RSI 14 ngày đã đứng ở mức 79 điểm (trên mốc 70 điểm cho thấy thị trường quá nóng).

Chứng khoán Trung Quốc giảm, nhưng các cổ phiếu bất động sản tăng vọt nhờ hy vọng rằng Bắc Kinh sẽ sớm đưa ra các biện pháp hỗ trợ nhiều hơn để thúc đẩy lĩnh vực đang gặp khó khăn.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 1,15% xuống 3.195,34 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,94% xuống 3.808,16 điểm.

Từng là một trụ cột của tăng trưởng kinh tế, lĩnh vực bất động sản này đã suy yếu kể từ tháng Tư sau một đợt phục hồi ngắn ngủi, khi triển vọng kinh tế ảm đạm lớn hơn tác động của các biện pháp chính sách được đưa ra vào cuối năm ngoái.

Thời báo Kinh tế Trung Quốc được nhà nước hậu thuẫn kêu gọi điều chỉnh hạn chế mua nhà ở các thành phố lớn, trích dẫn ý kiến của ngành rằng bước này sẽ giúp giải phóng hàng tồn kho ở các quận không cốt lõi, trong khi không làm tăng giá ở các khu vực cốt lõi.

Trong khi các nhà đầu tư hoan nghênh bất kỳ bước đi nào để hỗ trợ lĩnh vực bất động sản, một số nhà phân tích đã hoài nghi về tác động thực sự, vì niềm tin của người mua nhà và người tiêu dùng vẫn còn yếu.

Sự sụt giảm mạnh trong lĩnh vực này năm ngoái đã chứng kiến các nhà phát triển vỡ nợ hoặc trái phiếu và đình chỉ xây dựng các dự án nhà ở đã bán trước.

Để thúc đẩy nhu cầu, chính quyền địa phương đã đưa ra hàng trăm chính sách kể từ năm ngoái và các nhà hoạch định chính sách trung ương đã thực hiện các bước mở rộng trong nửa cuối năm để tăng thanh khoản và ổn định thị trường bất động sản.

Chứng khoán Hồng Kông giảm nhẹ, khi đà tăng của các nhà phát triển bất động sản đã bù đắp gần như đủ cho đà đi xuống của các cổ phiếu công nghệ.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,04% xuống 19.099,28 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,24% lên 6.479,64 điểm.

Cổ phiếu nhà phát triển bất động sản như Longfor Group tăng 7,8%, Country Garden tăng 6,2% và China Resources Land tăng 4,6%.

Trong khi nhóm cổ phiếu công nghệ với Tencent Holdings giảm 2,1%, Lenovo Group mất 1,9%.

Chứng khoán Hàn Quốc nghỉ giao dịch ngày Tưởng niệm.

Kết thúc phiên 6/6: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 289,35 điểm (+0,90%), lên 32.506,78 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 37,10 điểm (-1,15%), xuống 3.195,34 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 9,22 điểm (-0,04%), xuống 19.099,28 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- "Tại nhiều doanh nghiệp, đứng đằng sau đại gia đều có một ngân hàng"

Đây là nhận định của đại biểu Quốc hội Đặng Ngọc Huy (đoàn Quảng Ngãi) khi thảo luận tại tổ chiều 5/6 bàn về xây dựng dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)..>> Chi tiết

- Cổ phiếu có thị giá dưới mệnh giá hút dòng tiền

Ông Nguyễn Tuấn Anh, người sáng lập Finpeace nhận định, hiện thị trường chưa xuất hiện dấu hiệu cho thấy xu hướng tăng của nhóm cổ phiếu nhỏ kết thúc trong ngắn hạn. Tuy vậy, trong góc nhìn dài hạn hơn, ông Tuấn Anh cảnh báo: “Cuộc vui nào cũng đến lúc tàn, nhưng lúc tàn cuộc của cổ phiếu nhỏ thường rất nguy hiểm”..>> Chi tiết

- Thị trường chứng khoán: Kỳ vọng tháng 6 sôi động

Phiên giao dịch cuối tuần qua, chỉ số VN-Index thành công phá ngưỡng cản 1.080 điểm, với thanh khoản cải thiện rõ rệt, dấy lên kỳ vọng vào một tháng 6 sôi động của thị trường chứng khoán..>> Chi tiết

- Kinh tế Mỹ vẫn chưa xuất hiện dấu hiệu của suy thoái

Nền kinh tế Mỹ vẫn kiên cường chống chịu tác động từ hàng loạt đợt tăng lãi suất nhờ tình trạng khan hiếm lao động và lượng tiền tích luỹ của người tiêu dùng trong thời kỳ Covid..>> Chi tiết

Tin bài liên quan