Thu nhập của nhân viên ngân hàng đồng loạt tăng

0:00 / 0:00
0:00
Báo cáo tài chính của ngân hàng đều tăng chi trả lương, thưởng cho cán bộ nhân viên trong năm 2022 vừa qua, với ghi nhận thu nhập bình quân nhân viên nhiều nhà băng đạt trên 30 triệu đồng/tháng.
Thu nhập của nhân viên ngân hàng đồng loạt tăng

Lượng nhân viên ngân hàng nào đang cao nhất?

Trong số đó, phải kể đến là Techcombank tiếp tục dẫn đầu về chế độ đãi ngộ cho nhân viên khi chi hơn 6.000 tỷ đồng trong năm 2022 để trả lương, thưởng và phụ cấp khác cho người lao động.

Cụ thể, thu nhập bình quân của mỗi nhân viên Techcombank trong năm 2022 là 44 triệu đồng/người/tháng, không thay đổi so với năm 2021. Trong đó, riêng tiền lương nhân viên bình quân là 37 triệu đồng/người/tháng, tăng thêm 1 triệu đồng so với năm 2021. Tổng cộng cả năm 2022, nhà băng này đã chi hơn 6.515 tỷ đồng gồm lương và các chi phí liên quan cho nhân viên.

Một ngân hàng khác cũng có sự đột phá mạnh trong việc cải thiện thu nhập cho cán bộ nhân viên trong năm qua sau khi ổn định lãnh đạo “cấp thượng tầng” là Eximbank. Không công bố mức trong Báo cáo tài chính quý IV/2022, Eximbank công bố mức lương và phụ cấp bình quân mỗi tháng trong quý IV/2022 của nhân viên tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ, đạt 42 triệu đồng/người/tháng.

Năm vừa qua, số lượng nhân sự tại Eximbank tăng thêm 10% lên mức 5.563 người. Báo cáo tài chính quý IV/2022 của Eximbank không công bố quỹ lương của cả năm, nhưng lại hé lộ quỹ lương của quý IV với con số đáng kinh ngạc.

Theo đó, quý cuối cùng của năm 2022, nhà băng này chi tới 702 tỷ đồng cho việc chi lương và phụ cấp, tăng mạnh 108% so với cùng kỳ. Nhờ đó, mức lương và phụ cấp bình quân mỗi tháng trong quý này của cán bộ nhân viên tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ, đạt 42 triệu đồng/người/tháng. Với mức tăng đột biến về thu nhập nhân viên quý IV, rất có thể, Eximbank đang là một trong số ít những ngân hàng có mức đãi ngộ cao nhất hiện nay.

Nhìn vào kết quả kinh doanh có thể lý giải được phần nào. Eximbank ghi nhận một năm bội thu khi ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm qua đạt 3.709 tỷ đồng, gấp 3 lần năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.944 tỷ đồng, tăng mạnh 188% so với năm 2021, qua đó trở thành ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất toàn ngành tính đến thời điểm hiện tại.

Tiếp đến là thu nhập bình quân nhân viên của MB cũng đạt 39,6 triệu đồng/tháng, tăng 3,6 triệu đồng so với năm trước đó. Tổng cộng trong cả năm vừa qua, MB chi tiền lương và phụ cấp là 6.817 tỷ đồng, cao hơn 1.000 tỷ đồng so với cả năm 2021.

HDBank cũng gây bất ngờ nhất trong số các ngân hàng khi bỏ ra hơn 3.800 tỷ đồng để chi trả lương, thưởng cho cán bộ nhân viên năm 2022, tăng tới 65% so với năm 2021. Trong khi đó, số người lao động tăng 844 người (tương đương 10,8%) lên 8.655 nhân viên trong năm qua. Từ đó ước tính, thu nhập bình quân nhân viên HDBank trong năm 2022 đạt tới 38,5 triệu đồng/tháng/người, tăng hơn 12 triệu đồng/tháng (tương đương 147 triệu đồng/năm).

Còn VIB, thu nhập bình quân tháng của nhân viên cũng tăng từ 28 triệu lên 30 triệu đồng/tháng/người. VPBank cũng công bố thu nhập bình quân của nhân viên trong năm 2022 là 23,65 triệu đồng/người/tháng, tăng gần 3 triệu đồng so với năm 2021. Trong cả năm vừa qua, số lượng nhân viên của VPBank cũng tăng thêm khoảng 3.000 người khiến tổng quỹ lương của nhà băng cả năm cộng thêm hơn 1.800 tỷ đồng so với năm 2021.

Thu nhập bình quân của nhân sự SeABank theo ngân hàng công bố tăng từ 23 triệu lên 27 triệu đồng/người...

Đối với các ngân hàng trong khối cổ phần có vốn nhà nước thì Vietcombank, lượng nhân viên chỉ tăng 4% so với đầu năm nhưng quỹ lương thưởng và trợ cấp tăng 14%. Ước tính, thu nhập bình quân đầu người của nhân sự Vietcombank xoay quanh mức 36 triệu đồng mỗi tháng. Kế đến là thu nhập của nhân viên VietinBank đạt 31,4 triệu đồng/người/tháng và BIDV là 31,1 triệu đồng/người/tháng...

Qua đó, có thể thấy được rằng, lương và phụ cấp của nhân viên nhiều ngân hàng tiếp tục gia tăng khi các nhà băng có lãi tỷ USD trong năm vừa qua. Trong đó, ước tính có 10 ngân hàng ghi nhận thu nhập bình quân nhân viên đạt trên 30 triệu đồng/tháng.

Nhưng nhìn chung, những ngân hàng quy mô lớn đang là những ngân hàng dẫn đầu thị trường về chế độ lương, thưởng cho nhân viên. Tuy nhiên, một số ngân hàng tầm trung, ngân hàng nhỏ, chẳng hạn như MSB, VIB, TPBank cũng có mức thu nhập bình quân nhân viên đáng nể. Trong đó, thu nhập nhân viên MSB thậm chí còn cao hơn BIDV, VietinBank, đạt 34,5 triệu đồng, tăng 7 triệu so với năm 2021.

Ngoài ra, một số ngân hàng nhỏ cũng tăng mạnh thu nhập nhân viên trong năm qua như BacABank, SeABank. Cụ thể, tổng thu nhập nhân viên BacABank năm 2022 là hơn 908 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2021, từ đó đưa thu nhập bình quân nhân viên tăng từ 20,3 triệu đồng lên 25,9 triệu đồng/tháng/người.

Thế nhưng, việc tăng lương, thưởng trong năm qua không phải diễn ra ở hầu hết ngân hàng. Trong đó, một vài nhà băng tuy không công bố chi tiết, nhưng cũng đang tạm dừng kế hoạch tuyển mới và tiết kiệm chi phí hơn so với ngân hàng bạn, nhất là khi bối cảnh bị ảnh hưởng từ thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.

Điểm mặt nhân viên tạo ra lợi nhuận tốt trong năm

Không chỉ có thu nhập của nhân viên cao nhất trong hệ thống mà ngân hàng có nhân sự tạo lợi nhuận mạnh nhất trong năm qua cũng chính là Techcombank. Cụ thể, bình quân mỗi nhân viên đã mang về hơn 2 tỷ đồng cho nhà băng này trong năm 2022.

Khả năng tạo lợi nhuận của mỗi nhân sự Techcombank gấp 2,49 lần so với BIDV (chỉ tương đương 829 triệu đồng/năm) và 2,45 lần so với VietinBank (tương đương 840 triệu đồng/năm).

Trong năm qua, nhân sự bình quân của Techcombank đã tăng 2,21% và lợi nhuận trước thuế đã tăng 10,16%. Nhưng khả năng tạo lợi nhuận của mỗi nhân sự ngân hàng này nhìn chung đã tăng 7,78% so với năm trước.

Với khối ngân hàng cổ phần, Techcombank đứng đầu về con số lãi, với 25.568 tỷ đồng, tăng 10% so với 2021 và vượt qua kỷ lục lợi nhuận đạt được năm 2021.

Kế tiếp là Vietcombank với khả năng tạo lợi nhuận đạt 1,69 đồng/năm/nhân sự, tăng 28% so với năm trước. Trong năm qua, lợi nhuận ngân hàng đã tăng gần 36% trong khi lượng nhân sự bình quân tăng 6,1%.

Cụ thể, năm 2022, Vietcombank là quán quân về lợi nhuận khi đạt mức lợi nhuận trước thuế hơn 37.358 tỷ đồng. Tốc độ huy động vốn tăng 9,1% so với năm 2021, đạt gần 1,26 triệu tỷ đồng; còn tăng trưởng tín dụng 19%, đạt gần 1,15 triệu tỷ đồng.

Theo sau là MB với khả năng tạo lợi nhuận bình quân của mỗi nhân viên năm qua là 1,4 tỷ đồng/năm (tương đương 118 triệu đồng/tháng), tăng 37% so với năm trước. Kết quả, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của MB năm 2022 cũng đạt 22.729 tỷ đồng, tăng 37,5% so với năm 2021. Trong đó, lợi nhuận trước thuế riêng ngân hàng là 20.318 tỷ đồng, tăng 41,1% so với năm trước.

Hay tại ACB - đứng vị trí thứ 4 - khi ghi nhận nhân viên ngân hàng tạo ra hơn 1,35 tỷ đồng/nhân viên, tăng 32% so với năm trước. ACB kết thúc năm 2022 với mức lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 17.100 tỷ đồng, đạt 114% kế hoạch năm; tín dụng đạt 413.700 tỷ đồng, tăng 14,3% và huy động đạt 414.000 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2021.

Đồng thời, ACB tiếp tục là ngân hàng có tỷ suất sinh lời ROE đứng đầu thị trường với mức 26,5% và tỷ lệ nợ xấu thuộc nhóm thấp nhất ngành ngân hàng, chỉ 0,74%. Đặc biệt, ACB đã duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp dưới 1% liên tục trong suốt 7 năm qua, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tiếp tục duy trì ở mức cao, trên 155%.

Bên cạnh đó, SHB và VIB là 2 ngân hàng tiếp theo trong danh sách. Đây cũng là năm đầu tiên 2 nhà băng này ghi nhận chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế trên số nhân viên vượt 1 tỷ đồng/năm. Cụ thể, khả năng tạo tiền bình quân của mỗi nhân sự ngân hàng trên lần lượt là 1,07 tỷ đồng/năm và 1,051 tỷ đồng/năm. Kết thúc năm 2022, lợi nhuận VIB và SHB đạt mức cao lần lượt 10.580 tỷ đồng và 9.695 tỷ đồng trước thuế.

MSB là ngân hàng cuối cùng trong danh sách các nhà băng có nhân sự có khả năng tạo ra lợi nhuận ít nhất 1 tỷ đồng/năm. Cụ thể, năm qua các nhân viên của nhà băng này đã mang về gần 1,01 tỷ đồng, tăng 0,16% so với năm trước. Ngoài ra, SeABank và TPBank cũng đang tiến rất gần với mốc 1 tỷ đồng/năm.

Năm qua, bình quân mỗi nhân sự của SeABank mang về 954 triệu đồng còn TPBank là 949 triệu đồng. Theo đó, SeABank đứng thứ 9 trên bảng xếp hạng và vị trí thứ 10 thuộc về TPBank.

Giới phân tích tài chính nhận định, mặc dù các ngân hàng đẩy mạnh chuyển đổi số và số hóa các quy trình hoạt động để giảm chi phí và gia tăng nguồn thu ngoài lãi, song nhân sự là một phần không thể thiếu trong việc thúc đẩy doanh số cũng như lợi nhuận.

Mặc dù các ngân hàng không chỉ tập trung mở rộng quy mô mà còn đẩy mạnh nâng cao chất lượng nhân sự. Không ít nhà băng sẵn sàng đưa ra các đãi ngộ tốt hoặc có chương trình tìm kiếm và đào tạo các tài năng, thu hút nhân tài từ các trường đại học.

Tin bài liên quan