Thanh toán không tiếp xúc đang trở lên phổ biến.

Thanh toán không tiếp xúc đang trở lên phổ biến.

Trải nghiệm số người dùng trong cuộc đua Fintech

(ĐTCK) Không chỉ là trả tiền điện, nước, điện thoại, mà hiện đổ xăng, thanh toán hóa đơn siêu thị, cửa hàng… qua phương thức không tiếp xúc cũng đang dần trở nên phổ biến khi cuộc đua Fintech tỏa rộng.

Ðẩy mạnh thanh toán không tiếp xúc

Chị Nguyễn Thanh An (quận Thủ Ðức, TP.HCM) chia sẻ, trước đây, mỗi lần đi Grap hay vào siêu thị, chị thường dùng thẻ ngân hàng để thanh toán, nhưng từ khi các ngân hàng và ví điện tử liên kết đẩy mạnh thanh toán qua mã QR Code, chị không còn sử dụng phương thức thanh toán qua thẻ nữa.

“Chỉ cần bật điện thoại và đưa mã QR Code cho nhân viên thanh toán là xong, không cần phải lo lắng về việc mất thẻ, hay quên mật khẩu”, chị An nói.

Không chỉ sử dụng một cách dễ dàng, thuận tiện, mà theo chị An, thanh toán bằng mã QR có nhiều cái lợi, tích lũy rất nhiều ưu đãi, cũng như được hoàn tiền vào ví điện tử, có khi lên tới 30% giá trị hóa đơn.

Ngày càng có nhiều người lựa chọn phương thức thanh toán không tiếp xúc (không dùng tiền mặt, không dùng thẻ) khi điện thoại thông minh (smart phone) trở nên phổ biến và nhiều công ty công nghệ tài chính (Fintech) vào cuộc phát triển các dịch vụ thanh toán điện tử.

Chẳng hạn, Payoo đã cung cấp giải pháp chấp nhận mọi thanh toán (Payoo One-Stop Payment Acceptance), giúp doanh nghiệp chấp nhận đa dạng phương thức thanh toán như thẻ quốc tế, thẻ ngân hàng nội địa, ví điện tử, QR Code từ các ứng dụng ngân hàng và các phương thức thanh toán khác (coupon, voucher, thẻ trả trước…) trên một thiết bị duy nhất.

Mới đây, Payoo đã hợp tác cùng Ngân hàng HSBC Việt Nam để cung cấp giải pháp chấp nhận thanh toán đa kênh (HSBC’s Omni Channel Collections) dành cho khách hàng của HSBC tại thị trường Việt Nam, đưa Việt Nam thành thị trường thứ 5 giới thiệu giải pháp này trong mạng lưới toàn cầu của HSBC.

Ðầu tháng 12/2019, Payoo đã triển khai giải pháp thanh toán toàn diện tại hơn 200 cửa hàng tại trung tâm mua sắm Aeon Mall Hà Ðông.

Hiện các cửa hàng tại Aeon Mall Hà Ðông đã có thể chấp nhận tất cả các hình thức thanh toán: Zalo Pay, ví điện tử Moca trên ứng dụng Grab, thẻ quốc tế (Visa, MasterCard, JCB), thẻ ATM của tất cả các ngân hàng nội địa, thanh toán qua QR Code trên 21 ứng dụng của 18 ngân hàng.

Trong khi đó, ví MoMo đã bắt tay với các siêu thị, bệnh viện, thậm chí là trung tâm hành chính của các tỉnh, thành phố trên cả nước để “giành” thị phần thanh toán qua ví điện tử, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

Saigon Co.op kết hợp MoMo đẩy mạnh số hóa kênh mua sắm trong hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… và trở thành nhà bán lẻ đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ số trên diện rộng.

Trong năm 2020, hai bên sẽ còn phối hợp triển khai hàng loạt các dịch vụ, ứng dụng mới trên nền tảng công nghệ như thẻ quà tặng (voucher), thẻ trả trước (Prepaid Card); xây dựng các giải pháp về gian hàng điện tử; cung cấp dịch vụ chuyển tiền qua ví điện tử; thanh toán điện tử chuyên sâu cho từng mô hình kinh doanh...

Hiện Saigon Co.op là nhà bán lẻ hàng tiêu dùng hàng đầu Việt Nam có hơn 800 siêu thị, trung tâm thương mại phân bố ở cả ba miền.

Ông Nguyễn Anh Ðức, Phó tổng giám đốc thường trực Saigon Co.op cho biết, trước đây, tỷ lệ thanh toán không tiền mặt ở Saigon Co.op chỉ khoảng 3 - 5%, tuy nhiên sau thời gian hợp tác với MoMo, tỷ trọng này đã tăng nhanh chóng, hiện đạt khoảng 30%.

Việc này cũng đem lại lợi ích cho cả hai bên, nhất là khách hàng.

Theo định hướng phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, rất nhiều ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán và doanh nghiệp đã nỗ lực cung cấp nhiều giải pháp thanh toán điện tử hiện đại như QR Code trên ứng dụng ngân hàng, ví điện tử, thẻ thanh toán không tiếp xúc..., đặc biệt là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng bằng robot.

Tăng trải nghiệm cho khách hàng

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ khiến trí tuệ nhân tạo (AI), thuật toán, dữ liệu lớn không còn là đặc quyền của các tổ chức lớn.

Các dịch vụ cố vấn robot đang nhắm đến những người trẻ tuổi và mới tham gia vào thị trường, hứng thú với một nền tảng kỹ thuật số có thể giúp họ lập kế hoạch và dự báo về số tiền có thể tích lũy được trong tương lai.

Ðón đầu xu hướng này, ngân hàng bắt đầu ứng dụng robot vào giao dịch.

Mới đây, Nam A Bank đã ra mắt không gian giao dịch số tích hợp hệ sinh thái thiết bị hiện đại, đặc biệt là ứng dụng AI nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Tại đây, Nam A Bank cũng “trình làng” robot OPBA và trở thành ngân hàng Việt tiên phong đưa robot vào phục vụ khách hàng.

Lần đầu tiên tại Việt Nam, khách hàng được trải nghiệm đa không gian giao dịch với các thiết bị hiện đại, đón đầu xu hướng công nghệ 4.0 như tablet, LCD touch screen.

Ðáng chú ý là sự xuất hiện của Robot OPBA và chi nhánh số VTM OPBA.

Hệ sinh thái này được hợp kênh ứng dụng trên nền tảng Open Banking của Nam A Bank sẽ “giải phóng” khách hàng khỏi những định nghĩa thông thường về một ngân hàng.

Ðến không gian giao dịch số của Nam A Bank, ngay khi bước vào sảnh, khách hàng sẽ gặp gỡ robot OPBA để được tư vấn mọi thắc mắc theo nhu cầu, thay vì phải đợi chờ xếp hàng tại quầy.

Với những cử động đã được lập trình tự động hóa, robot OPBA có khả năng nhận diện khuôn mặt khách hàng bằng tính năng Face ID hiện đại, chủ động chào hỏi hỗ trợ khách hàng.

Ðặc biệt, khi cần trao đổi trực tiếp với nhân viên ngân hàng, robot OPBA sẽ đưa ra lựa chọn và hướng dẫn khách hàng đến quầy giao dịch.

Việc Nam A Bank triển khai các chi nhánh số nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu giao dịch ngân hàng của người bận rộn. Cụ thể, khách hàng có thể rút tiền, in/xem sổ phụ tài khoản…, thậm chí là phát hành thẻ và có nhân viên hỗ trợ 24/7 thông qua hệ thống tương tác video trên máy VTM OPBA mà không cần đến ngân hàng.

OCB cũng kết hợp với IBM - SeaTech & FPT - ECQ triển khai thành công Open API - hệ sinh thái của ngân hàng mở.

Trong khoảng hai năm gần đây, người dùng ngày càng dễ dàng thực hiện các thao tác trên tài khoản ngân hàng như kiểm tra số dư tài khoản, dư nợ vay, gửi tiết kiệm, vay ngân hàng, đầu tư tài chính, thanh toán hóa đơn... trên ứng dụng của các đơn vị cung cấp không phải là ngân hàng, mà không cần truy cập Internet Banking hay Mobile Banking của chính ngân hàng.

Nhiều mô hình kinh doanh mới đã ra đời nhờ vào công nghệ nền kết nối mở (OPEN API), là nền tảng để hiện thực hóa thuật ngữ ngân hàng mở (Open Banking).

Ðây được coi là một trong những công nghệ sẽ thay đổi toàn diện ngành tài chính ngân hàng sắp tới.

API (Application Programming Interface), hay lập trình giao diện ứng dụng có thể được xem như nền tảng kết nối trung gian giúp các chương trình ứng dụng tương tác và chia sẻ dữ liệu với nhau.

Trong lĩnh vực tài chính, API có thể được sử dụng để kết nối nhiều sản phẩm dịch vụ từ đối tác bằng việc cho phép bên thứ ba, bên cung cấp dịch vụ thanh toán, hoặc các dịch vụ ngân hàng được phép khai khác truy cập hệ thống và truy xuất thông tin dữ liệu liên quan của ngân hàng.

Qua đó, hình thành nên hệ sinh thái giúp người dùng có thể cùng lúc sử dụng nhiều dịch vụ ngay trên một ứng dụng, thay vì sử dụng chúng ở nhiều ứng dụng, nhiều nền tảng và ở nhiều thời điểm khác nhau.

Ðây cũng là tiền đề giúp xây dựng, phát triển các mô hình ngân hàng số trong hệ sinh thái mở.

Thông qua OPEN API, lĩnh vực ngân hàng trên thế giới đang trong một cuộc cách mạng mới, hình thành nên nhiều mô hình kinh doanh hứa hẹn mang đến những giá trị đột phá cho khách hàng.

Ông Nguyễn Quang Minh - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty SeaTech, đơn vị triển khai OPEN API cho biết, các công ty, ngân hàng đang chuyển sang OPEN API để giúp xây dựng cầu nối cho các tổ chức khác và khai thác khả năng, dữ liệu của đối tác.

Phát triển OPEN API sẽ là hướng tiếp cận giúp ngân hàng giải quyết được bài toán đa dạng hóa dịch vụ tài chính, tiếp cận đến các tệp khách hàng khác nhau với chi phí về nguồn lực con người, tài chính hợp lý và thời gian phát triển sản phẩm sẽ được rút ngắn đáng kể.

Tại Việt Nam, OCB là một trong những ngân hàng tiên phong với mô hình ngân hàng mở với nền tảng OPEN API.

Thông qua ứng dụng OCB OMNI, người dùng không chỉ sử dụng những dịch vụ thuần túy của ngân hàng như chuyển tiền, tiết kiệm, mà còn trải nghiệm những sản phẩm dịch vụ từ các đối tác liên kết.

Ông Dư Xuân Vũ - Giám đốc Khối Công nghệ của OCB cho biết, thời gian qua, Ngân hàng đã nghiên cứu và ứng dụng công nghệ OPEN API để số hóa sản phẩm dịch vụ.

Hiện ngân hàng đang liên kết với AirPay, VnPay, Momo... giúp khách hàng thanh toán hoá đơn điện, nước, Internet, nạp tiền điện thoại ngay trên ứng dụng OCB OMNI hoặc chuyển tiền qua các ví để mua sắm, thanh toán dịch vụ.

“Nhờ kết nối với đối tác thông qua API, khách hàng của OCB OMNI có thể tiếp cận với nhiều sản phẩm đầu tư tài chính như mua bảo hiểm (du lịch, xe máy, tai nạn) hay đầu tư chứng chỉ quỹ VinaCapital hoàn toàn trực tuyến ngay trên ứng dụng.

Ngoài ra, ứng dụng còn tích hợp nhiều dịch vụ tài chính của các công ty Fintech như UrBox mang đến giá trị cộng thêm cho khách hàng thông qua các chương trình tích điểm đổi quà, trả thưởng, ưu đãi giảm giá”, ông Vũ cho biết.

Với sự quan tâm của Chính phủ đối với cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm ứng dụng các thành quả công nghệ số như big data, AI, blockchain… để đổi mới bộ mặt kinh tế Việt Nam, chuyển đổi số ngân hàng sẽ là một trong những nhiệm vụ mũi nhọn và sẽ đạt được những thành công nhất định.

Tin bài liên quan