Đại biểu Đặng Ngọc Huy, đoàn Quảng Ngãi, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Ngãi (Ảnh: M.Minh)

Đại biểu Đặng Ngọc Huy, đoàn Quảng Ngãi, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Ngãi (Ảnh: M.Minh)

"Tại nhiều doanh nghiệp, đứng đằng sau đại gia đều có một ngân hàng"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đây là nhận định của đại biểu Quốc hội Đặng Ngọc Huy (đoàn Quảng Ngãi) khi thảo luận tại tổ chiều 5/6 bàn về xây dựng dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Tại thảo luận tổ về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chiều 5/6, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần có quy định chặt chẽ để xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo của ngân hàng, tránh rủi ro tiềm ẩn cho toàn hệ thống.

Đại biểu Đặng Ngọc Huy (đoàn Quảng Ngãi) cho rằng, hiện nay tình trạng sở hữu chéo tại các ngân hàng chưa được giải quyết dứt điểm, nhưng dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chưa đề ra được quy định phòng ngừa.

“Tôi thấy ngoài câu chuyện của SCB hay Vạn Thịnh Phát, tại nhiều doanh nghiệp, đứng sau đại gia đều có một ngân hàng”, ông Huy nói và nhấn mạnh, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chưa đề ra được quy định phòng ngừa sở hữu chéo tại các ngân hàng.

Bên cạnh đó, đại biểu đoàn Quảng Ngãi cho rằng, việc một số ngân hàng đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, trong đó có ba ngân hàng 0 đồng, hai ngân hàng yếu kém, nhưng xử lý chậm trễ.

"Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chưa đề ra được quy định phòng ngừa sở hữu chéo tại các ngân hàng".

Đại biểu Đặng Ngọc Huy (đoàn Quảng Ngãi)

Cụ thể, ba ngân hàng 0 đồng đã đưa ra phương án chuyển giao, có ngân hàng sẵn sàng đứng ra nhận nhưng quá trình chuyển giao rất chậm.

Nêu bài học thực tế từ một số ngân hàng của Mỹ, Thụy Sĩ: khi khó khăn họ cho phá sản hoặc sáp nhập, chứ Nhà nước không can thiệp, vị đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, đối với ngân hàng thuộc diện theo dõi, kiểm soát đặc biệt thì áp dụng thông lệ quốc tế là cho phá sản, tránh sự can dự sâu của Nhà nước

Cũng bàn về sở hữu chéo ngân hàng, Đại biểu Nguyễn Hải Nam (đoàn Thừa Thiên – Huế) cho rằng, ngành ngân hàng là doanh nghiệp đặc biệt, phải đáp ứng những nguyên tắc quản trị bậc cao, hiện đại như nguyên tắc công khai minh bạch, độc lập khách quan...

Ông Nam nói rằng, so với Luật hiện hành, dự thảo Luật đã thể hiện sự nỗ lực lớn của cơ quan soạn thảo trong hạn chế quyền lực của cổ đông lớn trong ngân hàng.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Nam (đoàn Thừa Thiên - Huế) phát biểu chiều 5/6.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Nam (đoàn Thừa Thiên - Huế) phát biểu chiều 5/6.

Theo đó, dự thảo Luật đã điều chỉnh tỉ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là cá nhân, cổ đông là tổ chức, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó tương ứng, từ không được vượt quá 5%, 15%, 20% xuống còn 3%, 10% và 15%.

“Việc điều chỉnh này nhằm giảm sự chi phối của các cổ đông lớn trong hoạt động ngân hàng để hạn chế việc các cổ đông lớn thường ngầm liên kết, chi phối hoạt động ngân hàng, nếu dùng ngôn ngữ mạnh hơn thì đó là hành vi thao túng”, ông Nam nêu quan điểm.

Ngoài ra, theo ông Nam, còn xuất hiện tình trạng sở hữu chéo giữa ngân hàng và các công ty tài chính, doanh nghiệp bất động sản, có sự “lách luật” về tỉ lệ sở hữu, lách cả hạn mức tín dụng cho một số doanh nghiệp...

“Trên thị trường tài chính Việt Nam, cứ nhìn vào một ngân hàng thì sẽ thấy bóng dáng của một doanh nghiệp bất động sản phía sau”, ông Nam nói.

Theo vị đại biểu, sở hữu chéo trong ngân hàng là lực cản về cạnh tranh của các ngân hàng, cũng như sự phát triển lành mạnh của hệ thống ngân hàng”, ông Nam nói và nhấn mạnh, cần đánh giá thực trạng sở hữu cổ phần tại các tổ chức tín dụng để xác định rõ mức độ, nguyên nhân của tình trạng sở hữu chéo, từ đó đề xuất giải pháp căn cơ để xử lý triệt để.

Tương tự, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhận định: “Vụ việc Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) diễn ra vào tháng 10 năm ngoái là một hệ lụy nặng nề nhưng tất yếu, đây là lý do cần thiết để sửa Luật Các tổ chức tín dụng".

Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị (Ảnh: M.Minh)

Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị (Ảnh: M.Minh)

Cụ thể, đại biểu nhấn mạnh sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng luôn tiềm ẩn rủi ro hệ thống, ví dụ như rủi ro tăng vốn ảo thông qua việc đi vay để đầu tư, góp vốn lẫn nhau (trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua công ty con/cháu)...

“Điều này khiến vốn toàn hệ thống không gia tăng thực, mà chỉ tăng trên sổ sách, kéo theo hệ lụy làm sai lệch về quản trị ngân hàng, sai lệch trong đánh giá rủi ro, trích lập dự phòng hay giám sát các hoạt động tài chính”, ông Đồng phân tích.

Ngoài ra, sở hữu chéo ngân hàng cũng dẫn đến rủi ro chi phối, thâu tóm ngân hàng của nhóm cổ đông lớn và người có liên quan, do ngân hàng mẹ, các công ty con, công ty liên kết cùng đầu tư vào một doanh nghiệp, ngược lại doanh nghiệp sở hữu cổ phần chi phối hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

“Chẳng hạn như BaoVietbank và PVcombank có cổ đông là doanh nghiệp nhà nước sở hữu cổ phần chiếm trên 15% vốn điều lệ hay vụ việc bà Trương Mỹ Lan tại Ngân hàng SCB, Tập đoàn Masan và nhóm cổ đông lớn tại Techcombank...", ông Đồng dẫn chứng.

Vị đại biểu đề nghị rà soát đồng bộ hệ thống pháp luật để thắt chặt, hạn chế những vụ việc quy mô lớn, gây ra tổn thất nghiêm trọng cho hệ thống tài chính, đặc biệt sau sự việc SCB - Vạn Thịnh Phát gần đây.

Đề xuất giải pháp lâu dài để xử lý vấn đề sở hữu chéo ngân hàng, đại biểu đoàn Quảng Trị đề xuất rà soát quy định về người có liên quan, tỉ lệ sở hữu cổ phần, nghiên cứu mở rộng đối tượng công bố thông tin với các cổ đông và nhóm người có liên quan sở hữu từ 1% vốn điều lệ, mở room cho nhà đầu tư nước ngoài...

Tin bài liên quan