Thủ tướng Chính phủ: Phải nỗ lực trong giai đoạn nước rút đề về đích

0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, quý IV có ý nghĩa quan trọng với nền kinh tế. Đây là giai đoạn nước rút để về đích.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương và phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9/2022 Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương và phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9/2022 Ảnh: VGP

Phát biểu kết luận Hội nghị Chính phủ với các địa phương và phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, quý IV có ý nghĩa quan trọng với nền kinh tế.

“Đây là giai đoạn nước rút để về đích, vì vậy, các bộ ngành, địa phương phải nỗ lực vượt qua khó khăn, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, các nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ”, Thủ tướng nói.

“Đã quyết tâm rồi thì phải quyết tâm hơn nữa, đã nỗ lực rồi thì phải nỗ lực hơn nữa”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh việc phải kiên trì và nhất quán thực hiện mục tiêu xuyên suốt là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Theo Thủ tướng, điều quan trọng là phải bám sát tình hình để sớm có phản ứng chính sách phù hợp, hiệu quả, khi kinh tế toàn cầu có những diễn biến bất lợi.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ, nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội tháng 9, quý III và 9 tháng phục hồi tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, khởi sắc trên nhiều lĩnh vực.

Chẳng hạn, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát ở mức 2,73% trong khi chịu sức ép lạm phát thế giới rất cao. Tỷ giá, lãi suất, thị trường ngoại tệ cơ bản ổn định. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, có mặt được cải thiện hơn.

Trong khi đó, thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 94% dự toán, tăng 22%. Xuất nhập khẩu đạt gần 559 tỷ USD, tăng 14,2%, xuất siêu 6,52 tỷ USD.

Và đặc biệt, tăng trưởng kinh tế phục hồi mạnh mẽ. GDP 9 tháng tăng 8,83%, cao nhất cùng kỳ kể từ năm 2011 đến nay. Trong đó, riêng quý III tăng trưởng 13,67%. Cả 3 khu vực kinh tế đều phát triển tốt.

“Nhiều địa phương đạt mức tăng trưởng cao, đặc biệt là có 10 địa phương có tốc độ tăng trưởng trên 11%”, Thủ tướng nói và biểu dương các địa phương đạt tốc độ tăng trưởng cao trong 9 tháng, như Bắc Giang (tăng trưởng 23,98%), Khánh Hòa (20,48%), Cần Thơ (17,57%), Đà Nẵng (16,76%), Hậu Giang (14,74%), Thanh Hóa (14,24%), Lâm Đồng (14,18%), Quảng Nam (13,15%), Hải Phòng (12,06%), Tây Ninh (11,52%).

Thủ tướng cũng vui mừng khi hai đầu tàu kinh tế gồm TP.HCM và Hà Nội đạt mức tăng trưởng cao, kinh tế phục hồi nhanh, tương ứng đạt 9,97% và 9,69%.

Cùng với đó, vốn đầu tư toàn xã hội tăng mạnh; 9 tháng đạt trên 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 12,5% so cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện đạt trên 15,4 tỷ USD (cao nhất cùng kỳ trong 5 năm qua), tăng 16,3%.

Phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng khởi sắc. Có trên 163.000 doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động, tăng 38,6%, gấp 1,44 lần số doanh nghiệp rút khỏi thị trường (112,7 nghìn doanh nghiệp).

“Tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung trên 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 36%. Có 82,6% doanh nghiệp chế biến chế tạo lạc quan, đánh giá tích cực về tình hình sản xuất, kinh doanh quý IV so với quý III/2022”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Khẳng định xu hướng tích cực của nền kinh tế, song Thủ tướng cũng lưu ý, tình hình hiện nay còn rất khó khăn, khi cạnh tranh chiến lược của các nước còn phức tạp, lạm phát ở mức cao khiến giá đầu vào tăng cao. Thậm chí khó khăn, thách thức còn lớn hơn cơ hội, vì thế không được lơ là, chủ quan.

Các thành viên Chính phủ tham dự Hội nghị
Các thành viên Chính phủ tham dự Hội nghị

Tới đây, theo chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ ngành, địa phương phải tập trung giải ngân vốn đầu tư công, nhanh chóng phân bổ, hướng dẫn các thủ tục để triển khai các dự án thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, cũng như các Chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, nhưng linh hoạt, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm…

“Vốn đầu tư công là nguồn lực rất lớn, việc giải ngân đầu tư công là một trong những chính sách tài khóa có rất nhiều ý nghĩa quan trọng, vừa tạo công ăn việc làm, tạo dư địa, không gian phát triển mới, tạo sản phẩm xã hội, đáp ứng yêu cầu của nhân dân, góp phần kiểm soát lạm phát, giảm áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ…”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng theo chỉ đạo của Thủ tướng, điều quan trọng là phải bám sát tình hình để sớm có phản ứng chính sách phù hợp, hiệu quả, sáng tạo, theo tinh thần chủ đề năm 2022 là “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”.

Tin bài liên quan