Tín dụng "đen" kết hợp công nghệ bùng phát, lãi suất cho vay lên đến trên 1.000%/năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cuối năm là thời điểm nhu cầu vốn của người tiêu dùng gia tăng và đây cũng là cơ hội để tín dụng "đen" len lỏi vào đời sống của người dân.
Tín dụng "đen" kết hợp công nghệ bùng phát, lãi suất cho vay lên đến trên 1.000%/năm

Cho vay với lãi suất trên 1.000%/năm

Chia sẻ tại hội thảo "Xóa sổ tín dụng đen bằng cách nào?" do Báo Tuổi trẻ tổ chức sáng ngày 30/11, Thượng tá Lê Vinh Tùng - Phó Phòng trọng án Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) cho biết, tình hình tội phạm liên quan đến tín dụng đen diễn biến ngày càng phức tạp.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tình hình kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn đã tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống, xã hội như tình trạng nợ lương, mất việc làm, giảm thu nhập… và nhu cầu cung cấp tài chính để phục vụ sản xuất, kinh doanh và phục vụ sinh hoạt tăng.

Trong khi đó, có thời điểm, trên một số lĩnh vực đầu tư, sản xuất, kinh doanh, các tổ chức tín dụng thắt chặt việc cấp tín dụng. Lợi dụng tình trạng trên, các đối tượng gia tăng hoạt động cho vay lãi nặng, kèm theo đó là sự gia tăng phức tạp của một số loại tội phạm liên quan đến tín dụng "đen" như giết người, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản dưới hình thức đòi nợ trái pháp luật… gây bức xúc dư luận.

Theo Thượng tá Tùng, tội phạm liên quan đến tín dụng "đen" phản ánh rõ trên 3 phương thức: Truyền thống, truyền thống kết hợp công nghệ và công nghệ mới hoàn toàn.

Đặc biệt, gần đây đã phát hiện thủ đoạn các đối tượng thành lập doanh nghiệp (Công ty tài chính, doanh nghiệp, công ty luật) mua lại các khoản nợ xấu, nợ khó đòi sau đó gọi điện, nhắn tin đe dọa nhằm cưỡng đoạt tài sản.

Bên cạnh đó, tội phạm tín dụng "đen" sử dụng công nghệ cao, mạng xã hội hoặc tạo lập các app giả, nhái của ngân hàng, tổ chức tín dụng để dụ dỗ, mời chào vay tiền, yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân sau đó sử dụng để nhắn tin, đe dọa, đòi nợ. Thậm chí, các đối tượng lừa đảo yêu cầu người vay tiền đặt cọc sau đó chiếm đoạt.

Thực hiện Chỉ thị số 12 của Thủ tướng về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen, trong năm qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố 538 vụ án/944 bị can; Xử phạt hành chính 305 vụ/396 đối tượng; trong đó khởi tố 485 vụ/772 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; khởi tố 27 vụ/35 bị can về tội cố ý gây thương tích, 17 vụ/108 bị can về tội Cưỡng đoạt tài sản…

Lũy kế trong 4 năm thực hiện Chỉ thị 12 (2019-2022), cơ quan công an đã phát hiện 3.772 vụ/6.810 đối tượng hoạt động tín dụng đen; khởi tố 2.113 vụ án/4.343 bị can liên quan tín dụng đen.

Riêng Cục Cảnh sát hình sự đã phối hợp với nhiều địa phương để đấu tranh, xử lý các hành vi phạm tội với phương thức thủ đoạn mới, hoạt động núp bóng doanh nghiệp, đan xen nhiều lĩnh vực, nhiều địa bàn, nhất là các vụ án cưỡng đoạt tài sản tại Tiền Giang, TP.HCM, Hà Nội... Trong đó, Cục Cảnh sát hình sự đã triệt phá hai chuyên án các đối tượng sử dụng công nghệ cao để hoạt động tín dụng đen.

Theo Thượng tá Tùng, qua đấu tranh tội phạm tín dụng đen, Cơ quan Công an còn phát hiện các đối tượng người nước ngoài (Trung Quốc, Nam Phi, Nga, Latvia) đến Việt Nam thành lập, thu mua, thuê người đứng tên doanh nghiệp có chức năng cầm đồ, tư vấn, kinh doanh tài chính, tuyển dụng nhân viên để sử dụng các ứng dụng, website cho vay lãi nặng với lãi suất trên 1.000%/năm.

"Cục Cảnh sát hình sự tiếp tục tham mưu Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác phòng ngừa nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, xác minh, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen", Thượng tá Tùng nói.

Thượng tá Lê Vinh Tùng - Phó Phòng trọng án Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an)

Thượng tá Lê Vinh Tùng - Phó Phòng trọng án Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an)

Giải pháp nào để chặn tín dụng "đen"?

Để ngăn chặn tình trạng tín dụng "đen" bùng phát, nhất là dịp cuối năm, Thượng tá Tùng cho rằng, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 12/CT-TTg, Công điện số 766/CĐ-TTg ngày 24/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động tín dụng "đen" và các văn bản chỉ đạo có liên quan gắn với thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 27/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng "đen".

Thứ hai là thường xuyên tuyên truyền phòng ngừa tín dụng "đen" tại nơi công cộng, khu dân cư, trường học, khu công nghiệp, nơi tập trung đông công nhân, người lao động, trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên không gian mạng qua các phương tiện điện tử với nhiều hình thức sinh động, đa dạng, dễ tiếp cận đến người dân gắn với các vụ án, vụ việc cụ thể. Đồng thời, tiếp tục huy động hệ thống chính trị vào cuộc phát hiện, xóa, bóc gỡ, tháo dỡ tờ rơi, biển quảng cáo liên quan đến hoạt động tín dụng "đen".

Thứ ba, UBND các cấp, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan kịp thời giải quyết vấn đề an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm, tạo sinh kế cho người dân gặp khó khăn. Phổ biến, hướng dẫn, hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vay vốn ưu đãi, an toàn. Xây dựng các mô hình kinh tế lành mạnh, hướng dẫn người dân sử dụng tài chính cá nhân và phục vụ sản xuất kinh doanh an toàn, hiệu quả.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực có liên quan, trọng tâm là ứng dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cở sở dữ liệu của các bộ, ngành để quản lý nhà nước.

Trước mắt hoàn tất việc xác thực, làm sạch và loại bỏ sim “rác”, tài khoản ngân hàng “ảo”; xác thực thông tin các tài khoản trên không gian mạng; hỗ trợ ngành ngân hàng, các tổ chức tín dụng, công ty tài chính chính thống rút ngắn thời gian, thủ tục cấp tín dụng cho người dân góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước nói chung, phòng chống hoạt động tín dụng "đen" nói riêng. Thúc đẩy gói vay tín chấp qua DLDC để tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận nguồn vay vốn chính thống.

Kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp các bộ, ngành rà soát, phát hiện, yêu cầu doanh nghiệp có liên quan tăng cường kiểm duyệt, gỡ bỏ, cấm hoạt động đối với các ứng dụng, website liên quan đến hoạt động tín dụng "đen"; có phương án sao lưu, phục hồi dữ liệu phục vụ công tác điều tra, xử lý tội phạm; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các cá nhân, doanh nghiệp có liên quan theo quy định pháp luật hiện hành.

Đồng thời, Thượng tá Tùng cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật trong các lĩnh vực của ngành ngân hàng dễ bị các đối tượng lợi dụng để hoạt động tín dụng "đen" (vay trực tuyến, vay ngang hàng, trung gian thanh toán, ví điện tử, đầu tư, kinh doanh dịch vụ tài chính…); tăng cường quản lý nhà nước trong việc cấp phép đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện đối với các Công ty tài chính, tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, ví điện tử; tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện các vi phạm để xử lý nghiêm.

Kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi các quy định của Điều 201 Bộ luật Hình sự (tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự) theo hướng tăng nặng hình phạt tương ứng với số tiền thu lời bất chính phù hợp với các loại tội phạm tương tự, giảm mức lãi suất cấu thành tội phạm (từ gấp 05 lần xuống gấp 03 lần lãi suất quy định Bộ Luật dân sự).

Bổ sung các quy định để xử lý các hành vi phát tán thông tin số lượng lớn vi phạm quy định về viễn thông, an toàn thông tin trên không gian mạng nhất là để quảng cáo, dụ dỗ mời chào cho vay, đánh bạc, mại dâm, lừa đảo; xử lý các hành vi thành lập, lôi kéo, hướng dẫn “bùng nợ”, các hành vi mua bán thông tin của chính mình cho người khác gây hậu quả nghiêm trọng trong đó có hậu quả từ tội phạm... Phối hợp Bộ Tư pháp kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong đó bổ sung một số ngành nghề thường phát sinh hoạt động tín dụng "đen".

Tin bài liên quan