Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Nghị viện Châu Âu ngày 9/5. Ảnh: DW.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Nghị viện Châu Âu ngày 9/5. Ảnh: DW.

Thủ tướng Đức thúc giục EU mở rộng thành viên và nâng cao vị thế địa chính trị

0:00 / 0:00
0:00
Phát biểu trước Nghị viện châu Âu tại Strasbourg trong ngày 9/5, Thủ tướng Đức Olaf Scholz thúc giục châu Âu gấp rút cải cách thể chế với cơ chế bỏ phiếu theo đa số, mở rộng thành viên và nâng cao vai trò địa chính trị của khối để đủ khả năng đối mặt với các thách thức toàn cầu trong tương lai.

Phát biểu trước các nghị sĩ châu Âu nhân kỷ niệm Ngày châu Âu 9/5, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đánh giá châu Âu đang đứng trước những thách thức to lớn chưa từng có kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, trên tất cả các khía cạnh an ninh, kinh tế, thể chế mà tâm điểm là cuộc xung đột tại Ukraine đã làm đảo lộn cấu trúc an ninh tại châu Âu, đồng thời buộc Liên minh châu Âu phải tìm ra các mô hình phát triển mới cho khối này.

Theo Thủ tướng Đức, để có đủ năng lực ứng phó với các thách thức đó, châu Âu cần tiến hành những cải cách lớn về mặt thể chế, đồng thời phải xây dựng cho mình một vị thế địa chính trị mới, trang bị cho mình sức mạnh an ninh quốc phòng đủ mạnh chứ không thể chỉ dựa vào sức mạnh kinh tế như hiện nay.

“Để ứng phó với các thách thức, châu Âu cần phải làm sâu sắc mối quan hệ với các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là châu Á và châu Phi. Chúng ta cần phải cùng làm việc với các khu vực này như các đối tác và cần thiết phải trở thành một châu Âu địa chính trị lớn mạnh hơn. Cần phải tiến hành những cải cách thể chế cần thiết để châu Âu đáp ứng được với tương lai và cần phải chuẩn bị cho việc mở rộng liên minh, điều vô cùng quan trọng về địa chính trị với châu Âu”, ông Olaf Scholz nói.

Theo đánh giá của giới phân tích châu Âu, trong các phát biểu gần đây, Thủ tướng Đức thể hiện quan điểm ủng hộ rõ ràng đối với việc Liên minh châu Âu (EU) kết nạp các nước ở Balkans, Ukraine và Moldavia làm thành viên trong tương lai gần và về lâu dài có thể kết nạp cả Gruzia, quốc gia láng giềng phía Nam của Nga ở vùng Caucasus. Về mặt cải cách thể chế, ông Olaf Scholz cũng mong muốn châu Âu mở rộng cơ chế bỏ phiếu theo đa số, thay vì bỏ phiếu đồng thuận như hiện nay, đặc biệt trong các lĩnh vực chính sách đối ngoại và thuế.

Tuy nhiên, một điều đáng chú ý trong các phát biểu của Thủ tướng Đức Olaf Scholz trước Nghị viện châu Âu là ông Olaf Scholz không một lần nào nhắc đến nước Pháp trong các đề xuất về cải cách châu Âu, dù Đức-Pháp luôn được xem là bộ đôi dẫn dắt EU đồng thời Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là lãnh đạo châu Âu vận động tích cực nhất cho việc cải cách Liên minh châu Âu trong thời gian qua.

Theo giới phân tích, điều này cho thấy Thủ tướng Đức muốn thể hiện sự khác biệt với ông Macron trong nhiều chủ đề lớn. Một ví dụ rõ ràng là Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố “Mỹ vẫn là đồng minh quan trọng nhất của châu Âu”, khác với tuyên bố tháng trước của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng châu Âu cần giảm phụ thuộc để không biến thành chư hầu của Mỹ.

Tin bài liên quan