Thị trường trái phiếu về thảm họa đang kém hấp dẫn giới đầu tư

Thị trường trái phiếu về thảm họa đang kém hấp dẫn giới đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu thảm họa quy mô 35 tỷ USD đang yêu cầu phí bảo hiểm cao nhất trong nhiều năm để bảo hiểm cho các công ty phát hành trước thảm họa, khi các sự kiện thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn trong khi lãi suất tăng.

Theo một báo cáo từ công ty môi giới bảo hiểm Gallagher Re, tỷ suất lợi nhuận của các đợt phát hành mới trái phiếu thảm họa bao gồm các sự kiện về gió ở Mỹ đang ở mức 5,3% - là mức cao nhất kể từ năm 2019. Đối với các rủi ro khác, phí bảo hiểm cũng được đưa ra ở mức cao nhất ít nhất kể từ năm 2017.

Sự gia tăng tỷ suất lợi nhuận của trái phiếu thảm hoạ xảy ra sau các thảm họa bao gồm Bão Ian - cơn bão gây thiệt hại lớn nhất cho các công ty bảo hiểm kể từ siêu bão Katrina - đã khiến những người nắm giữ trái phiếu thảm họa phải chịu tổn thất vào năm ngoái. Một chỉ số của công ty tái bảo hiểm Swiss Re AG theo dõi tổng lợi nhuận của các trái phiếu này đã giảm 10% sau khi cơn bão ập đến, gây ra sự tàn phá dọc theo bờ biển Florida.

Tỷ suất lợi nhuận của trái phiếu thảm hoạ

Tỷ suất lợi nhuận của trái phiếu thảm hoạ

Cơn bão này cùng với các thảm họa thiên nhiên khác đã cùng xảy ra trong một năm khi các ngân hàng trung ương toàn cầu tăng lãi suất mạnh mẽ để chống lại lạm phát tăng vọt. Điều đó có nghĩa là trái phiếu doanh nghiệp an toàn hiện mang lại lợi suất 5% trên toàn cầu và không có rủi ro phức tạp như lũ lụt và núi lửa sẽ trở nên hấp dẫn hơn so với trái phiếu thảm hoạ.

Martin Bertogg, người đứng đầu bộ phận rủi ro thảm họa tại Swiss Re cho biết: “Các sự kiện thời tiết cực đoan đã dẫn đến tổn thất được bảo hiểm cao vào năm 2022, tạo cơ sở cho nguy cơ gia tăng và lan rộng ở mọi châu lục. Khi cơn bão Andrew tấn công 30 năm trước, đó là một sự kiện thiệt hại 20 tỷ USD chưa từng xảy ra trước đây, nhưng hiện đã có 7 cơn bão như vậy chỉ trong 6 năm qua”.

Trái phiếu thảm họa được phát hành để dự phòng rủi ro chủ yếu liên quan đến các thảm hoạ thiên nhiên. Các công cụ này thường có thời gian đáo hạn ngắn và hứa hẹn mang lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư bên ngoài ngành bảo hiểm bằng cách chấp nhận rủi ro rằng tiền gốc của họ có thể bị xóa sổ do một sự kiện nghiêm trọng. Theo báo cáo của Gallagher, giá trị của những trái phiếu đang lưu hành trong tháng trước là khoảng 35 tỷ USD.

Theo DBRS Morningstar, lãi suất tăng cũng có thể ảnh hưởng đến việc phát hành trên thị trường trái phiếu thảm hoạ trong năm nay.

Marcos Alvarez, người đứng đầu bộ phận bảo hiểm tại DBRS Morningstar cho biết: “Trong môi trường lãi suất cao hơn, thị trường trái phiếu thảm hoạ sẽ gặp khó khăn”. Có ít nhất 10 tỷ USD trái phiếu thảm hoạ đã được phát hành mỗi năm kể từ năm 2017, nhưng con số đó có thể sẽ giảm trong năm nay. Ông cho biết, một số giao dịch đã không thành hiện thực vào năm ngoái, thay vào đó, các công ty phát hành đã chuyển sang tái bảo hiểm truyền thống.

Theo báo cáo của Swiss Re, các thảm họa tự nhiên đã gây ra ít nhất 115 tỷ USD thiệt hại được bảo hiểm vào năm 2022, cao hơn nhiều so với mức trung bình trong 10 năm qua và bao gồm cả thiệt hại được bảo hiểm ước tính lên đến 65 tỷ USD chỉ riêng từ cơn bão Ian. Điều đó làm tăng thêm xu hướng dài hạn về mức tăng tổn thất được bảo hiểm ước tính từ 5% đến 7% hàng năm trong thập kỷ qua.

Mối đe dọa tổn thất do thiên tai ngày càng tăng khiến việc phát hành trái phiếu thảm hoạ mới trở nên quan trọng hơn đối với ngành bảo hiểm, nhưng có thể khó tìm đủ nhà đầu tư.

Gallagher cho biết rằng, hệ thống trái phiếu thảm hoạ “khá mạnh” vào năm 2023. Tuy nhiên, những hạn chế về nhu cầu “có thể khiến một số thỏa thuận khó thành công”.

Tin bài liên quan