TS. Võ Trí Thành phát biểu thảo luận tại Tọa đàm (Ảnh: M.Minh)

TS. Võ Trí Thành phát biểu thảo luận tại Tọa đàm (Ảnh: M.Minh)

TS. Võ Trí Thành: "Chờ đợi tính dẫn dắt của doanh nghiệp nhà nước"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo vị chuyên gia, muốn có bước ngoặt phát triển cho Việt Nam, doanh nghiệp nhà nước phải thể hiện được tính dẫn dắt.

Tại Tọa đàm "Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: Nhìn lại và hướng tới" do Báo Đầu tư phối hợp với Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức sáng 26/9, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI) có một số phát biểu nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động cho khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Theo vị chuyên gia, để hướng tới mục tiêu kinh tế phát triển thịnh vượng, chúng ta đã lựa chọn hai câu chuyện cơ bản: Một là, xây dựng nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, có sự quản lý của Nhà nước; hai là, hướng đến sự phát triển bền vững, không chờ giàu mới lựa chọn phát triển bền vững, với nội dung cơ bản là phát triển kinh tế không đánh đổi môi trường, gắn tăng trưởng với các mục tiêu xã hội khác.

"Trong suốt quá trình cải cách 30 năm qua, chúng ta đã đặt DNNN vào thị trường hội nhập, chấp nhận cạnh tranh, cùng với rất nhiều giải pháp hỗ trợ. Và trong bối cảnh ngày nay, với thách thức mới, trách nhiệm của DNNN là rất lớn", ông Thành nêu quan điểm.

Tuy nhiên, vị chuyên gia nguyên là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cũng thẳng thắn nhìn nhận, gần đây chúng ta nói nhiều về vai trò của DNNN đến đâu, có gì đó phải suy xét hay không?

Chúng ta vẫn trông đợi DNNN (tuy còn nhiều khó khăn nhưng cũng có nhiều thuận lợi) phải phát huy được vai trò dẫn dắt các doanh nghiệp còn lại và dẫn dắt nền kinh tế.

"Muốn bước ngoặt phát triển cho Việt Nam, DNNN phải thể hiện được tính dẫn dắt. Ví dụ dẫn dắt về công nghệ thì DNNN phải đi đầu trong công nghệ 4.0, vấn đề năng lượng xanh, công nghệ lõi để thích ứng với thị trường", TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.

TS. Võ Trí Thành (ngoài cùng bên phải) tại phiên thảo luận trong khuôn khổ buổi Toạ đàm (Ảnh: Chí Cường)

TS. Võ Trí Thành (ngoài cùng bên phải) tại phiên thảo luận trong khuôn khổ buổi Toạ đàm (Ảnh: Chí Cường)

Tuy nhiên, thực tế thì DNNN hiện này đang hoạt động thiếu hiệu quả và khó hiệu quả. "Tại sao DNNN khó hiệu quả", vị chuyên gia kinh tế nêu câu hỏi, đồng thời ông lý giải, do nhóm này đang bị vướng nhiều vấn đề về xung đột lợi ích, trong đó có một số vấn đề mà ngay cả mô hình công ty cổ phần ít nhiều cũng mắc phải.

Cụ thể, theo ông Thành, xung đột lợi ích thứ nhất là xung đột giữa người đứng đầu và doanh nghiệp nói chung. Đại diện sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp thì muốn lợi ích chung, còn doanh nghiệp lại muốn cạnh tranh để có lợi nhuận. Tại công ty cổ phần, đó là xung đột lợi ích của CEO - người được thuê về làm quản lý, với các thành viên hội đồng quản trị vì hai đối tượng này có lợi ích khác nhau.

Xung đột lợi ích thứ hai là xung đột giữa mục đích hoạt động của doanh nghiệp và ý đồ chung của Chính phủ và quốc gia. Bản thân DNNN ngoài vai trò kinh tế còn có trách nhiệm chính trị xã hội, do đó bản thân họ chưa hoàn toàn phù hợp với lợi ích chung.

Làm sao giảm bớt cái này? Hiện nay, Việt Nam vừa phải dựa vào nguyên tắc thông lệ của Tổ chức Hợp tác quốc tế (OECD) mà Việt Nam là thành viên, vừa phải áp dụng nguyên tắc thứ hai là giám sát.

"Hai nguyên tắc này vẫn phải làm đồng thời, mặc dù giám sát rất khó, giám sát chặt quá thì giống như vòng kim cô kiềm chế tính năng động của doanh nghiệp, mà lỏng quá thì vướng vào 2 xung đột lợi ích nói trên", ông Thành nói và nhấn mạnh, quan trọng nhất là mức độ giám sát đến đâu, phân cấp trong giám sát thế nào... để phát huy hiệu quả nhất.

TS Võ Trí Thành trả lời phỏng vấn của báo chí bên hành lang Tọa đàm (Ảnh: Dũng Minh)

TS Võ Trí Thành trả lời phỏng vấn của báo chí bên hành lang Tọa đàm (Ảnh: Dũng Minh)

Khuyến nghị giải pháp, Viện trưởng BCSI cho rằng, trong thế giới hiện nay đang diễn ra quá trình chuyển đổi nhanh, chúng ta phải bắt kịp, quá trình đó không thể tránh khỏi rủi ro. Phải làm sao có được quy trình hoạt động cho DNNN theo kịp được xu thế nhưng không "che đậy" bản chất cuộc chơi trên thương trường. Về điểm này, ứng xử pháp lý là vấn đề cần được quan tâm.

Nói riêng về phương án tái cấu trúc, TS. Võ Trí Thành đề nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy nhanh thí điểm mô hình sandbox (khung thể chế thí điểm, cho phép một số doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới), trong đó chọn ra một số tập đoàn, cho phép họ cơ chế tự chủ đầu tư, tự quyết lương thưởng... để đem lại lợi nhuận cao hơn cho mỗi đồng vốn bỏ ra.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phải hoạt động trên nguyên tắc là nhà đầu tư, có thể tương tự mô hình công ty quản lý quỹ, như kinh nghiệm đã áp dụng của Singapore.

"Chúng ta cần học hỏi cách giám sát, đặt mục tiêu chiến lược của các công ty quản lý quỹ trên thế giới, để đảm bảo linh hoạt trong quản lý vốn Nhà nước. Trước mắt, cần những bước đi để hoàn thiện, nâng cao dần, khắc phục tồn đọng về pháp lý, chức năng, phân cấp….

Từ bước đi tiệm cận ấy kết hợp với các sandbox thí điểm quyền tự chủ, quyền đầu tư, lương thưởng, tiếp cận nghiên cứu triển khai…", ông Thành nói.

Tọa đàm "Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: Nhìn lại và hướng tới" do Báo Đầu tư phối hợp với Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức sáng 26/9.

Sự kiện có sự tham gia của đại diện các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, lãnh đạo các các tập đoàn, tổng công ty nhà nước: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone), Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin).

Tin bài liên quan