Ngành công nghiệp cần có sự bứt phá trong 5 năm tới.

Ngành công nghiệp cần có sự bứt phá trong 5 năm tới.

Tìm giải pháp tạo ba đột phá lớn

(ĐTCK-online) Thảo luận về Dự thảo Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, câu hỏi lớn được đặt ra là liệu giai đoạn này có thể tháo gỡ được các “điểm nghẽn” của phát triển hay chưa.

Nếu giải quyết dứt điểm được ba “điểm nghẽn” cố hữu là hạ tầng, chất lượng lao động và thủ tục hành chính, thì kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 sẽ tạo bước đột phá cho cả giai đoạn 10 năm tới. Tuy nhiên, trao đổi tại buổi Tọa đàm lấy ý kiến cho Dự thảo Kế hoạch 5 năm được tổ chức đầu tuần này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh thừa nhận, việc giải tỏa dứt điểm các “điểm nghẽn” này không hề đơn giản.

Cho dù trong 8 nhiệm vụ cụ thể đã được đưa ra, việc hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển mạnh mẽ hệ thống kết cấu hạ tầng, tập trung vào giao thông đô thị được đưa lên nhóm đầu tiên, song dường như nguồn lực cho các nhiệm vụ này vẫn chưa rõ ràng.

Theo ông Phạm Văn Liêm, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách chiến lược (Bộ Công thương), với nguồn lực hạn hẹp, thì dù quyết tâm cao cũng khó có thể thực hiện được yêu cầu, nhất là với ngành công nghiệp.

“Ngành công nghiệp cần phải có sự bứt phá trong 5 năm tới. Cơ sở để đạt được mục tiêu là công nghệ cao, là các ngành tạo giá trị gia tăng cho công nghiệp. Tuy nhiên, nếu nhìn vào các con số dự định cho phát triển công nghiệp, thì dường như mục tiêu này chưa được thể hiện rõ”, ông Liêm nói.

Điểm mới của Dự thảo Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 trong lĩnh vực công nghiệp là sử dụng chỉ số giá trị gia tăng ngành công nghiệp - xây dựng, thay vì giá trị sản xuất công nghiệp như hiện tại. Cách tính này được các chuyên gia kinh tế đồng tình, vì giá trị gia tăng mới là đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng.

“Nhưng nếu như nhìn vào con số thì lại thấy vấn đề lớn khi giá trị gia tăng ngành công nghiệp - xây dựng bình quân 5 năm tới được dự kiến là 7,5 - 8,5%/năm. Chỉ tiêu này cho thấy, công nghiệp Việt Nam vẫn phát triển theo chiều rộng. Trước đây, có thời điểm, giá trị gia tăng ngành công nghiệp đã đạt khoảng 40%”, ông Liêm bình luận.

Việc xác định rõ cơ cấu công nghiệp sẽ gắn kết với đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ cho mục tiêu này. Hơn thế, định hướng thu hút đầu tư cũng sẽ chuyển dịch theo những định hướng ưu tiên ngành nghề, lĩnh vực trong giai đoạn 5 năm tới. Đây chính là một trong những cơ sở tạo ra con số khoảng 1 triệu doanh nghiệp đăng ký kinh doanh vào năm 2015, có nghĩa là sẽ có thêm 450.000 doanh nghiệp trong 5 năm tới.

Cũng phải nói thêm rằng, kế hoạch phát triển 500.000 doanh nghiệp vào năm 2010 có thể sẽ được vượt qua. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp hiện tại, đến năm 2010, Việt Nam sẽ có khoảng 540.000 doanh nghiệp đăng ký. Như vậy, chỉ riêng trong kế hoạch 5 năm 2006 - 2010, số doanh nghiệp đăng ký mới là khoảng 331.500 doanh nghiệp, vượt 3,4% kế hoạch, tăng gấp đôi so với kế hoạch 5 năm 2001 - 2005.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) băn khoăn về ý nghĩa của các con số này nếu như Dự thảo kế hoạch không làm rõ được định hướng phát triển doanh nghiệp để đạt được mục tiêu về cải thiện năng lực cạnh tranh, phù hợp với độ mở cao của nền kinh tế.

Lý do là, chất lượng của doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang ở mức kém cạnh tranh. Trong khi đó, các điều kiện thuận lợi, chủ yếu là môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng..., thì lại vẫn là những rào cản. “Theo tôi, cũng phải tính tới những kịch bản xấu khi cuộc khủng hoảng kinh tế đến nay vẫn chưa thực sự chấm dứt. Nếu như nhìn vào nền kinh tế Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, thì những dấu hiệu phục hồi còn chưa rõ ràng”, ông Tuấn nói.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, những đánh giá về tồn tại của 5 năm trước vẫn chưa rõ. Nếu không trả lời được câu hỏi tại sao hạ tầng giao thông 5 năm qua chưa có thay đổi rõ rệt, dù nguồn lực được tập trung khá mạnh; tại sao Hà Nội, TP.HCM không đạt được kế hoạch đầu tư xây dựng hệ thống tàu điện ngầm..., thì nhiệm vụ trọng tâm của 5 năm tới chắc cũng không dễ thực hiện.