Tín dụng chính sách "điểm sáng" trong hệ thống chính sách giảm nghèo

Tín dụng chính sách "điểm sáng" trong hệ thống chính sách giảm nghèo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phấn đấu đến năm 2030, 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cung cấp…

Tín dụng chính sách ngăn chặn tín dụng đen

Tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Tín dụng chính sách xã hội với vấn đề thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội” do NHCSXH phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 16/8, ông Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhận định, trong nhiều năm qua, nguồn vốn vay tín dụng chính sách đã mang lại sinh kế, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy bình đẳng giới.

Đồng thời, góp phần ngăn chặn các tệ nạn cho vay nặng lãi, tín dụng “đen”, giúp đảm bảo an sinh, trật tự và an toàn xã hội tại các địa phương, nhất là ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã cung cấp nguồn lực thực hiện quan trọng và thật sự trở thành cấu phần bổ trợ tất yếu của các Chương trình mục tiêu quốc gia…

“Góp phần vừa thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, vừa thực hiện các mục tiêu về phát triển xã hội, nổi bật nhất là đưa tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam từ mức gần 60% trong những năm 1990 xuống còn 4,3% năm 2022 (theo chuẩn nghèo đa chiều)”, ông Xuân Thắng nói.

Để có thành tựu trên, ông Dương Quyết Thắng, Tổng giám đốc NHCSXH cho biết, trong hơn 20 năm qua, vốn tín dụng chính sách xã hội đã giải ngân cho hơn 44.284 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; hỗ trợ hơn 6,5 triệu hộ vượt ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho hơn 6,2 triệu lao động; hỗ trợ gần 147 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, hỗ trợ gần 3,9 triệu học sinh sinh viên được vay vốn đi học.

Xây dựng gần 18 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng hơn 729 nghìn căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Giải ngân cho 3.807 lượt doanh nghiệp với số tiền 4.829 tỷ đồng để trả lương cho 1.230 nghìn lượt lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn cả nước theo Nghị quyết số 68/NQ-CP;

Liên quan đến việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, Tổng giám đốc NHCSXH cho biết đã đạt 19.764 tỷ đồng, với trên 355 nghìn lượt khách hàng được vay vốn, trong đó: học sinh sinh viên mua hơn 89 nghìn máy vi tính và thiết bị phục vụ học tập trực tuyến; hỗ trợ mua và xây dựng, sửa chữa, cải tạo cho hơn 19 nghìn căn nhà ở xã hội; hỗ trợ hơn 211 nghìn khách hàng được vay vốn tạo việc làm; hơn 2,6 nghìn cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học được vay vốn mua dụng cụ học tập; hơn 33 nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vay vốn phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, hỗ trợ đất ở, nhà ở, tạo sinh kế.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH phát biểu tại Hội thảo

Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH nhấn mạnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Nghị định, quyết định để triển khai 26 chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH, tạo nên một hệ thống chính sách giảm nghèo đồng bộ, bao phủ các nhóm đối tượng chính sách xã hội được thụ hưởng. Đó là từ hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đến hộ mới thoát nghèo, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động sản xuất kinh doanh tại các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đều được tiếp cận đến nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.

Đồng thời, đa dạng về mục đích vay vốn (từ cho vay để sản xuất, kinh doanh, đến cho vay để phục vụ nhu cầu đời sống…), nhằm thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ quan trọng mà Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội.

"Phấn đấu đạt mục tiêu quan trọng đã được đề ra tại Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030, đó là 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính do NHCSXH cung cấp”, bà Hồng nói.

Khó khăn và giải pháp

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, ông Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, cần thẳng thắn nhìn nhận việc triển khai tín dụng chính sách xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hội còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cơ cấu nguồn vốn tuy đã đa dạng hơn nhưng vẫn chưa thực sự hợp lý và bảo đảm bền vững.

“Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương tại một số tỉnh còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nguồn lực cho mục tiêu giảm nghèo hiện nay vẫn còn bị phân tán, chưa tập trung triệt để về một đầu mối là NHCSXH”, ông Xuân Thắng nhấn mạnh.

Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh xã hội cho biết thêm, mặc dù mức cho vay đã được nhiều lần điều chỉnh và ngày càng nâng cao nhưng mức cho vay của một số chương trình tín dụng chính sách chưa hoàn toàn phù hợp dẫn tới người đi vay không đủ nguồn lực thực hiện mục đích đi vay.

Cụ thể, ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang đề nghị: “Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh nâng mức cho vay chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn từ 10 triệu đồng/công trình lên 30 triệu đồng/công trình”.

Trong khi đó, ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Trà Vinh kiến nghị, cho phép kéo dài thời gian hộ gia đình được thụ hưởng chính sách tín dụng cho vay đối với hộ mới thoát nghèo kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo lên tối đa là 5 năm để người dân có điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng đề xuất bổ sung đối tượng cho vay: hộ cận nghèo dân tộc thiểu số được thụ hưởng chính sách cho vay hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề theo Nghị định số 28/2022/NĐCP; hộ có mức sống trung bình làm nghề nông, lâm, ngư, diêm nghiệp được vay vốn sản xuất kinh doanh; hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình được vay vốn chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở khu vực nông thôn.

Các diễn giả thảo luận tại Hội thảo

Các diễn giả thảo luận tại Hội thảo

Còn ông Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc kiến nghị tăng quy mô của NHCSXH. Theo đó, tập trung huy động nguồn lực để thực hiện tốt các chương trình tín dụng, trong đó nguồn vốn ngân sách trung ương giữ vai trò chủ đạo. Đồng thời, khuyến khích nguồn ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác tham gia thực hiện tín dụng chính sách xã hội; tranh thủ khai thác các nguồn lực của các tổ chức quốc tế để bổ sung nguồn vốn cho vay.

“Trước mắt, cần bố trí đủ nguồn vốn tín dụng chính sách trong giai đoạn 2024-2025 để tiếp tục thực hiện chương trình tín dụng cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP”, ông Hầu A Lềnh nói.

Cũng theo ông Hầu A Lềnh, cần xem xét, bố trí nguồn vốn đầu tư công và phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm cho NHCSXH để chủ động đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về tín dụng chính sách. Nghiên cứu, có cơ chế cho NHCSXH được vay lại nguồn vốn vay nước ngoài với chế độ ưu đãi hơn về lãi suất cũng như các điều kiện tiếp cận. Xem xét, nâng hạn mức phát hành trái phiếu NHCSXH được Chính phủ bảo lãnh, tạo điều kiện huy động nguồn vốn có kỳ hạn dài, ổn định, đáp ứng nhu cầu đầu tư tín dụng, đảm bảo khả năng thanh khoản

“Điều chỉnh linh hoạt nguồn lực giữa các chính sách cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP giữa vốn cấp bù lãi suất, phí quản lý và vốn hỗ trợ lãi suất cho vay cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2022- 2023”, ông Hầu A Lềnh nhấn mạnh.

Tin bài liên quan