Triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%: Tâm lý e ngại từ cả ngân hàng và khách hàng

Triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%: Tâm lý e ngại từ cả ngân hàng và khách hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Qua 3 tháng triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, các ngân hàng thương mại đã vào cuộc rất tích cực, nhưng mức giải ngân còn khiêm tốn do nhiều lý do.

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP tổ chức sáng nay 26/8.

Theo đó, các ngân hàng thương mại đã khẩn trương ban hành quy định nội bộ; tổ chức tập huấn toàn hệ thống tới từng chi nhánh, phòng giao dịch; rà soát đối tượng thuộc các ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất. Đồng thời, chủ động thông tin, tuyên truyền, đặc biệt một số ngân hàng còn phối hợp với chính quyền địa phương để truyền tải về chương trình hỗ trợ lãi suất tới các đối tượng thụ hưởng chính sách.

Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết thêm: “Hội nghị ngày hôm nay cũng là hội nghị thứ 4 liên quan đến chủ đề này với 3.400 đại biểu được kết nối trên toàn quốc. Chưa có chính sách nào được triển khai quyết liệt như Nghị định số 31”.

Tuy nhiên, do độ trễ của chính sách nên bước đầu kết quả triển khai chưa được nhiều. Theo báo cáo nhanh từ các ngân hàng thương mại, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt gần 4.407 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 4.300 tỷ đồng. Dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đến cuối tháng 8/2022 khoảng 13,5 tỷ đồng.

Phát biểu tại Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng thừa nhận: “Kết quả sơ bộ ban đầu chưa được như kỳ vọng, trong khi chương trình này nhận được sự mong đợi của Chính phủ, người dân…”.

Nguyên nhân của kết quả còn hạn chế được chỉ rõ tại Hội nghị, đó là đối tượng được hỗ trợ lãi suất của Nghị định 31. Cụ thể, khi triển khai trong thực tiễn cho thấy, các ngân hàng thương mại gặp khó khăn trong xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất trong một số trường hợp khách hàng hoạt động sản xuất, kinh doanh đa ngành. Hiện nay, nhiều hộ gia đình sản xuất kinh doanh vay vốn tại các ngân hàng thương mại, nhưng không có đăng ký hộ kinh doanh, nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ. Do đó, vẫn cần các bộ, ngành tiếp tục có giải đáp, hướng dẫn cụ thể hơn.

Ông Nguyễn Trần Mạnh Trung, Phó tổng giám đốc VietinBank nói: “Khách hàng của Ngân hàng kinh doanh đa ngành nghề, khó bóc tách, khó xác định phân tách chi phí sử dụng vốn vay”.

Hay như vẫn còn tâm lý e ngại của các ngân hàng thương mại khi triển khai thực hiện, lý do bởi một số chương trình hỗ trợ lãi suất (gồm chương trình hỗ trợ lãi suất năm 2009 và một số chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước) vẫn chưa được quyết toán số tiền đã hỗ trợ lãi suất cho khách hàng.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank chia sẻ: “TPBank đã phân loại các khách hàng thuộc các nhóm ngành để chuyển về từng đơn vị. Ngân hàng đã tiếp cận gần 500 khách hàng, tuy nhiên số lượng khách hàng có đề nghị hỗ trợ khá thấp, số lượng khách hàng đang xem xét là gần 30 khách hàng, đã hỗ trợ cho 2 khách hàng và từ chối 6 khách hàng. Trong khi đó, vẫn còn tồn đọng vài tỷ tiền hỗ trợ lãi suất chưa thể thanh toán được từ nhiều năm trước”.

Được biết, một số chi nhánh ngân hàng thương mại đã chủ động liên hệ, hướng dẫn khách hàng làm thủ tục, hồ sơ hỗ trợ, song bản thân khách hàng (nhất là các doanh nghiệp) cũng có tâm lý e ngại trong trường hợp sơ suất khi tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước, phải tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ông Nguyễn Việt Cường, Phó tổng giám đốc Vietcombank chia sẻ: “Khách hàng đề xuất hỗ trợ cũng không quá nhiều. Khách hàng thực tế cũng cân nhắc và thận trọng vì đã trải qua thời điểm gói hỗ trợ lãi suất năm 2009 với nhiều hồ sơ, thủ tục, thanh tra, kiểm toán… số tiền được hỗ trợ”.

Cũng tại Hội nghị, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết, Ngân hàng có 348 hồ sơ thuộc nhóm được hỗ trợ lãi suất theo quy định. BIDV đã thực hiện hỗ trợ lãi suất cho 20 khách hàng doanh nghiệp với tổng dư nợ là 4.650 tỷ đồng và số tiền hỗ trợ lãi suất là 6,6 tỷ đồng.

“Kết quả còn rất khiêm tốn so với kỳ vọng của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại. Doanh nghiệp kinh doanh nhiều ngành nghề, rất khó tách bạch là vay cho lĩnh vực này hay lĩnh vực khác. Bên cạnh đó, các khách hàng phải trả đúng hạn mới được hỗ trợ, gia hạn thì không được…, nên rất ít khách hàng vay. Cần cân bằng được lợi ích và chi phí bỏ ra để thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất”, ông Tú nói.

- Ngày 16/8/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.

- Ngày 24/8/2022, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức cuộc họp với các ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh một số tỉnh, thành phố để nắm bắt tình hình, tiếp tục trao đổi, rà soát, chấn chỉnh và giải đáp kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc thuộc thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, ngành ngân hàng tiếp tục xác định chương trình hỗ trợ lãi suất là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng của ngành được Quốc hội và Chính phủ giao do đó sẽ quyết tâm thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Tin bài liên quan