Xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên phải kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế với văn hoá, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, gắn kết chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng - an ninh và tăng cường công tác đối ngoại.

Xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên phải kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế với văn hoá, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, gắn kết chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng - an ninh và tăng cường công tác đối ngoại.

Trụ đỡ kinh tế nơi “phên dậu” Tổ quốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một trong các mục tiêu của Nghị quyết số 23/NQ-CP về phát triển kinh tế khu vực biên giới đất liền vừa được Chính phủ ban hành ngày 2/3/2023 là phát triển bền vững kinh tế-xã hội vùng biên giới gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội; giảm nghèo bền vững, thu hẹp chênh lệch vùng, miền…

Những nỗ lực âm thầm

Nghị quyết 23 nêu rõ, khu vực biên giới là một địa bàn trọng yếu, đóng vai trò là “phên dậu” của quốc gia, với đường biên giới trên đất liền trải dài hơn 5.000 km bao gồm nhiều cửa khẩu thông với các nước láng giềng nên việc phát triển kinh tế, thương mại, an sinh xã hội trên khu vực này rất quan trọng và cần thiết. Mục tiêu nhằm phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo… qua đó tạo điều kiện cho kinh tế của một vùng, một địa phương cũng như cả quốc gia phát triển...

Được biết năm 2020, sản xuất nông nghiệp tại khu vực biên giới đã đóng góp cùng với ngành nông nghiệp cả nước thể hiện vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế trong lúc khó khăn, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu. Đồng thời, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch khi kim ngạch thương mại biên giới đạt 30 tỷ USD, chiếm 5,5% tổng kim ngạch thương mại của cả nước nói chung và 21,5% tổng kim ngạch thương mại với Trung Quốc, Lào, Campuchia nói riêng…

Để có được các con số ấn tượng trên đó là những nỗ lực âm thầm của những con người nơi vùng biên. Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thành, sinh ra tại Thanh Hóa nhưng hiện an cư tại thôn Ngọc Thư, xã Đắk Xú, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum vốn là lính trinh sát tại chiến trường Campuchia nay là chủ Trang trại Thành Thoa cho biết: “Trang trại mấy chục héc-ta gia đình đang trồng trọt, chăn nuôi vốn là bãi mìn của cuộc chiến tranh chống Mỹ được tôi quyết tâm xin địa phương về tự rà phá, cải tạo. Thời gian đầu, bằng kinh nghiệm của người lính, không dùng cuốc bổ xuống đất mà chỉ dùng xẻng, tôi đã rà phá gần hết khu vực này rồi sau đó có thêm lực lượng công binh hỗ trợ thêm. Giờ mảnh đất này “sạch” 100% và chúng tôi yên tâm làm việc”.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Agribank (thứ 4 từ phải sang) cùng cán bộ Agribank Kon Tum chụp ảnh lưu niệm với cựu chiến binh Nguyễn Văn Thành trước ngôi nhà khang trang vừa xây xong từ nguồn thu nhập của trang trại gia đình (tháng 3/2023).

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Agribank (thứ 4 từ phải sang) cùng cán bộ Agribank Kon Tum chụp ảnh lưu niệm với cựu chiến binh Nguyễn Văn Thành trước ngôi nhà khang trang vừa xây xong từ nguồn thu nhập của trang trại gia đình (tháng 3/2023).

Với 10 héc-ta trong đó 7 héc-ta trồng cà phê, hồ tiêu, cau xuất khẩu, còn 3 héc-ta đào ao thả cá, làm chuồng trại nuôi heo nái, lợn rừng, gà... không những giúp kinh tế hộ gia đình phát triển ổn định, ông Thành cho biết, còn tạo công việc cho những người dân xung quanh đây. Chỉ tay vào ngôi nhà khang trang trị giá trên 3 tỷ đồng, ông Thành nói: “Tôi mới xây nhà từ năm 2020 bởi tất cả lợi nhuận thu được qua các năm đều quay trở lại chăn nuôi, trồng trọt. Các con được đi học bài bản về phụ giúp gia đình từ kỹ thuật đến quản lý trang trại và hướng dẫn người làm trong nhà cũng như bà con xung quanh”.

Anh Bùi Văn Quyển, làng Tum, xã Ya Ly, huyện Sa Thầy, cũng là một cựu quân nhân bám trụ tại cao nguyên đại ngàn cho biết, thời gian đầu xin phép chính quyền địa phương vài héc-ta đất để khai hoang trồng cây công nghiệp, cây ăn quả đến nay anh Quyển đã có trang trại khoảng 40 héc-ta, mỗi năm cho giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng. Thời gian đầu chủ yếu trồng cây cao su và vườn cây cao su nhà anh đã từng được coi là đẹp nhất Sa Thầy nhưng những lúc rảnh rỗi, anh Quyền lại đi Tiền Giang, Bến Tre hay sang Đắk Lắk, Đắk Nông để học hỏi và tìm thêm những hướng đi khác cho gia đình.

Anh Quyền cho biết: “Một héc-ta cao su chăm sóc tốt nhất mỗi năm cũng chỉ cho thu đến 120 triệu đồng, trong khi các nhà vườn ở Bến Tre, Tiền Giang chỉ vài nghìn mét vuông trồng sầu riêng, măng cụt cũng thu hàng tỷ đồng. Vậy nên, tôi thay đổi dần cơ cấu cây trồng, từ cây cao su là chính sang cây sầu riêng là chủ yếu nhưng vẫn giữ lại khoảng mười héc-ta cao su để lấy ngắn nuôi dài”.

Anh Bùi Văn Quyển (áo trắng) đưa đoàn cán bộ Agribank Kon Tum đi thăm vườn cây cao su của gia đình (tháng 3/2023).

Anh Bùi Văn Quyển (áo trắng) đưa đoàn cán bộ Agribank Kon Tum đi thăm vườn cây cao su của gia đình (tháng 3/2023).

Chị Dư Thị Thanh Vân, vợ anh Bùi Văn Quyển cho biết thêm, cùng với nỗ lực phát triển trang trại, dù đang vay vốn tại Agribank nhưng gia đình chị vẫn hỗ trợ những người làm việc trong trang trại mượn tiền để xây nhà. “Có được cơ sở vật chất ổn định cuộc sống, mọi người cùng yên tâm làm việc, nỗ lực phát triển trang trại. Chúng tôi còn gì vui hơn”, chị Vân nói.

Cùng người dân bám đất, bám làng

Trong bữa cơm tối tại trang trại sát hồ Yaly, anh Quyển nhớ lại những ngày đi đánh cá ở hồ Yaly rồi mang ra thị xã Kon Tum bán và đau đáu: “Có sức để làm mà không vay được vốn ngân hàng thì chịu chết”. Và những hoài bão của cựu quân nhân người Hà Nội đã được các cán bộ tín dụng Agribank huyện Sa Thầy ủng hộ. Và niềm tin của Agribank đã thể hiện qua nguồn tín dụng lên tới trên 12 tỷ đồng trong nhiều năm qua đã giúp vợ chồng anh Quyển-Vân có được trang trại nuôi, trồng bài bản, quy mô và khoa học, với đủ loại gồm ổi, bơ, xoài, mãng cầu, nhưng nhiều nhất và chủ lực vẫn là sầu riêng và mít Thái…

Tương tự anh Quyển, cựu quân nhân Nguyễn Văn Thành nhờ nguồn vốn vay ban đầu tại Agribank chi nhánh Ngọc Hồi chỉ 15 đến 20 triệu đồng vào năm 1998 đến nay ông Thành đã có một trang trại chăn nuôi, trồng trọt theo mô hình trang trại hữu cơ cho năng suất cao. Hơn thế, từ 2017 đến 2019, giá heo giảm mạnh nhưng Agribank chi nhánh Ngọc Hồi tạo điều kiện, khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất, cùng với sự động viên của chính quyền địa phương ông đã vượt qua được nghịch cảnh.

“Từ khoản vay lên đến 12 tỷ đồng hiện tôi đã trả được phần lớn chỉ còn dư nợ khoảng 3,2 tỷ đồng. Năm sau tôi có ý định mở rộng sản xuất với việc thêm hệ thống chuồng trại để nuôi thêm 300 heo nái, lúc ấy, tôi chắc chắn sẽ vay thêm vốn của Agribank. Ngân hàng tôi “chung thủy” suốt 25 năm qua, người đồng hành tin cậy của tôi cũng như nhiều nông hộ trên địa bàn huyện Ngọc Hồi nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng”, ông Thành nói.

Bà Hà Thị Thanh Hòa, Phó Giám đốc Agribank Kon Tum cho biết, với mục tiêu đi xa và đi với nhiều người, Agribank Kon Tum luôn quan tâm đến việc đồng hành, hỗ trợ đời sống của người dân ngày càng phát triển. Thấu hiểu tâm lý e ngại khi làm dự án, hồ sơ, thủ tục vay vốn của bà con, đội ngũ cán bộ tín dụng của Agribank Kon Tum thường xuyên bám cơ sở, tận tình giúp đỡ bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm… để tiếp cận nguồn vốn Ngân hàng và phát triển kinh tế.

“Đặc biệt, điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng có cơ cấu tổ chức như một chi nhánh của Agribank phục vụ không những hai xã Mô Rai và Hơ Moong thuộc huyện Sa Thầy mà còn hỗ trợ khách hàng ở huyện biên giới như Ia H’Drai đến giao dịch”, bà Hoà nói.

Anh Nguyễn Công Thuỵ, thôn Tân Sang, xã Hơ Mong, huyện Sa Thầy nói: “Trước kia, mỗi lần đi trả nợ vay Ngân hàng thì phải đi rất xa và bất tiện. Có điểm giao dịch lưu động như thế này, bà con đỡ tốn công, tốn thời gian, thuận tiện cho bà con rất nhiều”.

Năm 2022, Agribank Kon Tum đã triển khai 84 phiên bằng xe ô tô chuyên dùng với tổng số 2.123 lượt khách hàng giao dịch. (Ảnh: Nguồn Agribank Kon Tum)

Năm 2022, Agribank Kon Tum đã triển khai 84 phiên bằng xe ô tô chuyên dùng với tổng số 2.123 lượt khách hàng giao dịch. (Ảnh: Nguồn Agribank Kon Tum)

Và hơn thế, các khách hàng ở huyện Ia H’Drai cho biết, do chưa có chi nhánh Agribank và ATM nên trước kia thường phải đi trên 80km đến tỉnh Gia Lai để giao dịch. Với điểm giao dịch lưu động đặt tại xã Mô Rai cách huyện Ia H’Drai hơn 35km, người dân rút ngắn được một nửa thời gian đi lại. Nhưng quan trọng hơn, cảm giác để được giao dịch tại Agribank không còn là điều khó khăn, cách trở do vấn đề địa lý, ấm lòng người dân nơi vùng biên.

Ông Phạm Hồng Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy chia sẻ, đoạn đường từ xã ra Agribank huyện là 26km trong khi giao thông còn khó khăn, thời tiết không phải lúc nào cũng thuận lợi. Đặc biệt mùa mưa, con đường trơn, trượt, phải cuốn xích vào bánh xe để bám đường nên từ khi có điểm giao dịch lưu động của Agribank tại xã đã giải quyết được nhiều vấn đề như người dân không phải vất vả đi xa để giao dịch và đặc biệt là đảm bảo an toàn tiền tệ.

“Một tuần điểm giao dịch lưu động làm việc một ngày vào thứ 4, nhưng chúng tôi mong muốn Agribank cố gắng tạo điều kiện cho bà con thêm 1 ngày nữa trong tuần để thêm thời gian được giao dịch tại Ngân hàng”, ông Hồng Việt kỳ vọng.

Liên quan đến hoạt động của Điểm giao dịch lưu động, bà Hoà cho biết, năm 2022, Agribank Kon Tum đã triển khai 84 phiên bằng xe ô tô chuyên dùng với tổng số 2.123 lượt khách hàng giao dịch. Tổng số tiền huy động tiết kiệm gần 7,2 tỷ đồng tăng so với năm 2021 là hơn 3 tỷ đồng. Tổng thu dịch vụ chuyển tiền và dịch vụ khác gần 95 tỷ đồng, tăng so với năm 2021 hơn 68 tỷ đồng. Số tiền cho vay (khách hàng vay ngoài tổ vay vốn) là 400 triệu đồng tăng 400% so với năm 2021. Số tiền thu nợ (khách hàng vay ngoài tổ vay vốn) trên 4,8 tỷ đồng, cao hơn năm 2021 là 1,8 tỷ đồng.

Tính đến 31/12/2022, tổng nguồn vốn huy động của Agribank Kon Tum là 6.554 tỷ đồng, so đầu năm tăng 415 tỷ đồng, tốc độ tăng 6,75%. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế (bao gồm dư nợ uỷ thác đầu tư) đạt 17.434 tỷ đồng, so đầu năm tăng 1.338 tỷ đồng, tốc độ tăng 8,31%. So kế hoạch năm 2022 trụ sở chính giao đầu năm đạt trên 100%, so kế hoạch điều chỉnh năm 2022 đạt 99,06%.

Phát triển kinh tế là nền tảng ổn định chính trị - xã hội

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Agribank chia sẻ, có những hộ nông dân như bác Thành, anh Quyển… cán bộ và nhân viên Agribank rất vui mừng vì phải có nhiều khách hàng như vậy kinh tế của người dân trong vùng mới phát triển. Từ đó kinh tế của vùng tăng trưởng theo và an ninh xã hội ngày càng vững chắc.

“Agribank rất trân trọng, động viên… những khách hàng trong nuôi trồng, sản xuất có nhiều lần không thành công nhưng vẫn bền bỉ, nỗ lực đứng lên sau đổ vỡ để có được thành công hiện nay. Sự sát cánh của Agribank còn được thể hiện qua các hành động cụ thể như những chương trình giảm nợ, giảm lãi, khoanh nợ hỗ trợ khách hàng…”, bà Phượng nói.

Tuy nhiên, điều bà Phượng trăn trở đó là người dân Tây Nguyên vẫn đang tự mình mày mò các hướng đi thể hiện qua việc chủ động tìm hiểu thay đổi cây trồng, vật nuôi… Bà Phượng mong muốn quy hoạch vùng, chiến lược kinh tế phát triển cho khu vực Tây Nguyên sẽ sớm được quy hoạch, trong đó, kinh tế nông nghiệp là địa bàn chiến lược gắn với vành đai biên giới, ổn định chính trị địa phương giúp người dân không du canh du cư, không nghe những thông tin xấu tuyên truyền nơi biên giới…

Bà Từ Thị Kim Thanh, Thành viên Hội đồng thành viên Agribank (hàng trước, thứ 3 từ phải sang), bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Agribank (hàng trước, thứ 5 từ trái sang), bà Hà Thị Thanh Hòa, Phó Giám đốc Agribank Kon Tum (hàng sau, đầu tiên, bên trái) cùng đoàn công tác báo chí chụp ảnh lưu niệm tại ngã ba biên giới (ngã ba Đông Dương) Ngọc Hồi, Kon Tum (tháng 3/2023).

Bà Từ Thị Kim Thanh, Thành viên Hội đồng thành viên Agribank (hàng trước, thứ 3 từ phải sang), bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Agribank (hàng trước, thứ 5 từ trái sang), bà Hà Thị Thanh Hòa, Phó Giám đốc Agribank Kon Tum (hàng sau, đầu tiên, bên trái) cùng đoàn công tác báo chí chụp ảnh lưu niệm tại ngã ba biên giới (ngã ba Đông Dương) Ngọc Hồi, Kon Tum (tháng 3/2023).

“Tây Nguyên vẫn còn nhiều khó khăn trong đó là câu chuyện thiếu vốn nhưng Agribank trung ương đảm bảo khu vực này không bao giờ thiếu vốn. Tuy nhiên, vẫn cần tháo gỡ cơ chế, chính sách cũng như cơ sở vật chất tại khu vực này để Tây Nguyên phát triển đúng như tiềm năng”, bà Phượng nói.

Một trong những nội dung bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, diễn ra ngày 14/10/2022 đã nêu rõ, xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên phải kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế với văn hoá, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, gắn kết chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng - an ninh và tăng cường công tác đối ngoại.

Bài phát biểu nhấn mạnh, lấy sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội làm nền tảng cho việc giữ vững quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị - xã hội. Phát triển vùng Tây Nguyên phải phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, bảo đảm thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia, phù hợp với chiến lược quốc gia về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu.

“Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế vùng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số”, Tổng bí Nguyễn Phú Trọng nói.

Nhiều kỳ vọng đang được đặt ra, không phải chỉ vì có “điểm tựa” là Nghị quyết 23-NQ/TW, mà còn một bản quy hoạch vùng đang được xây dựng. Một khi không gian phát triển mới của toàn vùng được phân bổ lại một cách hợp lý, thêm các cơ chế, chính sách thuận lợi và thông thoáng, cơ hội để Tây Nguyên thu hút nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội là rất lớn.

Vì sự phát triển của vùng đất lịch sử, địa bàn địa chiến lược đặc biệt quan trọng của cả nước, thuộc tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia; là “phên dậu phía Tây của Tổ quốc”, “nóc nhà của Đông Dương”, các cán bộ, nhân viên Agribank lại ngày, đêm tiếp tục là người đồng hành tin cậy, sát cánh cùng người dân Tây Nguyên.