Tín dụng vẫn có những "cửa ra"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong 6 tháng đầu năm 2023, tín dụng tăng chậm, nhưng theo ông Trương Đình Long, Phó tổng giám đốc OCB, vẫn có nhiều phân khúc khách hàng tiềm năng.
Ông Trương Đình Long, Phó tổng giám đốc OCB

Ông Trương Đình Long, Phó tổng giám đốc OCB

Diễn biến 6 tháng đầu năm nay cho thấy, kinh tế trong và ngoài nước đối mặt với nhiều khó khăn. Ông có đánh giá gì về tình hình kinh tế và nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp, phân khúc nào là động lực để tín dụng tăng trưởng?

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với những giải pháp kịp thời của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước như chính sách tài khóa tập trung đẩy mạnh đầu tư công, liên tục hạ lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn đã góp phần tạo nên con số tăng trưởng kinh tế 3,72% trong 6 tháng đầu năm nay.

Có thể thấy một số điểm sáng của nền kinh tế như khu vực dịch vụ đang trên đà phục hồi mạnh mẽ, đóng góp chủ yếu vào mức tăng chung của nền kinh tế, “cứu cánh” cho sự phục hồi chậm của khu vực công nghiệp và xây dựng. Cụ thể, khu vực dịch vụ tăng 6,33%, đóng góp 78,85% trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế. Trong khi đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,07%, đóng góp 9,28%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,13%, đóng góp 11,87%.

Các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, thu hút khách du lịch quốc tế bằng các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch và các hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh đã góp phần duy trì tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Trong khu vực này, một số ngành đóng góp tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế là bán buôn và bán lẻ (tăng 8,49%), vận tải, kho bãi (tăng 7,18%), dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 15,14%).

Với nhận định nhóm khách hàng đầu tư công, xuất nhập khẩu, bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng sẽ góp phần tạo động lực tăng trưởng tín dụng, trong 6 tháng đầu năm 2023, chúng tôi tập trung xây dựng các chính sách phát triển khách hàng theo các phân khúc ngành như thương mại tiêu dùng nhanh, vận chuyển - kho bãi, nhà thầu thi công sửa chữa đường bộ và các công trình giao thông…

Nhu cầu tín dụng phân khúc khách hàng cá nhân chững lại trong 6 tháng đầu năm 2023

Nhu cầu tín dụng phân khúc khách hàng cá nhân chững lại trong 6 tháng đầu năm 2023

Phân khúc khách hàng cá nhân có nhu cầu tín dụng chững lại trong 6 tháng qua. Ông có nhận xét gì về tình trạng này và Ngân hàng làm thế nào để tăng tính cạnh tranh trong mảng cho vay khách hàng cá nhân?

Tôi cho rằng, với những bất ổn đến từ tình hình chính trị trên thế giới và biến động chung của kinh tế trong nước thời gian qua đã ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Theo đó, thu nhập của phần lớn người dân giảm sút cộng với tâm lý thận trọng dẫn đến nhu cầu chi tiêu, mua sắm, đầu tư của nhóm khách hàng cá nhân ở mức thấp, khiến nhu cầu tín dụng chững lại.

Tuy nhiên, chúng tôi nhìn nhận vẫn có các phân khúc khách hàng tiềm năng, có thu nhập cũng như hoạt động kinh doanh ổn định. Điển hình như nhu cầu vay sản xuất - kinh doanh nhỏ dành cho các hộ kinh doanh buôn bán, sản xuất, các hộ kinh doanh hàng hóa cơ bản, thiết yếu, hay nhu cầu vay mua nhà để ở hoặc tích lũy tài sản trong bối cảnh giá tài sản được đưa về mặt bằng hợp lý. Theo đó, nhiệm vụ của Ngân hàng là nhận diện đúng đối tượng khách hàng và cung cấp đúng sản phẩm khách hàng cần, với trải nghiệm thuận tiện nhất.

Cùng với chiến lược phát triển bán lẻ, chú trọng đến việc tăng trưởng bền vững, trong những năm qua, Ngân hàng tập trung hướng đến phân khúc khách hàng trung lưu, đặc biệt là nhóm khách hàng trong độ tuổi trẻ, gia đình trẻ, nhóm khách hàng có nguồn thu nhập ổn định từ lương và nhóm khách hàng sản xuất - kinh doanh ổn định. Đây là phân khúc có nhu cầu cao trong việc mua và sở hữu ngôi nhà mơ ước để ở hoặc tích lũy tài sản, bên cạnh các nhu cầu tín dụng nhằm ổn định cuộc sống như vay mua ô tô, vay phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh…

Dựa trên định hướng đó, OCB xác định cạnh tranh dựa trên “hành trình trải nghiệm dịch vụ”. Chẳng hạn, năm 2021, chúng tôi triển khai hành trình cho vay mua nhà với sản phẩm Dreamhome, hướng đến khách hàng mua nhà lần đầu, sản phẩm An Cư hướng đến khách hàng có nguồn thu từ lương. Năm 2023, OCB đẩy mạnh cho vay sản xuất - kinh doanh hộ kinh doanh, kết hợp chương trình phủ xanh VietQR OCB để giải quyết toàn diện nhu cầu vốn kinh doanh và thanh toán số cho khách hàng, với các quyền lợi đặc quyền.

Cụ thể hóa trong việc thúc đẩy phát triển mảng tín dụng khách hàng cá nhân, OCB đã xây dựng những gói lãi suất ưu đãi từ 7,5%/năm cho khách hàng vay vốn trong giai đoạn hiện nay, với thủ tục đơn giản, thời gian nhanh chóng bằng áp dụng các công nghệ số thẩm định và quy trình cho vay.

Ngân hàng Nhà nước vừa điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 từ 14 - 15% xuống khoảng 14%. Ông có thể chia sẻ chiến lược của OCB nhằm giành “miếng bánh” tín dụng trong thời gian tới?

Nhóm khách hàng đầu tư công, xuất nhập khẩu, bán lẻ, dịch vụ tiêu dùng sẽ tạo động lực tăng trưởng tín dụng.

Hiện nay, đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, chúng tôi chú trọng vào việc mở rộng quy mô khách hàng tín dụng trong các phân khúc mục tiêu.

Thứ nhất, tập trung vào phân khúc khách hàng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nhằm tăng trưởng và mở rộng nhanh quy mô khách hàng tín dụng. Chúng tôi nhận định, đây là phân khúc tiềm năng nhất, đa dạng khách hàng và nhu cầu vốn lớn. Thực tế, phân khúc khách hàng nhỏ và siêu nhỏ chiếm trên 95% số lượng khách hàng trên thị trường và liên tục mở rộng về mặt số lượng khách hàng mới.

Thứ hai, đối với phân khúc khách hàng quy mô vừa, OCB tập trung vào các lĩnh vực, ngành nghề có tiềm năng tăng trưởng ổn định và mang lại doanh thu lớn nhất trong các lĩnh vực kinh doanh như thi công xây lắp và vật liệu xây dựng, thương mại tiêu dùng nhanh, vận chuyển - kho bãi, công nghệ - viễn thông và lĩnh vực cung cấp tiện ích cơ bản như điện, nước sinh hoạt, nước thải, môi trường, năng lượng.

Thứ ba, chúng tôi ưu tiên cấp tín dụng dựa trên các phân khúc khách hàng có tiềm năng và nhu cầu giao dịch nhiều, nhằm cân đối giữa việc cấp tín dụng và dòng tiền mang lại, vừa đảm bảo an toàn trong tín dụng, vừa đảm bảo hiệu quả trong kinh doanh. Ngoài ra, Ngân hàng cũng sẽ cung cấp các giải pháp thanh toán kết hợp tín dụng nhằm cung cấp đầy đủ các tiện ích tối ưu trong hoạt động kinh doanh của khách hàng.

Riêng đối với khách hàng doanh nghiệp lớn, OCB chọn lựa việc đồng hành, gắn kết và hỗ trợ vốn vay cho khách hàng theo chủ trương của Chính phủ. Theo đó, chúng tôi xây dựng các chương trình lãi suất cho vay/phí tín dụng ưu đãi, kích cầu tín dụng, nhất là tín dụng ngắn hạn của nhóm đối tượng khách hàng mục tiêu như đầu tư công, xuất nhập khẩu, bán lẻ, dịch vụ tiêu dùng. Xây dựng chuyên đề cải tiến tinh gọn quy trình và thủ tục cấp tín dụng, giảm thời gian xử lý và tối ưu trải nghiệm của khách hàng. Triển khai các gói giải pháp, sản phẩm bổ trợ cho khách hàng như giải pháp thanh toán trọn gói có hàm lượng công nghệ cao, giải pháp dịch vụ ngân hàng đầu tư, tư vấn, cấu trúc tài chính, bên cạnh giao dịch vay vốn truyền thống. Đẩy mạnh hoạt động nền tảng công nghệ số hóa vào các sản phẩm, dịch vụ cho vay, mang đến sự tiện lợi, tối đa hóa được lợi ích cho khách hàng, cung cấp đầy đủ các thông tin để khách hàng có những lựa chọn tốt nhất.

Tin bài liên quan