TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh

TS. Võ Trí Thành: "Giải cứu" trái phiếu ngay để gỡ nghẽn dòng tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Vị chuyên gia cho rằng để giải quyết khó khăn về thiếu hụt dòng tiền, đứt gãy thanh khoản của Việt Nam hiện nay thì nên tập trung giải cứu trái phiếu doanh nghiệp.

Tìm điểm cân bằng cho bài toán thiếu vốn

Tại Talkshow Chọn danh mục (phần 2) - kỳ 4 với chủ đề Gỡ nghẽn dòng tiền do Báo Đầu tư tổ chức sáng 18/11, hai vị chuyên gia có mặt đều cho rằng, nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam đang phải chịu áp lực lớn về thanh khoản do xuất hiện "điểm nghẽn" tại tất cả các kênh dẫn vốn hiện nay.

Cụ thể, TS Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Smart Invest cho rằng, rào cản về "room" tín dụng, sự sụt giảm của thị trường cổ phiếu và việc nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường trái phiếu đã khiến doanh nghiệp bất động sản không tiếp cận được vốn, kéo theo hàng loạt doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng không tiếp cận được nguồn vốn.

Không chỉ có vậy, theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), do đặc thù của hệ thống tài chính Việt Nam, sự thiếu hụt dòng tiền còn đến từ những nguyên nhân sau:

Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng luôn cao hơn tăng trưởng huy động khiến các ngân hàng thương mại phải tăng lãi suất để huy động vào, cho thấy nguồn tín dụng không dồi dào

Thứ hai, nguồn tín dụng huy động đa phần là vay ngắn hạn nhưng lại tiến hành cho vay trung và dài hạn đối với lĩnh vực bất động sản dẫn đến thu hồi vốn chậm và khó cho vay khoản mới.

Thứ ba, chúng ta đã dành một nguồn ngân sách lớn để thực hành chính sách tài khoá thông qua đầu tư công (cả đầu tư công định kỳ và vốn từ Chương trình phục hồi), song giải ngân đầu tư công lại quá chậm, đến nay mới giải ngân được khoảng 50% vốn kế hoạch, khiến cho dòng tiền ách tắc không quay vòng được.

Thứ tư, để kiểm soát lạm phát và tỷ giá, chính sách thắt chặt tiền tệ đang áp dụng khiến lãi suất tăng cao càng làm doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng hơn.

Tâm lý thị trường hiện nay là tâm lý phòng thủ: người ta có thể có tiền nhưng không muốn xuống tiền. Nói vui trong giai đoạn này thì ai có tiền mặt là vua. Và đây chính là một lý do quan trọng khiến dòng vốn bị tắc nghẽn.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành

Để giải được bài toán dòng tiền hiện nay, ông Thành cho rằng, phải tìm được điểm cân bằng để xử lý hài hoà ba nhiệm vụ cùng lúc là: ổn định vĩ mô (lạm phát, tỷ giá, cán cân thanh toán), giữ an toàn hệ thống tài chính, tạo động lực giúp doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi, phát triển.

"Đó là cái giỏi, cái khéo khi tìm điểm cân bằng để làm sao có thể khó nhưng không khó quá, có thể tác động tiêu cực nhưng không tiêu cực quá. Quan trọng nhất là không gây ra sự đổ vỡ ở thị trường bất động sản, ở hệ thống ngân hàng hay ở niềm tin thị trường và xã hội", vị chuyên gia nêu quan điểm.

Nhấn mạnh thêm, ông Tuấn nói rằng, hiện nay nhiều người đề nghị giảm lãi suất nhưng điều cần tháo gỡ trước tiên là phải làm sao để các thành phần trong nền kinh tế có thể tiếp cận vốn dễ dàng hơn.

"Giai đoạn năm 2011-2012 lãi suất của thị trường Việt Nam tăng rất cao nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều dễ tiếp cận vốn, còn tại thời điểm hiện tại thì lãi suất của chúng ta không cao bằng thời gian trước nhưng doanh nghiệp lại không tiếp cận được vốn", Phó Chủ tịch HĐQT Chứng khoán Smart Invest nói.

Tập trung "giải cứu" trái phiếu

Bàn về những giải pháp cụ thể để khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp, các chuyên gia kiến nghị nhiều giải pháp khác nhau, trong đó lưu ý phải gỡ khó cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Ông Trần Minh Tuấn nói: Khó khăn trong việc tiếp cận vốn hiện nay là do khó khăn từ thị trường trái phiếu bị tê liệt với hơn 900.000 tỷ đồng do các tổ chức phi tài chính phát hành. Để gỡ nghẽn được thì chúng ta cần gỡ nghẽn cho thị trường trái phiếu.

TS Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Smart Invest

TS Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Smart Invest

Trước đây quy mô thị trường trái phiếu chưa lớn nên việc nó biến động ra sao không mấy ảnh hưởng đến thị trường tài chính nói chung. Nhưng với quy mô như hiện tại thì việc thị trường trái phiếu bị nghẽn làm mất niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường, từ đó dẫn đến các thị trường vốn khác cũng bị nghẽn lại và sụt giảm.

Đồng quan điểm, ông Võ Trí Thành thông tin, hiện nay tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trên thị trường đã xấp xỉ với giá trị trái phiếu Chính phủ, trước đây khoảng 1,5 triệu tỷ đồng bây giờ còn khoảng 1,3 - 1,4 triệu tỷ đồng. Trong đó, dẫn đầu về phát hành là ngân hàng thương mại, sau đó là ngành bất động sản chiếm gần 1/3, tiếp đó là năng lượng và lĩnh vực khác.

Trong khi đó, bất động sản và nhóm ngành nghề liên quan đang đóng góp khoảng 12% GDP, sự khó khăn của nhóm này tác động lớn đến toàn bộ nền kinh tế.

Để cứu trái phiếu doanh nghiệp, TS Võ Trí Thành cho rằng, một mặt chúng ta hướng đến minh bạch thông tin, mặt khác các cam kết của nhà hoạch định chính sách, cam kết của Chính phủ phải rất rõ.

Đối với Nghị định 65 sửa đổi Nghị định 153 về phát hành trái phiếu riêng lẻ vừa được Bộ Tài chính phát hành hôm 16/9, ông Thành cho rằng, cần phải nới một số điểm chặt chẽ quá, ví dụ quy định phát hành cho nhà đầu tư cá nhân nhưng đòi hỏi tính chuyên nghiệp.

Thêm nữa là cách xử lý sai phạm về trái phiếu trong giai đoạn khó khăn này phải làm sao cho hài hoà hơn, khéo hơn. "Sai thì phải xử nhưng cách xử thế nào rất quan trọng", ông Thành nhấn mạnh.

Đặc biệt, vị chuyên gia cho rằng, tuy bối cảnh Việt Nam có nhiều điểm không tương đồng với thế giới nhưng chúng ta rất nên xem xét, tham khảo gói giải cứu thị trường bất động sản mà Trung Quốc vừa công bố.

Theo vị chuyên gia, gói giải cứu này có 16 điểm chính nhưng có thể gút lại ở ba chủ đề: Một là nới ít nhiều điều kiện cho vay đối với bất động sản, hai là nới ít nhiều tín dụng cấp cho người đi mua nhà ở, ba là tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu quay lại vận hành.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng cần dành quỹ bình ổn “giải cứu” thị trường trái phiếu. Về đề xuất này, TS. Võ Trí Thành cho rằng không phải ý tưởng mới, nó có nét tương đồng với việc trước đây VAMC xử lý nợ xấu ngân hàng.

Tuy nhiên, ông Thành nói rằng, để áp dụng được giải pháp này thì cần phải được Quốc hội cho phép sử dụng tiền ngân sách và khi áp dụng phải có cơ chế để xử lý những vấn đề phát sinh, rút kinh nghiệm Nghị quyết 43 về xử lý nợ xấu, khi chưa tháo gỡ được điểm nghẽn này thì lại phát sinh điểm nghẽn mới.

Talkshow Chọn danh mục (phần 2) - kỳ 4 với chủ đề Gỡ nghẽn dòng tiền do Báo Đầu tư tổ chức sáng 18/11

Talkshow Chọn danh mục (phần 2) - kỳ 4 với chủ đề Gỡ nghẽn dòng tiền do Báo Đầu tư tổ chức sáng 18/11

Trong khi đó, ông Trần Minh Tuấn cho rằng quy định pháp lý nên hướng đến tăng chất lượng hàng hoá trên thị trường trái phiếu nhưng không quá bó hẹp cơ hội tham gia của nhà đầu tư mà nên mở độ rộng của thị trường để thu hút đầu tư vào kênh này.

Trước mắt, để "giải cứu" khối lượng trái phiếu sắp đáo hạn, ông Tuấn đề xuất thành lập hội đồng trái chủ, nơi nhà phát hành và nhà đầu tư có thể ngồi lại với nhau để bàn biện pháp tháo gỡ tắc nghẽn dòng tiền, cụ thể là tìm kiếm sự thương thảo nhằm cơ cấu lại tài sản của nhà phát hành để khơi thông nguồn vốn cho thị trường trái phiếu.

Tin bài liên quan