Trong trường hợp huỷ niêm yết sàn HOSE, cổ phiếu FLC có đủ điều kiện giao dịch UPCoM?

Trong trường hợp huỷ niêm yết sàn HOSE, cổ phiếu FLC có đủ điều kiện giao dịch UPCoM?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với trường hợp cổ phiếu FLC bị huỷ niêm yết, Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico cho biết, việc chuyển sàn do Sở giao dịch phối hợp với VSD thực hiện chứ không phụ thuộc vào quyết định đăng ký chuyển sàn hay không chuyển sàn của công ty đại chúng bị hủy niêm yết.

Cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán có thể bị hủy niêm yết bắt buộc hoặc tự nguyện hủy niêm yết. Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán quy định 14 trường hợp bị hủy niêm yết bắt buộc khi doanh nghiệp có một số vi phạm các điều kiện, quy định của thị trường.

Theo đó, cổ phiếu sẽ bị hủy niêm yết nếu doanh nghiệp bị hủy tư cách công ty đại chúng, ngừng hoặc bị ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh chính từ 1 năm trở lên; bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép hoạt động chuyên ngành; doanh nghiệp bị thua lỗ 3 năm liên tiếp hoặc lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm.

Ngoài ra, cổ phiếu cũng bị hủy niêm yết nếu cổ phiếu không có giao dịch trên sàn trong 12 tháng hoặc doanh nghiệp không đưa cổ phiếu vào giao dịch trong vòng 90 ngày kể từ ngày được chấp thuận niêm yết…

Đối với trường hợp tự nguyện, quyết định hủy niêm yết phải được Đại hội đồng cổ đông biểu quyết thông qua theo quy định của Luật Doanh nghiệp và phải được trên 50% số phiếu biểu quyết của các cổ đông nhỏ (sở hữu dưới 5% vốn điều lệ công ty) thông qua. Việc hủy bỏ niêm yết tự nguyện chỉ được thực hiện sau tối thiểu 2 năm sau khi niêm yết.

Cũng tại Nghị định 155, Khoản 2 Điều 121 quy định cổ phiếu của công ty hủy bỏ niêm yết nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng phải đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM.

Theo quy định tại Điều 32, Luật Chứng khoán, công ty đại chúng là công ty cổ phần có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ hoặc là công ty đã thực hiện chào bán thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng thông qua đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Như vậy, sau khi bị huỷ niêm yết bắt buộc trên sàn HOSE, cổ phiếu FLC vẫn đáp ứng điều kiện công ty đại chúng với vốn điều lệ 7.099,9 tỷ đồng, hơn 64.700 cổ đông và nhiều khả năng sẽ được giao dịch trên sàn UPCoM.

Chia sẻ thêm về câu chuyện này, Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật Basico cho biết, đối với công ty hủy niêm yết, Sở giao dịch (trường hợp này là HOSE) có trách nhiệm phối hợp với VSD đăng ký giao dịch đối với cổ phiếu của công ty bị hủy niêm yết là công ty đại chúng.

"Theo Nghị định 155/2020NĐ-CP, cổ phiếu của công ty hủy niêm yết, nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng phải đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM. Việc chuyển sàn do Sở giao dịch phối hợp với VSD thực hiện chứ không phụ thuộc vào quyết định đăng ký chuyển sàn hay không chuyển sàn của công ty đại chúng bị hủy niêm yết", Luật sư Trần Minh Hải cho biết.

Ngoài ra, tổ chức có cổ phiếu bị hủy niêm yết chỉ được đăng ký niêm yết lại sau khi giao dịch tối thiểu 02 năm trên hệ thống giao dịch UPCoM.

Theo quy định tại Điểm b Khoản 2, Điều 133, Nghị định 155, trong thời gian 7 ngày kể từ ngày 20/2, HOSE có trách nhiệm phối hợp với Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) thực hiện các thủ tục đăng ký giao dịch UPCoM đối với cổ phiếu FLC. Tuy nhiên, thời điểm giao dịch trên UPCoM còn phải chờ quyết định chấp thuận của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đơn vị đang vận hành thị trường UPCoM.

Tin bài liên quan