Sức cầu thị trường yếu khiến nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp thấp

Sức cầu thị trường yếu khiến nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp thấp

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Tín dụng cần thúc đẩy từ sức cầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế chia sẻ góc nhìn về tăng trưởng tín dụng.

Tín dụng trong 2 tháng đầu năm tăng trưởng âm, ông nhìn nhận thế nào về hiện tượng này?

Việc tín dụng tăng trưởng âm trong 2 tháng đầu năm 2024 xuất phát từ ba lý do.

Thứ nhất, các ngân hàng đã cho vay rất nhiều vào những tháng cuối năm 2023. Trong khi đó, những tháng đầu năm 2024, nền kinh tế vẫn trong giai đoạn khởi đầu năm mới nên nhu cầu tín dụng không cao.

Thứ hai, thị trường xuất khẩu chưa khởi sắc thực sự. Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 2/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 48,54 tỷ USD, giảm 25,8% so với tháng trước đó và giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 113,96 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước.

TS. Nguyễn Trí Hiếu

TS. Nguyễn Trí Hiếu

Nhu cầu hàng hóa có tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái nhưng năm ngoái xuất nhập khẩu rất chậm, nên xuất khẩu 2 tháng đầu năm vẫn ở mức thấp so với bình quân các năm trước.

Thứ ba, tổng cầu còn yếu, kết hợp giữa cầu nội địa với cầu xuất khẩu chậm, dẫn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh chậm, kéo theo nhu cầu tín dụng thấp.

Nói chung, nền kinh tế vẫn tiếp nối giai đoạn trì trệ của năm 2023 và thời điểm này, một dấu hiệu đáng lo ngại là doanh nghiệp ngưng hoạt động và phá sản tăng cao so với mức bình quân của năm 2023.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 63.000 doanh nghiệp, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 1 tháng, có gần 31.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, gấp đôi so với mức bình quân cả năm 2023. Số lượng doanh nghiệp ngưng hoạt động và phá sản cao là dấu hiệu nền kinh tế đang vận hành rất chậm. Đó là chưa kể chúng ta không “chơi” trong một sân chỉ có riêng mình, mà ở “sân chơi” toàn cầu đang trong giai đoạn trì trệ.

Do vậy, tăng trưởng tín dụng âm không phải là hiện tượng bình thường, mà đáng lo ngại, vì hiện tại đã giữa tháng 3/2024 mà chưa thấy sự khởi sắc của nền kinh tế dù Chính phủ đã có những kế hoạch, biện pháp để vực dậy nền kinh tế.

Ông kỳ vọng khi nào tín dụng sẽ tăng trưởng mạnh trở lại?

Tín dụng sẽ tăng trong khoảng nửa cuối năm 2024, trên cơ sở Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) xoay chuyển chính sách tiền tệ từ thắt chặt sang nới lỏng vào những tháng cận kề cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Hiện Fed vẫn duy trì chính sách kiểm soát lạm phát, bởi mức lạm phát thực tế vẫn cao hơn lạm phát mục tiêu ít nhất khoảng 1%. Theo thông lệ, vào năm bầu cử Tổng thống Mỹ, một trong những điểm Chính phủ đương nhiệm thực hiện là không để lạm phát tăng để tạo thành tích có lợi cho cuộc vận động bầu cử. Theo đó, Fed sẽ vẫn duy trì lãi suất ở mức cao và điều này tác động đến nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là Việt Nam. Giá trị đồng USD cao sẽ đẩy tỷ giá lên và tác động đến các tài sản khác. Ví dụ, giá vàng tiếp tục tăng trên thế giới, ảnh hưởng đến giá vàng tại Việt Nam. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ thắt chặt của Mỹ cũng ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ.

Mặc dù nền kinh tế Mỹ trong tình trạng được “hâm nóng” khi tỷ lệ thất nghiệp thấp, cầu nội địa vẫn cao nhưng với chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed làm hạn chế khả năng vay mượn của doanh nghiệp cũng như người dân Mỹ, từ đó, ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Do vậy, tôi dự đoán nửa đầu của năm 2024, xuất khẩu chưa đạt được sự bứt phá và nếu có tăng thì tăng chậm. Sau khi Fed giảm lãi suất vào nửa cuối năm 2024, với mức giảm khoảng 0,25%/năm sẽ có tác động tích cực hơn cho kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam và từ đó tín dụng sẽ tăng.

Theo ông, đâu là động lực để thúc đẩy tổng cầu trong nước – hiện vẫn còn thấp?

Tăng trưởng tín dụng âm không phải là hiện tượng bình thường, mà đáng lo ngại.

Tôi chưa nhìn thấy trong năm nay có động lực nào để thúc đẩy tổng cầu của Việt Nam lên mạnh hơn, ngoài đầu tư công. Chính phủ đã gửi thông điệp giải ngân đầu tư công mạnh mẽ ngay từ đầu năm. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 2 tháng đầu năm 2024, theo Bộ Tài chính công bố, ước đạt 8,7% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao thì tỷ lệ giải ngân đạt 9,13%, tăng so với cùng kỳ năm 2023. Dù giải ngân đầu tư công được triển khai mạnh trong 2 tháng đầu năm, vẫn cần quan sát tiếp trong những tháng tới.

Ngay cả khi được triển khai mạnh mẽ, đầu tư công cũng không đủ sức đưa kinh tế Việt Nam vào giai đoạn bứt phá. Bởi như tôi đã đề cập, còn hai yếu tố quan trọng khác để vực dậy nền kinh tế, đó là xuất khẩu và cầu nội địa cần được tăng lên. Tôi kỳ vọng việc tăng lương cho người lao động từ tháng 7 tới sẽ là cú huých với tổng cầu nội địa. Nhưng cũng cần thận trọng với chiều ngược lại, tăng lương có thể tạo ra cơ hội lạm phát tăng và đây là điều cản trở kinh tế phát triển.

Lãi suất là câu chuyện liên quan mật thiết đến tăng trưởng tín dụng. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Hiện nay, các ngân hàng đang huy động vốn với lãi suất thấp kỷ lục trong nhiều năm, nhưng người dân vẫn đổ tiền vào ngân hàng vì chưa thấy các kênh đầu tư khác mang lại lợi nhuận và an toàn như ngân hàng. Có vẻ giai đoạn này, vàng là kênh đầu tư người dân đổ xô vào nhưng lại đầy rủi ro, bất động sản giá rất cao nên giao dịch thực sự trầm lắng, chứng khoán tăng điểm nhưng chưa có sự ổn định… Nhìn chung, người dân vẫn bỏ tiền vào ngân hàng và hệ thống đối diện tình trạng ế vốn.

Tôi cho rằng, lãi suất huy động ở mức như hiện nay là phù hợp, thực dương khi cao hơn lạm phát khoảng 1%. Lãi suất tiết kiệm không thể thấp hơn, nếu không, người dân sẽ không gửi tiền vào ngân hàng, mà hướng vào các thị trường tài sản khác như vàng. Điều này sẽ tạo ra cơn sốt vàng và tác động tiêu cực lên kinh tế vĩ mô.

Quan sát thị trường, gần đây, một vài ngân hàng đã tăng lãi suất huy động, song đó chỉ là hiện tượng cục bộ. Tuy vậy, mặt bằng lãi suất huy động có thể tăng trở lại vào nửa cuối năm 2024, từ đó khiến lãi suất cho vay tăng lên. Đây là tín hiệu pha trộn giữa tích cực và tiêu cực. Khi lãi suất tăng chứng tỏ hoạt động kinh tế mạnh mẽ hơn, bởi cá nhân và doanh nghiệp vay nhiều hơn. Điều này đẩy nhu cầu tín dụng tăng lên, khiến các ngân hàng có xu hướng tăng lãi suất để thu hút tiền gửi, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng.

Hiện tại, tăng trưởng tín dụng chưa có dấu hiệu được đẩy mạnh. Để tăng trưởng tín dụng, theo ông, giảm lãi suất cho vay có là một hướng giải quyết?

Hai năm vừa qua, chúng ta tập trung quá nhiều vào câu chuyện hạ lãi suất nhưng thực tế cho thấy, lãi suất không giải quyết được tất cả mọi vấn đề. Lãi suất không phải là công cụ, là mũi tên để trúng nhiều đích.

Giảm lãi suất đúng là sẽ có tác động tới nền kinh tế, nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, kinh tế Việt Nam phục hồi rất chậm trong năm 2023 dù lãi suất đã hạ.

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cần phải có những công cụ khác, thay vì chỉ là lãi suất như cung tiền cần được tăng, vòng quay tiền cần lớn hơn hay nói cách khác cần bơm tiền vào nền kinh tế, đẩy tiền trong lưu thông mạnh hơn.

Đây là nút thắt cổ chai của nền kinh tế cần tháo gỡ trước bối cảnh các doanh nghiệp khó khăn, hoạt động sản xuất - kinh doanh trầm lắng. Nhưng bơm tiền cũng có mặt trái khi nền kinh tế, các ngân hàng sẽ đối mặt với rủi ro lớn. Để giải quyết vấn đề này, chúng ta quay lại câu chuyện sử dụng quỹ bảo lãnh tín dụng, thúc đẩy đầu tư công và mở rộng thị trường xuất nhập khẩu.

Tôi muốn nhấn mạnh một nghịch lý trong bối cảnh hiện nay là, khi các doanh nghiệp suy yếu và cần sự hỗ trợ của các ngân hàng thì cũng là lúc các ngân hàng buông tay vì sợ rủi ro tín dụng. Để ngân hàng cho vay mà không sợ rủi ro, quỹ bảo lãnh tín dụng (quỹ bảo lãnh tín dụng bảo lãnh số tiền các ngân hàng đã cho doanh nghiệp vay, nếu doanh nghiệp mất khả năng trả nợ) là giải pháp phù hợp nhất mà Chính phủ cần cân nhắc.

Tin bài liên quan