Sự an toàn và tiện lợi là yếu tố thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ tiền mặt sang các hình thức thanh toán số

Sự an toàn và tiện lợi là yếu tố thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ tiền mặt sang các hình thức thanh toán số

Trào lưu ngân hàng số

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các poster quảng cáo ngành ngân hàng gần đây tràn ngập hình ảnh ngân hàng số. Trào lưu số hóa mới bắt đầu.

Thanh toán không tiếp xúc tăng vọt

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho rằng, năm 2020, đại dịch Covid-19 đã nhanh chóng làm suy yếu các thành tựu phát triển trên toàn cầu trong những thập kỷ gần đây và làm chậm lại tăng trưởng ở nhiều nền kinh tế châu Á, trong đó có Việt Nam.

“Tuy nhiên, trong mọi cuộc khủng hoảng đều có những cơ hội. Và cơ hội lần này như chúng ta đều biết, đó là Covid-19 đã thúc đẩy việc sử dụng những tiến bộ của công nghệ kỹ thuật số. Những bước tiến nhanh chóng trong ứng dụng công nghệ kỹ thuật số không chỉ đem lại lợi ích ngay trong đại dịch mà còn thúc đẩy sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ khi dịch bệnh qua đi”, ông Andrew Jeffries nhấn mạnh.

Thực tế, trước đại dịch, người Việt Nam dành 3,1 giờ trực tuyến mỗi ngày, nhưng trong thời gian giãn cách xã hội, con số đó đã tăng vọt lên 4,2 giờ. Cụ thể hơn, số liệu từ một cuộc khảo sát của Visa cho thấy, 85% người tiêu dùng sử dụng các ứng dụng thương mại điện tử trên điện thoại thông minh để mua sắm hàng hóa và dịch vụ ít nhất một lần một tuần và 44% người tiêu dùng lần đầu tiên mua sắm qua các kênh mạng xã hội kể từ khi đại dịch lan rộng.

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong năm 2020, số lượng giao dịch qua kênh Internet là hơn 475,3 triệu giao dịch, với giá trị khoảng 27,7 triệu tỷ đồng (tăng 13,3% về số lượng và 24,8% về giá trị so với năm 2019); số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt hơn 1.182 triệu giao dịch, với giá trị khoảng 12,6 triệu tỷ đồng (tăng 114,0% và 118,1% so với năm 2019).

Dịch vụ thanh toán thẻ tiếp tục được các ngân hàng quan tâm phát triển. Đến cuối năm 2020, số lượng thẻ lưu hành đạt 111,8 triệu thẻ, tăng khoảng 12,2% so với cuối năm 2019. Các ngân hàng thương mại đã tích hợp thêm nhiều tính năng vào thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán hàng hóa, dịch vụ; đồng thời, chất lượng dịch vụ thẻ cũng như độ an toàn trong thanh toán thẻ được các ngân hàng chú trọng và nâng cao.

Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng và tổ chức triển khai hiệu quả kế hoạch phát triển thanh toán thẻ ngân hàng qua thiết bị chấp nhận thẻ (POS). Trong năm 2020, số lượng giao dịch qua POS đạt trên 362,2 triệu giao dịch, tăng khoảng 16,7% so với năm 2019.

Bên cạnh thẻ, giải pháp thanh toán qua mã phản hồi nhanh (QR Code) được các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đẩy mạnh như một lựa chọn thanh toán linh hoạt, triển khai nhanh, chi phí hợp lý để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt với nhóm khách hàng là các đơn vị bán hàng nhỏ lẻ. Đến cuối năm 2020, khoảng 20 ngân hàng đã triển khai dịch vụ thanh toán QR Code và số lượng giao dịch thanh toán qua QR code tăng 82,4%.

Theo số liệu từ mạng lưới VisaNet, tổng giá trị giao dịch của người tiêu dùng Việt Nam trên thẻ tín dụng và ghi nợ Visa trong quý I/2021 tăng 34% so với quý I/2020. Tỷ lệ giao dịch không tiếp xúc trên tổng số giao dịch trực tiếp của thẻ Visa tăng 230% so với cùng kỳ. Tỷ lệ tăng trưởng của tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử trong quý I/2021 tăng 5,5 lần so với quý IV/2020.

Trong năm 2020, thanh toán thẻ không tiếp xúc được dùng nhiều nhất trong danh mục thực phẩm và ăn uống, với 67% người tiêu dùng tăng cường sử dụng phương thức này. Thanh toán qua mã QR cũng tăng vọt trong đại dịch, đặc biệt trong các giao dịch hàng ngày như thanh toán hóa đơn (71%), mua sắm trong lĩnh vực bán lẻ (58%) và tại siêu thị (57%).

Ngoài ra, người tiêu dùng Việt Nam đã nhanh chóng áp dụng các phương thức thanh toán mới mà không cần tiếp xúc trực tiếp, cụ thể là chạm để thanh toán. Xu hướng này được khẳng định khi thanh toán không tiếp xúc bằng di động dần trở nên phổ biến, với mức tăng cao nhất trong các giao dịch thuộc lĩnh vực sức khỏe và thể thao (55%). Có đến 88% người được khảo sát biết đến thanh toán không tiếp xúc bằng di động và 45% đang sử dụng phương thức này.

Những tham vọng lớn

Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào nhận xét: “Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thói quen mua sắm và thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam đã thay đổi đáng kể khi người dân mong muốn những trải nghiệm mua sắm an toàn, tiện lợi hơn. Đó là lý do vì sao chúng ta thấy nhiều người lần đầu tiên sử dụng thanh toán không tiếp xúc và ngày càng nhiều công ty chuyển dịch sang nền tảng kỹ thuật số và các xu hướng này sẽ được duy trì”.

VPBank dự kiến sẽ có 70% khách hàng đến từ kênh digital.

Sự an toàn và tiện lợi là yếu tố thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ tiền mặt sang các hình thức thanh toán số, với 58% người được khảo sát của Visa cho biết, sự an toàn của thanh toán kỹ thuật số so với tiền mặt là lý do chính của sự thay đổi này và hơn một nửa (56%) cho rằng, thanh toán số ít rắc rối hơn. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, mở rộng phòng giao dịch truyền thống bị kiểm soát, đẩy mạnh công nghệ sẽ giúp các ngân hàng tiết kiệm được chi phí và cuối cùng mang lại lợi ích kinh tế cho các cổ đông.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, có cổ đông chất vấn Ban lãnh đạo VPBank về chiến lược số hoá thời gian qua và sắp tới sẽ như thế nào?

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho hay, chiến lược số hóa được Ngân hàng thực hiện từ năm 2016 và bắt đầu có hiệu quả. VPBank sẽ số hóa thông qua việc tự động hóa, robot hóa…, giúp giảm chi phí vận hành, từ đó giảm nhân sự có chọn lọc. Dự kiến, 70% khách hàng đến từ kênh digital. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đang ở mức trung bình thị trường, khoảng 17% trong quý I/2021, dự kiến sẽ tăng dần, đạt 1 - 2 triệu khách hàng, thông qua nâng cấp các nền tảng digital.

Trong 10 năm qua, tổng tài sản của VPBank tăng 7 lần, dư nợ tăng 13 lần, vốn chủ sở hữu tăng 10 lần, tổng thu nhập hoạt động tăng 30 lần. Chi phí vốn trong năm 2020 cao hơn một số ngân hàng khác, nhưng trong quý I/2021 đã giảm 1% so với mức trung bình năm 2020. Năm nay, mục tiêu quan trọng của VPBank là cải thiện nguồn huy động giá vốn thấp.

“Theo đó, VPBank xác định số lượng thực sự khách hàng có giao dịch mới là quan trọng, chứ không phải là khách hàng mở tài khoản”, ông Vinh nhấn mạnh.

Tại Techcombank, Tổng giám đốc Jens Lottner thừa nhận, có những sự cố xảy ra vào cuối tuần, ngày nghỉ, ngày lễ do lượng giao dịch thực hiện trên kênh số rất lớn, bởi chi nhánh truyền thống không hoạt động. Trước đây, 1 giây có thể chỉ xử lý vài nghìn đến vài chục nghìn giao dịch, nhưng hiện đã lên tới hàng triệu giao dịch. Ngoài việc đầu tư vào nền tảng Mobile Banking trên điện thoại di động, Ngân hàng có tham vọng đưa nền tảng lên điện toán đám mây, không bị giới hạn lượng giao dịch.

Được biết, Techcombank đang xin Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo về việc đưa dữ liệu lên điện toán đám mây.

Đối với MB, khẳng định tiếp tục đầu tư mạnh cho công nghệ thông tin, phấn đấu thực hiện mục tiêu “số 1 về nền tảng số, nằm trong Top 3 ngân hàng bán lẻ tại thị trường Việt Nam”, Tổng giám đốc Lưu Trung Thái chia sẻ, MB sẽ ứng dụng Robotics cho các quy trình lõi; thu hút khách hàng mới và giữ chân khách hàng trên các nền tảng số, với tốc độ tăng trưởng gấp 2 - 3 lần so với năm 2020, hoàn thiện App MB và Biz MB...

Theo các nghiên cứu mới nhất về số hóa các ngân hàng Việt Nam, đăng tải trong Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2021, mức độ số hóa mới chỉ ở giai đoạn đầu là nâng cấp hạ tầng công nghệ. Để thành ngân hàng số thực sự cần thời gian và điều quyết định là năng lực quản trị số của dàn lãnh đạo cấp cao.

Tin bài liên quan