Thủy điện và nhiệt điện, khả năng “đảo ngược”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nếu như năm 2022, hoạt động của các doanh nghiệp thủy điện thuận lợi hơn nhiệt điện, thì sang năm 2023, tình hình có thể sẽ sớm đảo ngược.
Nhiều doanh nghiệp thủy điện lãi cao trong năm 2022.

Nhiều doanh nghiệp thủy điện lãi cao trong năm 2022.

Nhiều doanh nghiệp thủy điện lãi cao trong năm 2022. Chẳng hạn, Thuỷ điện Hủa Na đạt hơn 583 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 4,4 lần năm 2021; Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH) lãi sau thuế 1.264 tỷ đồng, gấp 3,3 lần năm 2021; Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi lãi ròng 1.521 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2021, nhưng là năm doanh nghiệp có mức lãi kỷ lục.

Ông Võ Thành Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị VSH cho biết, tình hình thủy văn trong năm 2022 thuận lợi xét cả “đầu vào” lẫn “đầu ra”, lượng nước mưa lớn đổ về hồ chứa dồi dào giúp doanh nghiệp tăng năng suất phát điện. Bên cạnh đó, sau thời gian dài gián đoạn do dịch Covid-19, nhiều hoạt động của nền kinh tế đã ổn định trở lại nên lượng tiêu thụ điện tăng mạnh, giúp các doanh nghiệp trong ngành điện nói chung tăng hiệu quả kinh doanh.

Tuy nhiên, theo phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank, hiện tượng La Nina đã kéo dài từ năm 2020 đến nay, nhiều khả năng sẽ bắt đầu suy yếu vào nửa đầu năm 2023, nhường chỗ cho hiện tượng El Nino, gây bất lợi cho các doanh nghiệp thủy điện. Các doanh nghiệp nhiệt điện với các nhà máy có tuổi đời còn mới, vận hành ổn định kỳ vọng sẽ được huy động sản lượng cao hơn.

Công ty Chứng khoán SSI dự báo, thủy điện sẽ duy trì tình trạng tích cực cho đến hết quý I/2023 và trở nên kém thuận lợi trong 6 tháng cuối năm 2023. Điều này có thể khiến sản lượng tiêu thụ của các nhà máy thủy điện năm nay giảm 8% và để bù đắp lại, nhiệt điện sẽ được huy động cao hơn.

Công ty Chứng khoán ACB cho rằng, nhóm nhiệt điện than hiện đóng góp sản lượng điện lớn nhất và sẽ duy trì vị thế cho đến năm 2030, chiếm từ 31 - 42%. Tuy nhiên, tỷ lệ này sẽ giảm dần trong thời gian dài, khi Chính phủ nỗ lực cắt giảm lượng phát thải carbon về 0 vào năm 2050. Ngoài ra, sản lượng tuabin LNG sẽ tăng từ 0 hiện nay lên ít nhất 88 tỷ kWh vào năm 2030, với 15 dự án được triển khai, bắt đầu với Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 tại Đồng Nai.

Bên cạnh đó, về điều kiện thời tiết, khả năng xảy ra El Nino được dự phóng ở mức cao nên các dự báo đều có đồng quan điểm, điều kiện thời tiết năm 2023 sẽ thuận lợi cho các nhà máy nhiệt điện hơn là thủy điện, bao gồm nhiệt điện than và tua-bin khí (El Nino sẽ dẫn đến lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm).

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Quyền Tổng giám đốc Nhiệt điện Phả Lại (PPC) chia sẻ, năm 2022, sản lượng điện ước thực hiện của PPC là 3.207 triệu kWh; trong đó, sản lượng bán cho EVN là 2.885,51 triệu kWh. Năm 2023, dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Công ty sẽ cố gắng đảm bảo vận hành các tổ máy phát điện an toàn, ổn định, đáp ứng yêu cầu huy động của hệ thống điện; rút ngắn thời gian khắc phục tổ máy S6 DC2 để đảm bảo tiến độ thực hiện theo cam kết; đồng thời, tích cực đàm phán với đối tác về sản lượng than cho đầu vào sản xuất điện để đảm bảo và phù hợp với sản lượng điện được giao.

Với nhóm năng lượng tái tạo, theo các chuyên gia, do cơ cấu nguồn điện được phát triển theo hướng xanh hơn theo Quy hoạch Điện VIII, điện gió sẽ là nguồn điện được ưu tiên phát triển mạnh nhất, với tốc độ tăng trưởng công suất dự kiến ở mức 29,1%/năm trong giai đoạn 2020 - 2035 và 7,5%/năm trong giai đoạn 2035 - 2050. Ngược lại, điện mặt trời sau giai đoạn tăng trưởng nóng sẽ không được đẩy mạnh đầu tư cho đến năm 2030, còn giai đoạn 2030 - 2050, công suất có khả năng đạt mức tăng trưởng trung bình 12%/năm.

Nhiệt điện khí sử dụng nguồn khí LNG nhập khẩu cũng sẽ là nguồn điện được ưu tiên phát triển cho đến năm 2035, với tổng công suất dự kiến ở mức 28.400 MW (chiếm khoảng 15% tổng công suất nguồn điện). Trong khi đó, công suất thủy điện ít thay đổi do tiềm năng thủy điện gần như đã được khai thác hết. Tỷ trọng nhiệt điện than dự kiến sẽ giảm dần từ 29% năm 2020 xuống 10% vào năm 2050 trong tổng cơ cấu nguồn điện. Nhiệt điện than sẽ không được phát triển mới sau năm 2030.

Theo Kế hoạch vận hành hệ thống điện năm 2023 vừa được Bộ Công thương phê duyệt, sản lượng điện thương phẩm năm nay sẽ tăng khoảng 9 tỷ kWh so với năm 2022, đạt 251,28 tỷ kWh. Tiến độ thực hiện một số dự án điện chưa đáp ứng yêu cầu khiến việc đảm bảo cung ứng điện có thể gặp khó khăn.

Tin bài liên quan