Phú Mỹ Hưng mơ đưa mô hình Khu đô thị Phú Mỹ Hưng ra Bắc. Ảnh: Lê Toàn

Phú Mỹ Hưng mơ đưa mô hình Khu đô thị Phú Mỹ Hưng ra Bắc. Ảnh: Lê Toàn

Tiền rẻ lúc nào cũng sẵn… chảy vào doanh nghiệp địa ốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hàng loạt cuộc gọi vốn trái phiếu, cổ phiếu từ các đối tác ngoại thành công cho thấy tiền rẻ bên ngoài biên giới lúc nào cũng sẵn sàng, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng “đủ sức” với tới, bởi các quỹ đầu tư ngoại này rất… "kén cá chọn canh".

Vốn ngoại rộng cửa

“Việc thâm nhập thành công vào thị trường trái phiếu quốc tế giúp doanh nghiệp mở rộng các kênh huy động vốn, khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế”, bà Bùi Thu Hà, Giám đốc Tài chính Tập đoàn BIM Group chia sẻ sau khi doanh nghiệp này phát hành thành công 200 triệu USD trái phiếu quốc tế.

Thông tin công bố cho thấy, trái phiếu của BIM Land - công ty con của BIM Group - là trái phiếu doanh nghiệp xanh (Green bond) đầu tiên của Việt Nam phát hành trên thị trường quốc tế. Với mức lãi suất 7,375%, thời hạn 5 năm, trên thị trường quốc tế, đây là loại trái phiếu được đánh giá có mức lãi cao, nhưng việc được các tổ chức định hạng hàng đầu như Moody's đánh giá tín nhiệm ở mức B2, Fitch đánh giá tín nhiệm B là một điểm cộng với doanh nghiệp này.

Trước khi phát hành gói trái phiếu nói trên, BIM Land cũng từng huy động vốn từ nhiều ngân hàng trong nước, các định chế tài chính lớn quốc tế như IFC, Credit Suisse và phát hành trái phiếu bán lẻ ở thị trường nội địa. Việc BIM Land - không phải là một tên tuổi quá nổi bật trên thị trường bất động sản hiện nay - phát hành thành công tại thị trường quốc tế góp phần chứng minh các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hoàn toàn có cơ hội tham gia cuộc chơi huy động vốn trái phiếu quốc tế vốn có dư địa gọi vốn khổng lồ.

Con đường mà BIM Land đi cũng là cách mà nhiều doanh nghiệp khác đang theo đuổi và không phải ngẫu nhiên mà không ít doanh nghiệp trong nước thời gian qua lựa chọn cách gọi vốn quốc tế dù thủ tục nhiêu khê và khắt khe hơn, thay vì huy động vốn vay trong nước.

Trước BIM Land vài tháng, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng, chủ đầu tư dự án Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, cũng đã phát hành thành công liên tiếp 75 triệu USD và 80 triệu USD trái phiếu ở Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc). Ban lãnh đạo Phú Mỹ Hưng không ngần ngại chia sẻ rằng, số tiền huy động được sau các đợt phát hành trái phiếu này nhằm phục vụ cho tham vọng “viễn chinh” ra miền Bắc.

Cụ thể, dòng tiền thu về sẽ tập trung để phát triển khu đô thị tại tỉnh Hòa Bình sau khi đã hoàn tất thâu tóm hơn 99% cổ phần của CTCP Đầu tư San Nam Hòa Bình vào năm 2016. “Miếng bánh hấp dẫn” từ San Nam Hòa Bình mà Phú Mỹ Hưng thèm muốn là dự án có quy mô hơn 405,7 ha, ban đầu được quy hoạch xây dựng khu trồng, chế biến rau quả xuất khẩu theo công nghệ sạch, kết hợp với phát triển du lịch sinh thái.

Trong một động thái khác, hồi tháng 4/2021, chủ đầu tư này cũng đã làm việc với tỉnh Thái Nguyên để xin chủ trương nghiên cứu đầu tư Khu du lịch hồ Núi Cốc. Vì thế, một dòng vốn mới từ nước ngoài không chỉ rẻ hơn, ổn định hơn, mà còn giúp Phú Mỹ Hưng có thêm lợi thế về nhận diện thương hiệu cũng như hợp tác với nhiều đối tác ngoại có uy tín trong phát triển dự án.

Cũng trong tháng 4/2021, Reuters cho biết, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways tiết lộ rằng, hãng hàng không này có kế hoạch huy động 200 triệu USD thông qua IPO tại Mỹ bằng việc phát hành từ 5 - 7% cổ phần Công ty, thời gian thực hiện dự kiến trong quý III/2021.

“IPO sẽ là một phần nỗ lực mở rộng dịch vụ ra toàn cầu của chúng tôi”, ông Quyết chia sẻ và nói rằng, Bamboo Airways đã thuê một công ty kiểm toán quốc tế để tư vấn về việc IPO trên sàn giao dịch chứng khoán New York.

Ngoài ra, Novaland cũng trở thành cái tên quen mặt tại thị trường huy động vốn quốc tế với nhiều thương vụ phát hành trái phiếu có giá trị hàng trăm triệu USD. Chỉ tính riêng năm 2018, năm kỷ lục của tập đoàn này khi huy động thành công 520 triệu USD, bao gồm khoản vay 70 triệu USD do Credit Suisse thu xếp và khoản vay 60 triệu được thu xếp bởi Standard Chartered, 240 triệu USD trái phiếu chuyển đổi và 150 triệu USD cổ phần riêng lẻ.

Dễ và khó…

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Anh Trung, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Hải Phòng cho biết, trong vài năm qua, Việt Nam duy trì vị thế là một điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài nhờ các lợi thế như chính trị ổn định, nền kinh tế tăng trưởng nhanh và ổn định.

Bên cạnh đó, việc Việt Nam tham gia thành công vào nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA cũng giúp “ghi điểm” trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Và như một lẽ tất yếu, thương hiệu quốc gia đi lên cũng khiến những đợt gọi vốn ngoại của các doanh nghiệp của quốc gia đó trở nên “thuận buồm xuôi gió” hơn, đặc biệt khi dòng tiển rẻ được hầu hết các nước đổ ra nhằm cứu trợ nền kinh tế trong bão dịch bệnh.

Ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, có một số nhóm nhà đầu tư ngoại đang tích cực mời chào doanh nghiệp nội vay vốn thông qua hình thức trái phiếu hoặc trực tiếp thâu tóm cổ phiếu phát hành theo dạng đối tác chiến lược. Các nhóm vay này sẵn sàng cấp cả tỷ USD cho các doanh nghiệp Việt Nam nếu đáp ứng được các yêu cầu do các nhóm nhà đầu tư nói trên đặt ra về lãi suất, hiệu quả kinh doanh, triển vọng trong tương lai...

Nhận diện được điều đó, nhiều doanh nghiệp Việt cũng đã chủ động trở thành một phần của chiếc cầu kết nối vốn ngoại với doanh nghiệp nội. Chẳng hạn, Tập đoàn Bất động sản Tecco Group năm ngoái đã bắt tay với nhà đầu tư ngoại PHI Group để thành lập một quỹ đầu tư mới có trụ sở tại Luxembourg có tên PHILUX Infrastructure Fund. Quỹ này có nhiệm vụ huy động nguồn lực tài chính tại Luxembourg và các quốc gia châu Âu, để từ đó rót vốn trở lại vào các dự án phát triển hạ tầng tại Việt Nam.

Lãnh đạo Tecco cho biết, đây là lần đầu tiên Việt Nam có cơ hội tiếp cận nguồn vốn quốc tế để phát triển cơ sở hạ tầng thông qua một quỹ có trụ sở tại Luxembourg, giúp đáp ứng nhu cầu phát triển chung của xã hội, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế sau tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhiều quốc gia bị tụt hạng về hệ số tín nhiệm quốc gia thì ngược lại, Việt Nam không những được Fitch đánh giá là giữ được sự ổn định với mức BB, mà còn được nhận định có chuyển biến tốt, chuyển từ triển vọng tích cực sang ổn định.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) từng kể câu chuyện một doanh nghiệp niêm yết ngành bất động sản ở TP.HCM huy động được vốn nước ngoài với chi phí chỉ vài phần trăm một năm, trong khi trước đó không lâu doanh nghiệp này phải đi huy động vốn trong nước với mức lãi suất lên tới 15 - 20%/năm thông qua các hợp đồng hợp tác đầu tư. Từ đó, việc huy động vốn quốc tế đã tạo ra một bước ngoặt lớn cho doanh nghiệp, giúp giảm các chi phí ngoài và doanh nghiệp có thể hoạch định chiến lược kinh doanh dài hơi hơn.

Tuy vậy, theo các chuyên gia, tiền rẻ từ bên ngoài biên giới lúc nào cũng sẵn sàng nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng “đủ sức” với tới, bởi các quỹ đầu tư ngoại này rất… “kén cá chọn canh” với nhiều bộ chuẩn mực để đánh giá đối tác, vì thế việc sàng lọc dự án khá chặt chẽ, thậm chí kéo dài.

Chẳng hạn, một số tiêu chí để đối tác nước ngoài đầu tư và cho vay với một dự án bất động sản là hồ sơ pháp lý hoàn thiện, quỹ đất sạch, có quy hoạch 1/500, sẵn sàng xây dựng, thanh khoản cao, phân khúc chiếm thị phần lớn hoặc biên lợi nhuận từ dòng sản phẩm phải hấp dẫn... Thậm chí, đã từng có trường hợp doanh nghiệp lỡ khoản đầu tư từ đối tác ngoại bởi khi đang trong giai đoạn đàm phán, thông tin doanh nghiệp này nợ đọng bảo hiểm xã hội của người lao động bị lộ ra trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tin bài liên quan