Tính phương án mới về thẩm quyền cấp giấy phép lái xe

0:00 / 0:00
0:00
Việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ đang được khẩn trương hoàn thiện, với một phương án mới về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.
Hiện có nhiều ý kiến trái chiều về đề xuất chuyển việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông - Vận tải sang Bộ Công an.

Hiện có nhiều ý kiến trái chiều về đề xuất chuyển việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông - Vận tải sang Bộ Công an.

Chỉ quy định nguyên tắc

Không chỉ một, mà nhiều hội thảo đã được tổ chức trong tuần qua để tham vấn ý kiến các cơ quan, tổ chức, chuyên gia... nhằm tiếp tục hoàn thiện việc sửa Luật Giao thông đường bộ, theo yêu cầu của Chính phủ.

Trong đó, Bộ Công an đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp bộ “Những vấn đề lý luận và thực tiễn của việc chuyển chức năng quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ từ Bộ Giao thông - Vận tải sang Bộ Công an”. Sự kiện này đã nhận được 60 tham luận của lãnh đạo bộ, ban, ngành trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài ngành công an.

Mục tiêu của Hội thảo được xác định là để bổ sung, làm rõ thêm luận cứ khoa học của đề xuất chuyển giao chức năng quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ từ Bộ Giao thông - Vận tải sang Bộ Công an.

Đây có lẽ cũng là việc làm cần thiết để thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao là tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, thuyết minh, giải trình về đề xuất giao Bộ Giao thông - Vận tải hoặc Bộ Công an quản lý cần thật sự thuyết phục.

Lý do là, cuối năm 2020, khi xem xét sửa Luật Giao thông đường bộ, có đến 321 đại biểu (trong số 407 người thể hiện chính kiến) không đồng ý với việc chuyển giao chức năng nói trên.

Khi đó, các đại biểu Quốc hội đã nêu hàng trăm ý kiến (thảo luận ở tổ và hội trường), phân tích sâu cả về lý luận và thực tiễn cho thấy việc chuyển giao là không hợp lý. Chính vậy, việc giải trình thực sự thuyết phục, như yêu cầu của Chính phủ, là không dễ.

Theo Luật Giao thông đường bộ hiện hành, Bộ Giao thông - Vận tải chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giao thông đường bộ (trong đó có quản lý đào tạo, sát hạch lái xe; cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ).

Bộ Công an thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông đường bộ theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Phương án trình Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ mười là chuyển chức năng quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ sang Bộ Công an, và như đã nói trên, đa số đại biểu Quốc hội không tán thành.

Nhưng đến nay, Bộ Công an vẫn khẳng định, ngành công an thực hiện nhiệm vụ này là phù hợp, bởi Bộ Giao thông - Vận tải có chức năng quản lý nhà nước về xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng, phương tiện và vận tải đường bộ; Bộ Công an có chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Trong khi đó, việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe là xác định điều kiện để một người được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ và quản lý sau khi được cấp giấy phép lái xe - hoạt động liên quan đến trật tự, an toàn xã hội (quản lý hành vi của con người).

Nhưng, một phương án mới cũng đã được tính đến. Bộ Công an đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉnh lý theo hướng không quy định bộ, ngành cụ thể thực hiện chức năng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe vào Dự thảo và Chính phủ sẽ phân công theo đúng quy định của Luật Tổ chức Chính phủ sau khi Luật được ban hành.

Vẫn phải báo cáo Quốc hội đầy đủ

Khoản 2, Điều 39, Luật Tổ chức Chính phủ quy định, Chính phủ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng bộ, cơ quan ngang bộ.

Dẫn quy định này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang cho biết, không phải riêng với việc sửa Luật Giao thông đường bộ, mà quá trình chỉnh lý các dự thảo luật nói chung, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội luôn có quan điểm là việc gì thuộc thẩm quyền Chính phủ, thì Chính phủ tự phân công theo đúng Luật Tổ chức Chính phủ.

Ông Giang cũng nhắc đến yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 56/2017/QH14 (về tiếp tục cải cách bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả) là “không lồng ghép các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế vào các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước”.

Nhưng đôi khi, ông Giang nêu thực tế, với một số vấn đề trong một số luật, việc thuộc thẩm quyền Chính phủ mà ý kiến trong Chính phủ còn khác nhau, thì lại trình nội dung đó ra Quốc hội.

Với những cơ sở như trên, theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, tới đây, khi trình Quốc hội sửa Luật Giao thông đường bộ, có thể không quy định bộ, ngành cụ thể thực hiện chức năng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe vào Dự thảo luật, nhưng vẫn phải báo cáo với Quốc hội đầy đủ nội dung này.

Lý do là, Luật Giao thông đường bộ hiện hành quy định nội dung đó, Dự thảo luật trình Quốc hội khóa XIV cũng giữ quy định đó, nên khi có phương án mới, cơ quan trình dự luật vẫn phải báo cáo đầy đủ những vấn đề đại biểu đã nêu.

“Tất cả nội dung Quốc hội khóa XIV đã thảo luận, trong đó có việc chuyển chức năng quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ sang Bộ Công an, đều cần phải báo cáo lại đầy đủ khi trình Quốc hội khóa này sửa Luật Giao thông đường bộ”, ông Giang nhấn mạnh.

Đồng tình việc Chính phủ có thể phân công, song theo một số đại biểu Quốc hội, hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe không chỉ liên quan đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, mà còn liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của công dân, nên việc trình Quốc hội xem xét cũng là cần thiết.

Việc sửa Luật Giao thông đường bộ đã được Chính phủ thống nhất tách thành 2 luật, Bộ Giao thông - Vận tải chủ trì soạn thảo Dự án Luật Đường bộ, còn Bộ Công an chủ trì soạn thảo Dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, có nội dung về thẩm quyền đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ. Chính phủ cũng dự kiến trình Quốc hội bổ sung cả 2 luật vào chương trình xây dựng luật năm 2022.

Tiếp cận ở góc độ rộng hơn

Theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, mục tiêu của chính sách chuyển giao thẩm quyền đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe nên được tiếp cận ở góc độ rộng hơn cho phù hợp với việc tách luật. Theo đó, vấn đề cần được xác định là chất lượng đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe đang chưa đạt được chất lượng như mong muốn, là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông trầm trọng như hiện nay. Mục tiêu chính sách cần được xác định là nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe, trong đó, chuyển thẩm quyền được xem là một trong những giải pháp để đạt mục tiêu này.

Tin bài liên quan