Thực hiện tốt nhất mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 2020 trong điều kiện phòng, chống dịch

Những dự báo về tác động của dịch cúm Corona đối với kinh tế đang đặt ra một bài toán hóc búa, đòi hỏi phải phản ứng nhanh và quyết liệt, vừa để phòng chống, ngăn ngừa, kiểm soát dịch, vừa đảm bảo thực hiện tốt nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm nay.
Thực hiện tốt nhất mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 2020 trong điều kiện phòng, chống dịch

Điều này là vô cùng quan trọng, bởi năm 2020 chính là năm “về đích” của không chỉ Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, cũng như Chiến lược 10 năm 2011 - 2020, mà còn là năm đặt những nền tảng căn bản và quan trọng cho giai đoạn phát triển tiếp theo của Việt Nam.

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân và điều này là quan trọng và cần thiết, song rõ ràng, cũng không thể bỏ qua mục tiêu phát triển kinh tế.

Vì lẽ đó, chỉ đạo nhất quán từ Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là không được bàn lùi, chưa đặt vấn đề điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2020.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đã chỉ đạo rằng, phải cương quyết và có biện pháp mạnh mẽ không để tăng trưởng giảm sâu trong điều kiện có thể.

Điều này có nghĩa rằng, ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh vẫn là quan trọng nhất. Nhưng cùng với đó, phải có các giải pháp để hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực của dịch bệnh tới nền kinh tế. Thậm chí, không chỉ là hạn chế thấp nhất, mà còn là phải nỗ lực để “biến bại thành thắng” trong phát triển kinh tế.

Việt Nam, ngay từ khi dịch bệnh Corora bắt đầu, đã phản ứng nhanh chóng để kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh, bao gồm cả việc đóng cửa biên giới, tạm ngừng giao thương, dừng các chuyến bay tới vùng bị dịch bệnh, rồi lập các bệnh viện dã chiến để đối phó dịch bệnh… Thế nên, số lượng người mắc bệnh đang ở dừng ở con số 10 người, tính đến sáng ngày 6/2 và đã có bệnh nhân khỏi bệnh. Phản ứng của Việt Nam trong phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh đã được dư luận quốc tế đánh giá cao.

Chống dịch tích cực, nhưng cũng cần nỗ lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế. Tinh thần “phản ứng nhanh” ấy cũng cần được lan tỏa trong thực hiện các giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế. Nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, “chúng ta đã thành lập được các đội phản ứng nhanh để chống dịch Corona, thì cũng phải phản ứng nhanh về kinh tế, tài chính, sản xuất để bù đắp giảm sút kinh tế do dịch bệnh”.

Thị trường Trung Quốc gặp khó, thì phải nhanh chóng tìm kiếm thị trường mới, bao gồm cả trong xuất nhập khẩu, cũng như phát triển du lịch. Đã nỗ lực thực hiện các giải pháp để phát triển kinh tế, thì cần tiếp tục phấn đấu ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm, “việc hôm nay không để ngày mai”. Không thể tiếp tục để tình trạng sự chậm trễ của bộ này, ngành kia, của tỉnh nọ, thành phố kia ảnh hưởng đến sự phát triển chung của nền kinh tế.

Càng cần thiết phải tiếp tục khắc phục cho được các tồn tại, hạn chế, nhất là trong giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các dự án xây dựng cơ bản lớn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việc tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển hướng thị trường, cơ cấu lại thị trường và mặt hàng xuất khẩu, tái cơ cấu ngành hàng không… cũng cần được đẩy nhanh hơn.

Làm được như vậy, Việt Nam sẽ không chỉ sớm vượt qua được dịch bệnh, mà còn thực hiện được cao nhất có thể mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2020.

Tin bài liên quan