Tiên trách kỷ, hậu trách nhân

(ĐTCK-online) Nếu xét trên các yếu tố vĩ mô, có thể TTCK Việt Nam đang chịu những tác động xấu từ chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, sự suy giảm chung của TTCK thế giới... Tuy nhiên, xét về bản thân những yếu tố cấu thành thị trường, có thể nói rằng, TTCK đi xuống một phần do nó bị chi phối bởi… những lá gan chuột nhắt ẩn dấu trong hình dáng của những chú hổ oai phong (khi mới tham gia vào thị trường).

Có câu chuyện từ thủa vỡ lòng mà chắc ai cũng đọc qua. Rằng có hai người bạn đi vào rừng thì gặp Gấu. Một người nhanh chân "tót" lên cây, người chậm hơn thì nằm giả chết… Và Gấu ghé tai nói với người bạn giả chết kia rằng "ai bỏ bạn trong lúc khó khăn là người không tốt". Liệu có trùng hợp không khi TTCK đang được cho là thị trường "Gấu" và nhà đầu tư lũ lượt rũ áo ra đi, chẳng bỏ riêng gì thị trường mà quay lưng với cả túi tiền của chính mình.

TTCK lên hay xuống, bên cạnh bản chất của hàng hóa (như chất lượng, khả năng sinh lời của cổ phiếu) và các chính sách vĩ mô thì quan hệ cung - cầu đóng vai trò rất quan trọng.

Về chất lượng hàng hóa, hiện tại, P/E bình quân thị trường chỉ khoảng 13 - 14 lần. Rất nhiều mã chứng khoán của các doanh nghiệp lớn, có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao, thuộc hàng blue-chip cũng có P/E chỉ khoảng 10 lần. Thậm chí, con số này của nhiều doanh nghiệp về mức 3 đến 4 lần, nhất là ở sàn Hà Nội. Do đó, chúng ta khó có thể kết luận rằng, chất lượng hàng hóa kém dẫn đến thoái lui đầu tư hàng loạt.

Xét trên tương quan so sánh sức mua, chứng khoán đã mất giá gần 70%. CPI của năm 2007 là 12,6%. Trong 2 tháng đầu năm 2008, chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 6%. Giá cả hầu hết hàng hóa đều tăng, ngoại trừ chứng khoán. Thật khôi hài khi một số người vừa qua đã tính toán rằng, một mớ rau muống ngày cao điểm bán tại Hà Nội bằng khoảng 2 lần giá một chứng chỉ quỹ.

Cuối cùng, chúng ta bàn đến quan hệ cung - cầu. Khi cầu mạnh, cung hạn chế, VN-Index tăng là điều tất yếu. Tuy nhiên, khi quan hệ cung - cầu đảo chiều, VN-Index khó lòng cầm cự. Trong những ngày vừa qua, khi thị trường chao đảo, nhiều nhà đầu tư đã đồng loạt xả hàng giá sàn. Và với lượng cung ồ ạt bất chấp giá cả, những nhà đầu tư vững tim nhất cũng khó dám đặt lệnh mua vào, vì "ngày mai lại lỗ".

Bao nhiêu người trong số các nhà đầu tư đang "ngồi trên cây đợi Gấu đi qua" từng tự nhủ: chỉ cần PVC chạm giá 120.000 đồng/CP, FPT chạm ngưỡng 200.000 đồng/CP, rồi 170.000 đồng/CP hay SSI, ACB chạm ngưỡng 100.000 đồng/CP thì chắc chắn sẽ mua vào. Nhưng bây giờ, khi giá của tất cả những cổ phiếu này đều "hợp lý" hơn cả kỳ vọng thì những người đặt lệnh mua vào lại được coi là những người thiếu khôn ngoan?

 Đại diện một quỹ đầu tư nước ngoài đã chán ngán mà nói rằng: "Chẳng ai giết thị trường này cả, các nhà đầu tư cứ thi nhau đạp sàn thì phải tự chịu thiệt thôi! Thị trường cứ hắt hơi sổ mũi vài lần thì sẽ thanh lọc được kha khá! Đến lúc loại hết những người non gan, yếu bóng vía rồi thì TTCK ắt sẽ phát triển!". Nói như vậy kể ra cũng hơi tàn nhẫn nhưng thực ra có một số đông nhà đầu tư cũng đang tàn nhẫn với… chính túi tiền của mình đấy thôi.