Trung Quốc đang cân nhắc các gói kích thích hỗ trợ nền kinh tế

Trung Quốc đang cân nhắc các gói kích thích hỗ trợ nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo Bloomberg, Trung Quốc đang xem xét một gói các biện pháp kích thích rộng rãi khi áp lực thúc đẩy nền kinh tế ngày càng gia tăng.

Cụ thể, các đề xuất kích thích đang được soạn thảo bởi nhiều cơ quan chính phủ, trong đó bao gồm ít nhất 10 biện pháp được thiết kế để hỗ trợ các lĩnh vực như bất động sản và nhu cầu trong nước.

Nguồn tin của Bloomberg cho biết, việc giảm lãi suất hơn nữa cũng nằm trong số các chính sách đang được xem xét. Suy đoán của các nhà đầu tư về việc cắt giảm lãi suất chính sách dài hạn của Trung Quốc đã tăng lên vào thứ Ba (13/6) sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) bất ngờ hạ lãi suất cho vay ngắn hạn.

Một phần quan trọng của gói kích thích được đề xuất liên quan đến việc hỗ trợ thị trường bất động sản. Nguồn tin cho biết, các cơ quan quản lý đang tìm cách giảm chi phí đối với các khoản thế chấp nhà ở chưa thanh toán và tăng cường cho vay lại thông qua các ngân hàng chính sách của quốc gia để đảm bảo nhà được bàn giao.

Larry Hu, người đứng đầu bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Macquarie Group cho biết, việc cắt giảm lãi suất báo hiệu lập trường của Bắc Kinh đang trở nên ủng hộ hơn và nhiều bước chính sách khác nhau sẽ được thực hiện theo cùng một hướng.

“Chính sách là yếu tố thay đổi cuộc chơi duy nhất khi đối mặt với niềm tin yếu kém của người tiêu dùng và doanh nghiệp vào nền kinh tế. Việc cắt giảm lãi suất hôm nay (13/6) đã gửi một tín hiệu rõ ràng rằng chính sách sẽ trở nên hỗ trợ nhiều hơn trong những tháng tới, một sự thay đổi đáng kể so với việc cắt giảm kích thích kể từ tháng 4”, ông cho biết.

Gần đây, các nhà chức trách đã thực hiện nhiều động thái với mục tiêu khác nhau để thúc đẩy các lĩnh vực cụ thể của nền kinh tế. Các ngân hàng nhà nước lớn nhất đã được phép hạ lãi suất tiền gửi vào tuần trước, giúp giảm bớt áp lực lên tỷ suất lợi nhuận. Các chính sách ưu đãi về thuế, hỗ trợ tín dụng đang được triển khai cho thị trường ô tô, đặc biệt là xe điện. Giảm thuế cũng đang được xem xét cho các công ty sản xuất sản phẩm cao cấp.

Mặc dù các nhà đầu tư có thể sẽ hoan nghênh những nỗ lực hơn nữa của chính quyền Trung Quốc để hỗ trợ nền kinh tế, nhưng phần lớn sẽ phụ thuộc vào quy mô và kết cấu cuối cùng của các biện pháp kích thích. Phản ứng im lặng của thị trường đối với việc cắt giảm lãi suất ngắn hạn của ngân hàng trung ương vào thứ Ba (13/6) đã nhấn mạnh sự hoài nghi ngày càng tăng rằng chỉ riêng chính sách tiền tệ khó có thể vực dậy nền kinh tế bị đè nặng bởi mức nợ kỷ lục, nhu cầu toàn cầu suy yếu và niềm tin yếu ớt của các doanh nghiệp và người tiêu dùng bị lung lay sau nhiều năm thay đổi chính sách khó lường.

Những lo ngại về sự mong manh về tài chính - đặc biệt là giữa các chính quyền địa phương và nhà phát triển bất động sản của Trung Quốc - cũng đã khiến các nhà hoạch định chính sách cảnh giác khi lặp lại các gói kích thích khổng lồ đã giúp vực dậy nền kinh tế trong thời kỳ suy thoái trước đây.

Trong khi đó, các dấu hiệu của sự suy yếu mới cũng đang xuất hiện trong thị trường bất động sản - một trong những động lực tăng trưởng lớn nhất của Trung Quốc -bất chấp kế hoạch giải cứu 16 điểm vào tháng 11. Mặc dù các chính sách mới có thể giúp giảm thiểu sự sụp đổ đột ngột trong lĩnh vực này, nhưng chúng không có khả năng kích hoạt các khoản vay và thúc đẩy mua sắm nhanh chóng quay trở lại.

Các nhà phân tích tại Goldman Sachs kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ chậm lại trong nhiều năm và nhận định rằng các nhà hoạch định chính sách dường như miễn cưỡng sử dụng bất động sản như một công cụ kích thích ngắn hạn và muốn giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào lĩnh vực này. Trung Quốc có thể nới lỏng tín dụng cho những người mua nhà mới và những người nâng cấp nhà, cho phép cắt giảm thêm lãi suất thế chấp và tỷ lệ trả trước, đồng thời nới lỏng hơn nữa các hạn chế mua nhà.

Thống đốc PBOC Yi Gang tuần trước tuyên bố sẽ tăng cường “điều chỉnh ngược chu kỳ”, một sự thay đổi trong ngôn ngữ mà một số nhà phân tích cho rằng báo hiệu sẽ nới lỏng hơn. Ông cũng cam kết sẽ “nỗ lực hết sức để hỗ trợ nền kinh tế thực” khi nhu cầu phục hồi chậm hơn so với cung.

Doanh số bán hàng trong lĩnh vực bất động sản đã sụt giảm sau một đợt hồi phục ngắn vào đầu năm nay. Các nhà phân tích của Nomura Holdings cho biết: “Sự khó khăn đang lan rộng từ các nhà phát triển bất động sản tư nhân sang các doanh nghiệp nhà nước và từ các thành phố nhỏ hơn đến các thành phố hàng đầu, nơi mà các thị trường thứ cấp đang phải hứng chịu tình trạng thừa người bán mặc dù doanh số bán hàng giảm mạnh”.

Theo Bloomberg Economics, một núi nợ của các nhà phát triển bất động sản - tương đương khoảng 12% GDP của Trung Quốc - có nguy cơ vỡ nợ. Sự suy thoái mới của ngành này là một yếu tố chính ảnh hưởng đến thị trường Trung Quốc trong năm nay.

Chỉ số cổ phiếu của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đã giảm khoảng 20% trong năm nay, trong đó Sunac China Holdings Ltd. giảm 68%. Giá quặng sắt cũng đã giảm khoảng 6% từ đầu năm đến nay sau khi đà phục hồi bắt đầu suy yếu vào giữa tháng 3.

Tin bài liên quan