Tín dụng 2020: Tăng trưởng đi đôi với nâng cao chất lượng

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2020 ở mức 14% và lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN sẽ là rào chắn đối với ngân hàng trong hoạt động tín dụng.
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng năm 2020 ở mức 14%.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng năm 2020 ở mức 14%.

Tăng trưởng tín dụng không quá 14%

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng năm 2020 ở mức 14%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% (không gồm các NHTM yếu kém). Các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ của NHNN đều kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân dưới 4%, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.

Cũng theo Thống đốc Lê Minh Hưng, tín dụng đến cuối năm 2019 tăng trên 13% so với cuối năm 2018 (mục tiêu là khoảng 14%), tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất - kinh doanh. Đến ngày 31/12/2019, tín dụng vào nông nghiệp, nông thôn ước tăng khoảng 11%, chiếm 25% tổng dư nợ nền kinh tế; với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng khoảng 16%; với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng khoảng 15%.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, năm 2020, khi tiêu chuẩn Basel II được triển khai rộng rãi, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của nhiều ngân hàng sẽ bị đánh giá giảm hơn nữa dựa theo công thức mới. Những nhà băng mới được công nhận đáp ứng chuẩn mực Basel II sẽ có cơ chế “thoáng” hơn về room tín dụng. Đến nay, đã có gần 20 ngân hàng Việt áp dụng thành công chuẩn Basel II.

Nắn vốn vào sản xuất, kinh doanh

Tại buổi tổng kết ngành ngân hàng mới đây, Thống đốc Lê Minh Hưng cho hay, tín dụng năm 2020 có điều chỉnh phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường. Tăng trưởng tín dụng định hướng đi đôi với nâng cao chất lượng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, hạn chế tín dụng đen. Tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%.

Một trong các quy định được cho là siết dần tín dụng vào lĩnh vực phi sản xuất, kiểm soát chặt cho vay ở phân khúc bất động sản cấp cao là quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của Thông tư 22/2019/TT-NHNN áp dụng từ ngày 1/10/2020. Tuy nhiên, theo TS. Cấn Văn Lực, thời gian tới, NHNN không cần quản lý tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, mà quản lý hệ số CAR. Ngân hàng cho vay nhiều hay ít cũng sẽ được căn cứ vào hệ số CAR. 

Theo chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI, Thông tư 22 tập trung vào 2 thay đổi chính, đó là giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn và tăng hệ số rủi ro của cho vay bất động sản tiêu dùng từ mức 50% hiện tại lên đến mức trần tối đa là 150%. Riêng trường hợp điều chỉnh tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) tối đa ở mức 85% (hiện ở mức 90% với ngân hàng quốc doanh và 80% với ngân hàng tư nhân), thời gian chuyển tiếp là 2 năm.

NHNN khẳng định, sẽ áp dụng chính sách xem xét cấp hạn mức tín dụng cho từng ngân hàng. Ngân hàng đáp ứng chuẩn Basel II sẽ được cấp hạn mức tín dụng ở mức cao hơn. Ngoài ra, các ngân hàng tham gia các dự án mang tính chất đặc thù của Chính phủ, NHNN, Bộ Tài chính như phát triển nông thôn, hạn chế tín dụng đen… sẽ được ưu tiên trong việc cấp room tín dụng.

Hiện tại, còn 2 ngân hàng là VietinBank, Agribank chưa áp dụng Basel II, do khó đáp ứng tăng vốn điều lệ. Theo lãnh đạo Agribank, năm 2020, Ngân hàng sẽ thực hiện đúng định hướng của NHNN, đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở ngưỡng 12-14%. Các ngân hàng còn lại tăng trưởng tín dụng dao động từ mức 10-14%. Nhóm ngân hàng đang tái cơ cấu, nợ xấu cao nhiều khả năng sẽ bị hạn chế room tín dụng.

Tin bài liên quan