Thương mại Việt - Mỹ còn tiếp tục tiến xa

Thương mại Việt - Mỹ còn tiếp tục tiến xa

0:00 / 0:00
0:00
Hợp tác kinh tế, thương mại luôn là điểm sáng trong quan hệ Việt - Mỹ, đặc biệt sau khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện vào năm 2013, đưa thương mại hai chiều đạt 123,9 tỷ USD trong năm ngoái và còn tiếp tục tiến xa.

Dấu ấn sau 10 năm là Đối tác toàn diện

Khoảng 9,6 tỷ USD hàng giày dép; 17,4 tỷ USD hàng dệt may; 20,18 tỷ USD máy móc thiết bị; 8,7 tỷ USD gỗ và sản phẩm gỗ; 27,9 tỷ USD điện thoại, máy tính và linh kiện… đã được xuất bán thành công sang Mỹ trong năm 2022.

Tính chung trong cả năm qua, người Mỹ đã đặt các nhà cung cấp Việt Nam lượng hàng hóa gần 110 tỷ USD, chiếm 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, từ rau quả, tôm, cá tra, cá basa, cho tới sắt thép, xi măng, sản phẩm nhựa… Đây là mức cao nhất kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện vào năm 2013. Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu đầu tiên từ trước đến nay cán mốc trên 100 tỷ USD/năm của Việt Nam.

Có thể nói, quan hệ Việt - Mỹ đã có những bước phát triển vượt bậc cả về chất và lượng sau 28 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện. Trong 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng thương mại luôn ở mức 2 con số.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Marc Knapper cho hay, mối quan hệ song phương Việt - Mỹ về cơ bản đã mang tính chiến lược và hy vọng về khả năng nâng cấp mối quan hệ này lên Đối tác chiến lược toàn diện. Việt Nam là sự lựa chọn tự nhiên, có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa cho thị trường Mỹ.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 7/2023 cũng đánh giá, Việt Nam hiện là “người chơi” quan trọng trên trường quốc tế, có vai trò then chốt trong nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu như dệt may, linh kiện điện tử. Việt Nam nổi lên như một điểm nút quan trọng của chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu trong thập kỷ qua.

Nhìn vào khoản đầu tư của Mỹ gia tăng tại Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn là minh chứng cho thấy Mỹ coi trọng vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng. Được biết, Công ty Amkor của Mỹ sẽ sớm khai trương một nhà máy lớn, hiện đại để lắp ráp và thử nghiệm chất bán dẫn ở Bắc Ninh. Một công ty của Mỹ khác là Onsemi cũng đầu tư sản xuất chip được sử dụng trong ô tô tại Đồng Nai.

Đến nay, Tập đoàn Apple của Mỹ đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam. Tập đoàn Intel cũng mở rộng giai đoạn II, nhà máy kiểm định chip tại TP.HCM, tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD...

Nhiều tập đoàn hàng đầu đổ bộ Việt Nam

Việt Nam hiện là “người chơi” quan trọng trên trường quốc tế, có vai trò then chốt trong nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu như dệt may, linh kiện điện tử, là một điểm nút quan trọng của chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.

Tháp tùng Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm cấp nhà nước tới Việt Nam trong hai ngày 10-11/9 có nhiều tập đoàn, công ty lớn của Mỹ. Các doanh nghiệp sẽ gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo Chính phủ và doanh nghiệp Việt để tìm kiếm đối tác và cơ hội đầu tư. Cũng trong tuần này, Việt Nam còn đón hàng loạt “ông lớn” của Mỹ đến tham dự sự kiện Kết nối chuỗi cung ứng quốc tế năm 2023, diễn ra từ ngày 13 đến 15/9 tại TP.HCM.

Sự kiện trên thu hút 150 đoàn thu mua quốc tế đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ tới Việt Nam để tìm kiếm đối tác mua hàng trong nhiều lĩnh vực như thực phẩm, dệt may, giày dép, ba lô, túi xách, đồ thể thao và dã ngoại, đồ gia dụng và nội thất, công nghiệp hỗ trợ...

Trả lời tại buổi họp báo trước thềm Hội nghị Kết nối chuỗi cung ứng quốc tế năm 2023, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) cho biết, dù kinh tế Mỹ chịu ảnh hưởng từ sự ảm đạm của kinh tế toàn cầu, tiêu dùng suy giảm, song các nhà mua hàng ở Mỹ vẫn xác định Việt Nam là thị trường cung ứng quan trọng, vì họ muốn đa dạng chuỗi cung ứng, coi trọng vai trò và vị trí của Việt Nam trong khu vực.

Xét về kim ngạch thương mại với Việt Nam, Mỹ liên tục đạt mức tăng trưởng thương mại cao nhất trong nhiều năm qua.

“Hàng loạt nhà mua hàng, doanh nghiệp lớn của Mỹ như Walmart, Amazon, Boeing… đều hiện diện tại Việt Nam để tìm đối tác, cho thấy họ đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Tạ Hoàng Linh nhấn mạnh.

Với quy mô dân số hơn 330 triệu người, sức mua lớn, Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới, có xu hướng tăng cả về giá cũng như quy mô; môi trường chính sách, quan hệ Việt - Mỹ đang có nhiều thuận lợi, tạo ra dư địa lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam khai thác có hiệu quả thị trường này.

Mặc dù xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn giúp Việt Nam có cơ hội mở rộng hoạt động sản xuất, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng trước yêu cầu ngày càng cao về bảo vệ ngành sản xuất nội địa và người tiêu dùng, các nhà sản xuất Việt Nam cần đáp ứng tiêu chí bền vững, giảm phát thải tối đa nếu muốn đi đường dài với các nhà nhập khẩu Mỹ.

Lưu ý tới các nhà cung ứng Việt Nam, ông Avineesh Gupta, Phó chủ tịch điều hành phụ trách nguồn cung hàng dệt may và hàng tiêu dùng nhanh (Tập đoàn Walmart) nhấn mạnh, để gia nhập vào chuỗi giá trị có trị giá hàng tỷ USD của Walmart trên thị trường quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng nâng cao năng lực, khả năng cung ứng, sự ổn định về tài chính, phát triển bền vững và tuân thủ cam kết về môi trường.

Tin bài liên quan