Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tổ công tác của Thủ tướng đề nghị Bộ VHTT&DL cải cách mạnh hơn

Tổ công tác của Thủ tướng đề nghị Bộ VHTTDL cải cách mạnh mẽ hơn vì người dân và doanh nghiệp, “thông tư hướng dẫn nghị định chứ không thành trói buộc doanh nghiệp”.

Như tin đã đưa, ngày 18/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng dẫn đầu Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) về tình hình thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Tại buổi kiểm tra, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã giải trình làm rõ về hàng loạt vấn đề được nêu ra.

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, ngành du lịch đang phát triển chưa từng có. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển nhanh như vậy, cũng không tránh khỏi nhiều vấn đề cần  xử lý.

Một vấn đề cụ thể được ông Tuấn đề cập đến đó là sự cố xảy ra vào tối 13/5, có liên quan đến đoàn khách du lịch Trung Quốc mặc áo phông in bản đồ có hình “đường lưỡi bò” phi pháp. Ngay sau khi phát hiện vụ việc, đơn vị này đã tham mưu cho Bộ VHTT&DL xử lý kịp thời.

“Tinh thần là chúng ta xử lý kịp thời, nhưng phải mềm dẻo”, ông Tuấn nói.

Về vấn đề tour 0 đồng, ông Tuấn cho rằng chính quyền các địa phương phải vào cuộc giải quyết quyết liệt hơn. Vừa qua Tổng cục Du lịch có đi Trung Quốc khảo sát, chính các doanh nghiệp của Trung Quốc và các hãng hàng không cũng kiến nghị vấn đề này.

Ông Tuấn cũng cho biết khi xảy ra sự cố hướng dẫn viên hành nghề trái phép và giới thiệu xuyên tạc lịch sử, Bộ VHTT&DL đã làm việc trực tiếp với các địa phương để phối hợp giải quyết theo phương án mềm dẻo, linh hoạt, không tạo ra cách hiểu mang tính kỳ thị.

Đề cập đến vấn đề tour 0 đồng, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, khách du lịch vào Việt Nam ở khách sạn, ăn uống… đều phải trả tiền, đi chơi cũng phải trả vé cho di tích… “Vấn đề ở đây là nhà bán tour bên kia rất rẻ thì họ lấy tiền đâu trả cho mình thôi, còn mình vẫn thu đủ”, ông Thiện giải thích.

Theo ông Thiện, chính vì bán tour 0 đồng, nên mới có chuyện các đơn vị tổ chức lữ hành đưa khách vào các cửa hàng bán giá rất cao để bù lại những gì đã bỏ ra.

“Nhiệm vụ của ngành du lịch là đưa khách vào quản lý họ, còn bán cửa hàng nào – mua ở đâu thì thì phải quản lý thị trường, họ trốn thuế thì thuế phải quản lý, họ chuyển tiền – đổi tiến thề nào thì ngân hàng phải làm”, ông Thiện phân tích.

Trong khi đó, lãnh đạo Cục Di sản cho biết các sai phạm trong việc tu bổ di tích đã được chấn chỉnh, các vụ việc nổi cộm giảm nhiều trong thời gian qua.

Tuy nhiên, đầu năm 2018 lại xảy ra các vụ việc tại Tràng An (Ninh Bình), chùa Bổ Đà (Bắc Giang) và miếu Bà Chúa Xứ (An Giang).

“Lãnh đạo các tỉnh này đều đã có văn bản nhận trách nhiệm về việc buông lỏng quản lý. Chúng tôi đã xử lý rất kiên quyết”, lãnh đạo Cục Di sản cho biết. 

Cũng theo vị này, điều kiện kinh doanh dịch vụ bảo tàng còn có bất cập, chẳng hạn về diện tích tối thiểu của bảo tàng, ở các tỉnh thì dễ đáp ứng hơn nhưng ở Hà Nội thì có khi chỉ 200 m2 đã là khó.

Cắt giảm 70% điều kiện kinh doanh vũ trường, karaoke

Trong khi đó, đại diện Cục Văn hóa cơ sở cũng cho biết hiện đang thực hiện nghiêm túc chủ trương rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, như trong kinh doanh karaoke, vũ trường… dự kiến sẽ cắt giảm tới khoảng 70% điều kiện.

“Tuy nhiên do đây là các lĩnh vực chuyên sâu nên trước mắt chúng tôi đề xuất chưa cắt giảm trong một nghị định sửa nhiều nghị định mà xây dựng một nghị định riêng, sẽ sớm trình Chính phủ”, vị này nói.

Tổ công tác của Thủ tướng đề nghị Bộ VHTT&DL cải cách mạnh hơn ảnh 1

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tại buổi kiểm tra. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Phát biểu tại buổi kiểm tra, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và đại diện các hiệp hội doanh nghiệp đều đánh giá cao nỗ lực cải cách của Bộ trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Đình Cung, nhiều quy định vẫn thể hiện tư duy cũ, hạn chế sự sáng tạo.

Chẳng hạn quy định “nhập khẩu phim phải có rạp”, theo TS Nguyễn Đình Cung, là một quy định phi kinh tế, không chia sẻ rủi ro, chính vì thế mà các doanh nghiệp của Việt Nam khó gia nhập thị trường này và thất thế trước các doanh nghiệp nước ngoài.

 “Về du lịch, tôi cho rằng Việt Nam phải đón tới 50-60 triệu lượt khách mỗi năm thì mới tương xứng với tiềm năng. Ta đang tạo ra các rào cản mà không huy động được hết nguồn lực, sự sáng tạo trong dân”, TS Nguyễn Đình Cung nhận định và đề nghị Bộ cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy quản lý.

Cụ thể, thay vì tư duy “cho phép làm một số thứ” như hiện nay, nên quy định cụ thể những gì bị cấm, còn lại người dân và doanh nghiệp được tự do làm. Cách tiếp cận này có thể áp dụng trong nhiều lĩnh vực như lưu hành ca khúc, quản lý quảng cáo…

Vị Viện trưởng cũng cho rằng Bộ đang ban hành rất nhiều thông tư can thiệp vào các hoạt động của người dân, doanh nghiệp  như tập yoga thế nào, dạy bóng đá ra sao…

Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho biết Thông tư 06 năm 2017 hướng dẫn Luật Du lịch vẫn không quy định Hiệp hội được tổ chức thi và cấp chứng chỉ điều hành dịch vụ du lịch.

Trong khi đó, Luật Du lịch đã cho phép và tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ là những gì doanh nghiệp, hiệp hội làm được thì nhà nước không nên làm.

Không bóp méo điều kiện kinh doanh

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết Tổ công tác tiếp thu hoàn toàn các ý kiến, kiến nghị từ Bộ VHTT&DL và các đại biểu; tổng hợp các vấn đề, bất cập được nêu ra tại buổi kiểm tra, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng.

Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chỉ đạo các đơn vị có kế hoạch tổ chức thực hiện, khắc phục các vấn đề mà Thủ tướng đã gợi ý.

Cùng với đó, hết sức tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế theo tinh tần đổi mới tư duy, phát huy sáng tạo. Về phía VPCP, sẽ hết sức nỗ lực phối hợp với Bộ VHTT&DL trong công tác này.

Đặc biệt, về các điều kiện kinh doanh, Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị Bộ tiếp tục rà soát kỹ hơn, những gì không lượng hóa được, còn chung chung, không rõ ràng thì dứt khoát cắt giảm, bãi bỏ.

Tránh để điều kiện kinh doanh trở thành tiêu chuẩn, quy chuẩn trong thông tư, dứt khoát các điều kiện kinh doanh phải nằm trong nghị định thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

“Thông tư hướng dẫn nghị định chứ không thành trói buộc doanh nghiệp, bóp méo điều kiện kinh doanh hay bóp méo thủ tục hành chính. Cải cách mạnh mẽ hơn vì doanh nghiệp và người dân chính là dư địa cho tăng trưởng”, Bộ trưởng nói và lấy ví dụ như nước Pháp có dân số trên 60 triệu nhưng mỗi năm đón tới hơn 80 triệu khách du lịch.

Phát biểu cuối buổi kiểm tra, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Thủ tướng và kết luận của Tổ trưởng Tổ công tác, tiếp tục nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế.

Tin bài liên quan